Tranh luận 'xử vượt cấp hay không vụ 55 triệu USD'

16/01/2013 14:51 PM | Pháp luật

Để có cái nhìn đa chiều hơn, xin trích đăng ý kiến của một nhóm luật sư tại TPHCM.


Chúng tôi là nhóm luật sư theo dõi và tìm hiểu vụ kiện có quan điểm rằng TAND Quận 1 thụ lý vụ kiện này là đúng thẩm quyền loại việc quy định tại Điều 25 Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) và thẩm quyền theo cấp theo Khoản 1 Điều 33 BLTTDS bởi những căn cứ sau: 

Thứ nhất: Theo Điều 33 BLTTDS quy định thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là TAND cấp huyện) trừ trường hợp có “đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài”. 

Theo Tiểu mục 4.1. Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31/3/2005 của Hội đồng Thẩm phán (HĐTP) Tòa án nhân dân Tối cao khái niệm rõ “Đương sự ở nước ngoài” bao gồm: “Đương sự là cá nhân không phân biệt là người nước ngoài hay người Việt Nam mà không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Toà án thụ lý vụ việc dân sự/ đương sự là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở nước ngoài hoặc người nước ngoài không ở Việt Nam có mặt tại Việt Nam để nộp đơn khởi kiện vụ án dân sự hoặc đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Toà án…. 

Cơ quan, tổ chức không phân biệt là cơ quan, tổ chức nước ngoài hay cơ quan, tổ chức Việt Nam mà không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam vào thời điểm Toà án thụ lý vụ việc dân sự”. 

Đối chiếu quy định này thấy rằng: Ông Ly Sam là người có 2 quốc tịch Việt Nam và Hoa Kỳ, ông được cơ quan công an cấp thẻ tạm trú dài hạn, được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp giấy phép thành lập Công ty VP, ông có mặt trực tiếp gửi đơn khởi kiện đến Tòa án. 

Như vậy, cho dù ông Ly Sam là người nước ngoài nhưng ông Ly Sam lại “đang ở” Việt Nam sinh sống, kinh doanh và có mặt tại Việt Nam tại thời điểm Tòa án thụ lý vụ án.

Vì vậy, ông Ly Sam không rơi vào trường hợp nào của Tiểu mục 4.1 của Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP nêu trên.

Công ty Liên doanh Đại Dương được thành lập theo Giấy phép đầu tư số 859/GP ngày 07/5/1994 của Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư), có trụ sở tại số 80 đường Đông Du, Quận 1, TP.HCM.

Công ty TNHH Ewarton được Ủy ban nhân dân TP.HCM cấp Giấy Chứng nhận đầu tư số 411043001051 ngày 02/6/2009 và được cấp con dấu, có trụ sở tại số 80 Đông Du, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM.

Như vậy, hai công ty này đều có trụ sở, văn phòng đại diện tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ án.

Căn cứ Điểm a, Tiểu mục 4.1 Nghị quyết 01/2005/NQ-HĐTP hướng dẫn thì ông Ly Sam, Công ty Liên doanh Đại Dương và Công ty TNHH Ewarton không thuộc trường hợp “đương sự ở nước ngoài” theo Khoản 3 Điều 33 của BLTTDS nên thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND Quận1.

Thứ hai: Trong thực tiễn có những trường hợp TAND cấp huyện khi thụ lý không có nhân tố nước ngoài nhưng sau khi thụ lý thì phát sinh nhân tố nước ngoài (Ví dụ: có một trong các bên đương sự đi ra nước ngoài), căn cứ Điều 412 BLTTDS quy định thì thẩm quyền của TAND cấp huyện không thay đổi, vẫn tiếp tục giải quyết. 

Trong quá trình giải quyết nếu phát sinh yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự (tống đạt, thu thập chứng cứ) thì TAND cấp huyện lập hồ sơ ủy thác để gửi cho Tòa án nhân dân tỉnh (ở đây là TAND TP.HCM) để thực hiện theo thủ tục chung.

Vụ kiện này các đương sự đều ở Việt Nam nên không phải ủy thác tư pháp, và nếu cần ủy thác tư pháp thì TAND Quận 1 có quyền lập hồ sơ ủy thác tư pháp theo Khoản 2 Điều 9 Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 15/9/2011 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao.

Vì vậy, ý kiến cho rằng TAND cấp huyện không có quyền ủy thác tư pháp là chưa chính xác. 

Thứ ba: Nhân chứng không phải là đương sự của vụ kiện, vì vậy không bắt buộc phải đưa tham gia tố tụng nên TAND Quận 1 không vi phạm tố tụng. 

Thứ tư: Máy số 13 không được lập biên bản niêm phong từ phía cơ quan chức năng, và đã bị phía bị đơn tháo ra, tự đem đi giám định đã gần 4 năm, máy số 13 đâu còn giữ nguyên hiện trạng.

Bây giờ còn có ý kiến là phải giám định là khiên cưỡng, bởi có giám định lại cũng chỉ để tham khảo chứ không được xem là chứng cứ.

Vì vậy, ý kiến cho rằng phải giám định máy chỉ làm mất thời gian, tiền bạc không cần thiết.

Thứ năm: Có ý kiến cho rằng phải triệu tập Công ty sản xuất máy trò chơi. Công ty này cũng không phải là đương sự theo Khoản 1 Điều 56 BLTTDS. Để bảo vệ quyền lợi cho mình, phía bị đơn có quyền đưa nhân chứng là công ty sản xuất máy đến để yêu cầu Tòa án lấy lời khai.

Đối với vụ kiện này, phía bị đơn cũng đã cung cấp tài liệu về máy và tài liệu này đã được hợp pháp hóa lãnh sự.

Cuối cùng, Công ty Liên doanh Đại Dương, Công ty TNHH Ewarton khi đăng ký xin cấp phép kinh doanh đều có cam kết tuân theo pháp luật Việt Nam; vụ tranh chấp này được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự và các văn bản chuyên ngành chứ không đem án lệ của nước khác vào áp dụng như Luật sư phía bên nguyên đơn nêu ra là đúng. 

Theo Luật gia Nguyễn Đình Cao Phi 
(đại diện một nhóm luật sư tại TP.HCM)
 vietnamnet

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM