Vụ thắng bạc 55,5 triệu USD: Pháp luật Việt có lỗ hổng
Vụ việc thu hút tranh cãi của dư luận không chỉ ở chỗ số tiền thắng kiện là rất lớn, mà còn ở chỗ chưa có trong tiền lệ pháp luật Việt Nam, trong mảng liên quan đến đánh bạc.
Hiện nay quy chế hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng (bản chất là đánh bạc) được điều chỉnh duy nhất bởi Quyết định số 32/2003/QĐ-TTg ngày 27/02/2003 của Thủ tướng Chính phủ. Theo Quyết định này, doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này có thể là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên người chơi thì chỉ có thể là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Các đối tượng khác bị cấm tham gia dưới bất kỳ hình thức nào.
Có thể nói văn bản này mới chỉ quy định đến những nguyên tắc cơ bản của việc kinh doanh dịch vụ đánh bạc mà chưa có những quy định liên quan đến giải quyết tranh chấp giữa đơn vị kinh doanh đánh bạc và người chơi.
Bản chất pháp lý của đánh bạc theo Quyết định 32 nói trên là “hợp đồng dân sự” tuy nhiên nó lại chưa được Bộ luật Dân sự quy định (việc đánh bạc không thuộc trường hợp được quy định tại Quyết định này trên lãnh thổ Việt Nam không phải là hợp đồng dân sự bởi đối tượng của hợp đồng vi phạm điều cấm của pháp luật, mọi giao dịch, thỏa thuận liên quan đến đánh bạc đều vô hiệu)
Như vậy có thể thấy một lỗ hổng trong pháp luật của chúng ta mà các nhà làm luật chưa dự liệu tới. Và chính lỗ hổng này sẽ gây khó khăn cho tòa án khi phân xử vụ kiện. Bởi dù gì khi tuyên án tòa án cũng cần căn cứ vào những điều luật cụ thể chứ không thể căn cứ chung chung được.
Dưới góc độ tố tụng, ở vụ án này có một số điểm cũng cần phân tích để có cách nhìn khách quan.
Thứ nhất, đối với việc bị đơn tự ý tháo bo mạnh gửi ra nước ngoài giám định.
Đây là một sai lầm của bị đơn bởi hiện nay pháp luật tố tụng Việt Nam mới chỉ công nhận và cho thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án nước ngoài tại Việt Nam, mà chưa có quy định nào về việc công nhận kết quả giám định của một cơ quan, tổ chức của nước ngoài.
Do vậy, dù giám định đó là độc lập, khách quan, tuân thủ pháp luật nước sở tại thì cũng không được tòa án Việt Nam sử dụng vào việc giải quyết vụ án. Trong khi đó, ở vụ án này bị đơn tự ý tháo bo mạch mà không có sự chứng kiến của nguyên đơn và khi mở niêm phong (ở nước ngoài) cũng không có chứng kiến của nguyên đơn.
Ai đảm bảo rằng quá trình giám định là khách quan, không bị can thiệp một cách chủ ý để có lợi cho bên đề nghị giám định? Như vậy, “chứng cứ” (bo mạch và kết luận giám định) đã không được thu thập theo trình tự luật định nên dù kết quả giám định là chân thực (kể cả việc giả sử pháp luật Việt Nam có quy định việc công nhận kết quả giám định) thì những “chứng cứ” này cũng không thể được coi là chứng cứ, không được sử dụng để chứng minh sự thật.
Thứ hai, có ý kiến cho rằng có thể áp dụng tập quán của nước ngoài khi xét xử vụ án này bởi Việt Nam chưa có tiền lệ. Cách hiểu này không phù hợp bởi luật pháp Việt Nam. Mặc dù có cho phép tòa án khi xét xử được áp dụng tập quán tuy nhiên nó phải thỏa mãn khi phong tục tập quán đó không trái pháp luật. Và quan trọng hơn, tập quán đó phải là tập quán của Việt Nam chứ không phải tập quán nước ngoài.
Các đương sự đều ở Việt Nam, giao dịch phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam thì sao lại áp dụng tập quán của nước ngoài?
Thứ ba, nếu gạt bỏ vấn đề án phí thì vụ kiện trị giá 5 đô hay 55 triệu đô cũng là như nhau bởi Tòa án cũng phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật tố tụng thì mới có thể ra được một phán quyết. Tuy nhiên, nếu bị đơn muốn chứng minh cho tòa thấy giải thưởng tối đa không phải là 55 triệu đô mà là một con số khác thì bị đơn phải cung cấp được cho tòa án các chứng cứ mà các chứng cứ này có trước khi nguyên đơn bắt đầu chơi bạc.
Mọi chứng cứ phát sinh sau đó như thông tin do nhà sản xuất, lập trình viên cung cấp… đều không có giá trị pháp lý bởi nó không được hai bên thỏa thuận ngay từ đầu. Đã là hợp đồng thì mọi thỏa thuận sửa đổi, bổ sung chỉ có giá trị khi được các bên đồng ý. Các quy định được một bên đơn phương đưa ra sau khi hợp đồng đã được ký kết hoặc đã được thực hiện không có giá trị thi hành đối với bên kia. Trong vụ án này, giả sử ông Ly Sam sau khi thua 300 đô nhưng sau đó đòi lại 200 đô vì cho rằng mỗi lần chơi ông ta chỉ được bỏ ra số tiền không quá 100 đô thì bên nhà cái có trả lại không?
Với những phân tích trên thì có thể thấy dù vụ kiện tới đây được xét xử ở cấp phúc thẩm có kết quả thế nào thì chúng ta cũng cần có tư duy pháp luật đúng đắn trên nền tảng pháp luật thực định. Đó chính là tinh thần thượng tôn pháp luật.
Theo Luật sư Vũ Tiến Vinh
vnexpress