Người Mỹ cũng phải công nhận kinh doanh rạp phim chẳng dễ dàng gì

22/08/2016 09:20 AM | Kinh tế vĩ mô

Khi đến các rạp chiếu phim vào những ngày cuối tuần, đã bao giờ bạn thắc mắc một bộ phim làm thế nào để đi từ xưởng sản xuất đến lúc ra mắt khán giả? Đã bao giờ bạn thắc mắc tại sao giá bỏng ngô hay đồ uống trong rạp phim lại đắt đến vậy?

Trên thực tế, hành trình của những tác phẩm điện ảnh này khá trắc trở khi liên quan đến lợi ích của rất nhiều công ty cũng như tổ chức và đôi khi các rạp chiếu phim phải làm mọi cách để thu được lợi nhuận.

Dưới đây là tóm gọn quá trình ra mắt của một bộ phim tại Mỹ:

- Một số người có ý tưởng sản xuất một bộ phim

- Họ thiết lập kịch bản sơ bộ hoặc những bức tranh mô tả sơ về ý tưởng này, qua đó nhằm tăng sự hấp dẫn khi thuyết trình với nhà đầu tư hay công ty sản xuất phim

- Một công ty sản xuất phim hoặc những nhà đầu tư sẽ quyết định xem có làm bộ phim này không. Nếu có, họ sẽ mua bản quyền bộ phim

- Nhóm làm phim được thành lập để hoàn thành bộ phim, bao gồm đạo diễn, nhà sản xuất, diễn viên, nhân viên...

- Bộ phim hoàn thành sẽ được gửi trả lại công ty sản xuất phim, người đã mua bản quyền

- Công ty sản xuất ký hợp đồng bản quyền sử dụng với các hãng phân phối phim

- Các hãng phân phối sẽ quyết định sẽ có bao nhiêu bản sao (Print) của bộ phim này được tạo ra để cho các chủ rạp phim thuê

- Công ty phân phối sẽ trình chiếu bộ phim (Screening) cho những người thuê tiềm năng, thường là các ông chủ rạp phim xem trước.

- Những người mua sẽ đàm phán với công ty phân phối về bộ phim nào họ muốn thuê cùng những điều khoản về bản quyền và lợi nhuận

- Những bản sao của bộ phim sẽ được gửi đến các rạp phim vài ngày trước khi công chiếu

- Rạp phim sẽ trình chiếu bộ phim trong vài tuần nhất định (Engagement)

- Khán giả mua vé xem phim

- Sau khi kết thúc tuần trình chiếu, các rạp phim gửi lại bản sao bộ phim cho hãng phân phối và thanh toán tiền thuê

Phân phối phim có khi còn khó hơn làm phim

Có thể nói rằng việc phân phối và công chiếu một bộ phim cũng khó khăn không kém so với việc sản xuất chúng.

Do chi phí sản xuất một bộ phim thường khá lớn nên hầu như các nhà đầu tư, hãng sản xuất phải thực sự chắc chắn có thể thu lại lợi nhuận thì họ mới dám đầu tư.

Thông thường, những dự án phim lớn sản xuất bởi các hãng phim nổi tiếng, đạo diễn hay diễn viên nổi tiếng hoặc thậm chí một kịch bản vô cùng hấp dẫn cũng có thể đảm bảo bộ phim đạt được thỏa thuận với các nhà phân phối.

Đối với các nhà làm phim độc lập, việc đưa bộ phim tham dự những liên hoan phim quốc tế là cơ hội để họ thu hút sự chú ý của các nhà phân phối phim.

Một khi công ty phân phối chú ý đến một bộ phim, thỏa thuận giữa 2 bên sẽ chủ yếu dựa trên 2 phương thức là cho thuê hoặc chia sẻ lợi nhuận.

Với mô hình cho thuê, nhà phân phối đồng ý trả một khoản tiền cố định nhằm thu được quyền phân phối chính thức cho bộ phim. Còn mô hình chia sẻ lợi nhuận, nhà phân phối sẽ nhận được một tỷ lệ phần trăm nhất định (thường là khoảng 10-15%) từ doanh số kinh doanh của bộ phim.

Cả 2 mô hình trên đều có ưu và nhược điểm tùy vào doanh số của bộ phim khi công chiếu ngoài rạp phim. Vì vậy, mục đích chính của cả 2 bên khi đàm phán đều nhằm xác định xem mô hình nào là phù hợp nhất cho lợi ích của họ.

Dẫu vậy, hầu hết những nhà sản xuất phim nổi tiếng đều có hệ thống phân phối của riêng họ. Ví dụ như hãng Disney có Buena Vista là công ty con chuyên phân phối phim.

Ưu điểm của mô hình này là việc thỏa thuận phân phối phim diễn ra vô cùng dễ dàng, nhanh chóng và công ty mẹ cũng không phải chia sẻ lợi nhuận của bộ phim với ai khác. Tuy nhiên, nếu bộ phim bom tấn đó là “bom xịt” thì công ty mẹ sẽ phải tự chịu lỗ.

Đây là một trong những lý do khiến một số hãng sản xuất phim lớn hợp tác với nhau chỉ để cùng cho ra mắt một phim bom tấn, nhằm giảm thiểu rủi ro.

Bước tiếp theo khi các công ty phân phối mua được bản quyền sử dụng bộ phim là quá trình thực tế hóa lợi nhuận.

Hầu hết các hãng phân phối không chỉ có quyền cung cấp, cho thuê phim ảnh với các rạp phim mà còn có quyền kinh doanh, phân phối phim trên các dịch vụ giải trí khác như truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số, bán băng đĩa, trò chơi, âm nhạc, hình ảnh... Những điều khoản này sẽ được thỏa thuận chi tiết trong hợp đồng trước đó với nhà làm phim.

Khi hãng phân phối trình chiếu thử nhằm thu hút người mua là chủ các rạp phim, họ phải tính toán sao cho hợp lý nhất. Có khá nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự thu hút của một bộ phim ngày nay như nhà sản xuát, ngôi sao đóng phim, lượng khán giả tiềm năng, thời điểm ra mắt...

Nếu một bộ phim đã có mọi thứ từ một nhà sản xuất lớn đến dàn diễn viên ngôi sao thì việc thu hút các người mua đến xem thử bộ phim không có gì khó.

Trong trường hợp công ty phân phối không chắc chắn thu hút được nhiều người mua, họ sẽ cố gắng trình chiếu thử tại càng nhiều nơi càng tốt nhằm thu hút thêm các ông chủ rạp chiếu phim.

Thông qua việc đánh giá những người mua tiềm năng đến xem thử phim, các công ty phân phối có thể quyết định xem sẽ làm bao nhiêu bản sao của bộ phim nhằm cho các rạp phim thuế. Đây là công đoạn quan trọng khi mỗi bản sao tốn khoảng 1.500-2.000 USD để làm ra với chất lượng tốt.

Như vậy, với khoảng 3.000 phòng chiếu thì nhà phân phối sẽ phải tốn khoảng 6 triệu USD cho các bản sao. Với chi phí như vậy, các hãng phân phối phải tính toán hợp lý để sao cho thu được lợi nhuận tối đã nhất bởi một số bộ phim bom tấn sẽ có nhiều người xem, trong khi số còn lại thì không.

Một số chuỗi rạp chiếu lớn như AMC Theatres hay United Artists tại Mỹ sẽ thuê người đại diện đàm phán với công ty phân phối, trong khi những rạp chiếu nhỏ lẻ sẽ thương thảo trực tiếp.

Thông thường, các nhà phân phối sẽ thương thảo những hợp đồng khác nhau với người mua khác nhau nhằm đảm bảo thu được lợi nhuận lớn nhất cũng như duy trì mối quan hệ làm ăn với các rạp phim.

Thậm chí, một số rạp phim còn được độc quyền chiếu một bộ phim hoặc được quyền công chiếu sớm tại một khu vực nhất định.

Kinh doanh rạp phim cũng chẳng dễ dàng gì

Có 2 cách để các công ty phân phối cho thuê bộ phim với các rạp chiếu là đấu thầu và chia phần trăm lợi nhuận.

Trong trường hợp đấu thầu, rạp chiếu phim sẽ trả một khoản phí thuê cố định cho hãng phân phối để được công chiếu tác phẩm điện ảnh. Ví dụ một rạp chiếu phim trả cho hãng phân phối 100.000 USD để được công chiếu 4 tuần cho một bộ phim mới. Bù lại, rạp phim có thể thu về 125.000 USD doanh số và có lợi nhuận 25.000 USD.

Tuy nhiên, nếu doanh số quá kém thì rạp phim có thể bị lỗ nặng nên ngày nay không còn nhiều rạp phim tại Mỹ dùng cách đấu thầu này để thuê phim nữa. Hầu hết các rạp chiếu sẽ sử dụng phương thức chia phầm trăm theo doanh số bán vé.

Quy tắc chung của kiểu thỏa thuận này thường sẽ như sau:

- Rạp phim sẽ thu một khoản tiền nhỏ (Nut) nhằm bù đắp chi phí hàng tuần khi chiếu bộ phim mới

- Công ty phân phối và rạp chiếu phim sẽ chia phần trăm lợi nhuận dựa trên khoản doanh thu còn lại sau khi trừ đi khoản phí cố định ở trên.

- Khoảng thời gian rạp phim thuê bản sao để chiếu.

Việc phân phối lợi nhuận sau khi công chiếu bộ phim dựa trên doanh thu trước hay sau thuế thường tùy thuộc vào công ty phân phối.

Ví dụ một rạp phim A thuê hãng phân phối B để công chiếu một bộ phim mới trong 4 tuần. Phí thuê cố định hàng tuần mà rạp phim trích ra từ doanh thu là 4.500 USD. Nếu phân phối lợi nhuận theo doanh thu sau thuế, tỷ lệ lợi nhuận mà rạp phim sẽ nhận là 95% cho 2 tuần đầu và tương ứng 90%, 85% cho 2 tuần cuối.

Nếu phân phối lợi nhuận theo doanh thu trước thuế, tỷ lệ sẽ là 70% cho 2 tuần đầu và tương ứng 60%, 50% cho 2 tuần cuối.

Giả sử doanh thu của rạp phim khi chưa tính khoản phí cố định là 15,000 USD trong tuần đầu và 12.000 USD cho 3 tuần sau.

Nếu nhìn vào biểu đồ, chúng ta có thể thấy doanh thu trước thuế cao hơn vào 3 tuần đầu trong khi doanh thu sau thuế cao hơn vào tuần cuối cùng công chiếu. Như vậy, thông thường hãng phân phối sẽ nhận chia tỷ lệ theo doanh thu trước thuế trong 3 tuần đầu và theo doanh thu sau thuế trong tuần cuối.

Với cách làm này, rạp chiếu phim sẽ hòa vốn trong tuần đầu, lỗ trong tuần thứ 2 và có lợi nhuận trong tuần 3-4.

Trong phân phối phim này, những rạp phim công chiếu trước thường chịu thiệt (Loss Leader) khi họ mất một khoản chi phí quảng cáo, marketing cho bộ phim để thu hút khán giả đến rạp trong khi các rạp phim chiếu sau có thể dựa theo độ nổi tiếng của bộ phim để thu hút khách.

Với việc phân chia lợi nhuận phức tạp như trên cũng như độ rủi ro cao khi các rạp phim thuê phim mới, thông thường họ sẽ phải bán bỏng ngô và nước uống với giá cao hơn để bù đắp chi phí cho những bộ phim ít người xem.

Trong trường hợp một bộ phim thu hút nhiều người xem hơn dự kiến và vẫn tiếp tục hút khách khi hết tuần công chiếu theo hợp đồng, rạp phim sẽ đàm phán để tiếp tục chiếu bộ phim này (Held Over).

Mặc dù những rạp phim chiếu trước chịu thiệt khi mất công quảng cáo, họ lại là những người thu được khoản lãi hoặc lỗ nhiều nhất do đi tiên phong trên thị trường.

Trong khi đó, những rạp phim nhỏ lẻ chiếu sau sẽ dựa trên tình hình thị trường mà quyết định thuê bộ phim nào để công chiếu. Thông thường, do đã hết “hot” nên các nhà phân phối sẽ thỏa thuận một mức giá mềm hơn cho các rạp phim thuê chiếu sau.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM