Panasonic không còn là một đế chế điện tử gia dụng khi đón sinh nhật 100 tuổi

02/04/2018 14:59 PM | Kinh doanh

Vào ngày lễ kỷ niệm sinh nhật 100 tuổi, Panasonic cũng khoác lên mình chiếc áo mới.

Cách đây khoảng 100 năm, Nhật Bản chứng kiến sự ra đời của hàng loạt các công ty mới chủ yếu trong ngành sản xuất được các doanh nhân thành lập nhằm tận dụng lợi thế xuất khẩu sau Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Ngày 7/3/1918, ông Konosuke Matsushita lập ra Panasonic tại một căn nhà cho thuê ở Osaka, cùng với vợ và em rể. Từ một nhà cung cấp đui bóng đèn, Panasonic đã trở thành đế chế thiết bị gia đình được cả thế giới biết đến.

Bước sang thế kỷ thứ 2, Panasonic đang phải vật lộn để tìm chỗ đứng trên con đường tăng trưởng mới. Lợi nhuận hoạt động của công ty này vẫn chưa vượt qua được kỷ lục năm tài chính 1984 là 575 tỷ yên ( tương đương với 5,4 tỷ USD theo tỷ giá hiện tại). Đó là khi doanh thu của các trình phát video VHS đang bùng nổ.

Đến năm 2012, thời điểm Kazuhiro Tsuga trở thành chủ tịch thứ 8 của Panasonic, công ty này rơi vào tình cảnh thua lỗ nặng nề với 772,2 tỷ yên lỗ ròng trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3.

Ông Tsuga ngay lập tức tung ra chính sách tái cơ cấu, ngăn chặn sự "đổ máu" với các biện pháp quyết liệt như cắt giảm khoản kinh doanh TV plasma. Tuy nhiên cho đến nay, lợi nhuận hoạt động dự kiến ​​cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2018 của Panasonic vẫn chỉ lẹt đẹt ở khoảng 350 tỷ yên, tương đương với 60% với mức đỉnh năm 1984.

Mặc dù xảy ra trùng hợp với đà suy thoái kinh tế Nhật Bản, vấn đề của Panasonic đến từ những nguyên nhân sâu xa hơn.

Ông Kunio Nakamura - vị chủ tịch thứ 6 và hiện là cố vấn điều hành của Panasonic đã nhìn thấy điều đó từ năm 1995 khi ông còn làm cho chi nhánh tập đoàn này tại Mỹ.

Panasonic không còn là một đế chế điện tử gia dụng khi đón sinh nhật 100 tuổi  - Ảnh 1.

Biểu đồ lợi nhuận của Panasonic trong 38 năm qua

Vào thời điểm Microsoft phát hành hệ điều hành Windows 95, ông Nakamura đã thực sự kinh ngạc bởi một cuộc cách mạng số hóa sẽ sớm thay thế những chiếc TV analog vốn là sản phẩm chủ lực của Panasonic.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đó, trụ sở của Panasonic ở phía Tây Osaka lại tỏ ra rất thản nhiên. Cả quản lý và nhân viên Panasonic vẫn chỉ tập trung vào các đối thủ trong nước và tiếp tục tập trung vào mô hình ban đầu của công ty - bán thiết bị nhà ở cho người tiêu dùng, bỏ qua làn sóng kỹ thuật số.

"Thành thực mà nói. Công ty của chúng tôi lúc đó không có đủ tiềm lực để cạnh tranh với các công ty công nghệ thông tin của Mỹ", ông Nakamura chia sẻ.

Là chủ tịch điều hành, ông Nakamura đã thực hiện một cuộc cải cách to lớn. Nhưng khả năng phản ứng chậm của Panasonic với môi trường kinh tế thay đổi, cùng với đồng yên tăng giá và sức cạnh tranh gia tăng đến từ các đối thủ Trung Quốc và Hàn Quốc đã khiến cho cuộc chiến của Panasonic càng trở nên khó khăn.

Nhưng Panasonic đang thay đổi mình. Tsuga - vị chủ tịch hiện tại của Panasonic đang cố gắng thực hiện chiến lược thay đổi lớn. Tại triển lãm hàng điện tử được tổ chức hồi tháng 1, không có một chiếc TV hay thiết bị nghe nhìn nào trong gian hàng của Panasonic.

Trong khi Panasonic vẫn là một thương hiệu thiết bị gia đình nổi tiếng trên toàn thế giới, tỷ lệ mảng kinh doanh "sân sau" trong tổng doanh thu đã tăng lên. Dự kiến, doanh thu phân khúc thiết bị công nghiệp và tự động hóa sẽ đạt 2,74 nghìn tỷ yên trong năm nay, tương đương với 34% tổng doanh thu và vượt mức 2,57 nghìn tỷ yên doanh thu dự kiến ​​cho các thiết bị gia dụng.

Người tiêu dùng có thể nghĩ Panasonic là một nhà sản xuất TV và tủ lạnh, nhưng nhận thức này đã không còn phản ánh bản chất thực sự của nó.

Trong một nỗ lực mới khác, Panasonic đang thử nghiệm công nghệ thanh toán tự động cho các nhà bán lẻ với sự hợp tác của Trial - một chuỗi cửa hàng giảm giá có trụ sở tại thành phố Fukuoka phía Tây Nam Nhật Bản. Đây là một nỗ lực đầy tham vọng để tạo ra một phiên bản Nhật dựa trên ý tưởng cửa hàng tiện lợi tự động của Amazon.com.

Ít nhất một giá trị đã được Panasonic lưu giữ suốt 100 năm qua: triết lý quản lý của người sáng lập tin rằng nhiệm vụ của nhà sản xuất là làm cho hàng hoá phong phú và giá cả phải chăng để xóa đói giảm nghèo. Một số người cho rằng triết lý kinh doanh của ông tổ Panasonic đã không còn phù hợp khi nền kinh tế phát triển.

Nhưng ngay cả bây giờ, Panasonic cũng vẫn đang theo đuổi triết lý kinh doanh của Matsushita với một phiên bản hiện đại hơn đối với các thiết bị gia dụng. Thay vì bán các thiết bị riêng lẻ, công ty đặt mục tiêu bán bộ không gian sống cao cấp trong đó có các thiết bị điện tử gia dụng của hãng.

Theo Anh Sa

Cùng chuyên mục
XEM