OpenAI và vụ kiện 450 tỷ USD luật bản quyền: Dấu chấm hết cho AI và ChatGPT?

22/01/2024 10:25 AM | Kinh doanh

Các hãng công nghệ cho rằng AI còn mới và nên được tạo điều kiện phát triển. Thế nhưng việc ngày càng nhiều lao động thất nghiệp vì AI đang khiến mọi người đặt câu hỏi về sự trục lợi từ bản quyền của công nghệ này.

OpenAI và vụ kiện 450 tỷ USD luật bản quyền: Dấu chấm hết cho AI và ChatGPT? - Ảnh 1.

Tờ Vox cho hay Napster đã từng là một trang web chia sẻ miễn phí âm nhạc trước khi Spotify và Apple Music ra đời, tạo nên một cơn sốt trong giới sinh viên thập niên 1990. Tuy nhiên cũng vì thế mà Napster thu hút sự chú ý của các hãng thu âm.

Thế rồi vào năm 2001, tòa án liên bang phán quyết Napster vi phạm bản quyền, chấm dứt sự manh nha của một xu thế mới trên thị trường âm nhạc.

Giờ đây khi trí thông minh nhân tạo (AI) trỗi dậy với thành công của ChatGPT đến từ OpenAI, cuộc chiến bản quyền lại được dấy lên một lần nữa khi nhiều hãng cáo buộc công nghệ này trục lợi từ ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ.

Cuối năm 2023, tờ New York Times (NYT) đã đâm đơn kiện OpenAI lẫn Microsoft, cáo buộc rằng họ đã đánh cắp nội dung có bản quyền để xây dựng nên ChatGPT và trục lợi từ đó.

Ngay lập tức, Ủy ban Tư pháp Thượng viện về Quyền riêng tư, Công nghệ và Luật (SJS) đã tổ chức một phiên điều trần về việc có nên buộc các doanh nghiệp phát triển AI trả tiền bản quyền khi sử dụng nguồn thông tin đầu vào hay không.

OpenAI và vụ kiện 450 tỷ USD luật bản quyền: Dấu chấm hết cho AI và ChatGPT? - Ảnh 2.

Theo giáo sư James Grimmelmann của trường đại học luật Cornell, việc thảo luận và điều trần sẽ còn diễn ra trong thời gian dài cho đến khi có sự đồng thuận của đa số nghị viên. Do đó, Mỹ sẽ còn rất lâu mới thực sự có hành động lập pháp nào nhắm vào bản quyền với AI.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc công nghệ mới sẽ tiếp tục hoành hành trên thị trường một thời gian dài nữa trước khi bị chế tài.

450 tỷ USD

Theo Vox, nhiều hãng công nghệ cho rằng AI nên được tạo điều kiện phát triển vì còn ở giai đoạn sơ khai, nên được cho phép sử dụng nguồn thông tin đa dạng từ Internet.

Thế nhưng với việc ngày càng nhiều lao động mất việc vì AI, mọi người bắt đầu đặt câu hỏi liệu công nghệ mới này có đang trục lợi từ vi phạm bản quyền cho thông tin đầu vào?

Bằng chứng là tờ NYT lập luận rằng ngay cả các công nghệ mới hiện nay cũng phải tuân thủ luật bản quyền dù chúng có thú vị đến đâu đi chăng nữa.

Nguyên nhân là nếu những công nghệ mới như AI được miễn phí thì cuối cùng những người sản xuất nội dung hay các lao động bình thường sẽ chẳng còn tồn tại. Mọi người lúc đó sẽ chẳng còn muốn sáng tạo nội dung hay làm thứ gì khác chỉ để khiến AI trục lợi.

Theo Vox, việc ngày càng nhiều người đồng tình về luật bản quyền có thể là bước ngoặt với AI, thậm chí là dấu chấm hết cho công nghệ mới này.

Việc áp phí bản quyền sẽ khiến AI trở nên vô cùng đắt đỏ khi sử dụng thông tin trên Internet để xây dựng mô hình.

Lấy ví dụ ChatGPT, nếu một câu hỏi được đặt ra về sự sụp đổ của Bức tường Berlin năm 1989, công nghệ này sẽ thu thập thông tin từ Internet mà rất có thể là từ những bài báo chi tiết của NYT để trả lời.

Mô hình ngôn ngữ lớn LLM xây dựng nên ChatGPT được đào tạo từ hơn 500 gigabyte dữ liệu, bao gồm các kho lưu trữ báo chí trên Internet.

Nói cách khác, dữ liệu có bản quyền là một phần chủ chốt khiến công nghệ AI trở nên mạnh mẽ và biến các doanh nghiệp như OpenAI thành công ty có giá trị như vậy.

OpenAI và vụ kiện 450 tỷ USD luật bản quyền: Dấu chấm hết cho AI và ChatGPT? - Ảnh 3.

Đây được cho cũng là nguyên nhân chính khiến AI có thể thay thế nhiều lao động khi chúng "xào nấu" miễn phí nội dung của người khác trên Internet để cho ra sản phẩm nhanh, rẻ hơn so với thông thường.

Phía NYT đã dẫn chứng những câu trả lời của ChatGPT khớp nguyên văn các bài báo của mình. Phía OpenAI đáp trả rằng đây là những lỗi hiếm gặp và đang cố gắng cải thiện ChatGPT, đồng thời cho rằng NYT đã "gài bẫy" qua các câu hỏi để chatbot này cho ra câu trả lời giống những bài báo của họ.

Bất chấp điều đó, phía NYT phản bác rằng OpenAI đang trục lợi hàng tỷ USD từ luật bản quyền để xây dựng nên một cỗ máy từ công sức của những người sản xuất nội dung số.

Theo một ước tính, NYT có thể đòi bồi thường thiệt hại 450 tỷ USD dựa trên hàng triệu bài báo đã bị sao chép nội dung như trên.

Đối phó

Phía OpenAI nhận thức rất rõ được điểm yếu của công nghệ mới là vấn đề bản quyền, bên cạnh những khó khăn như tốn năng lượng và gặp nhiều lỗi.

Bởi vậy, hãng đã quyết định trả trước cho các chủ sở hữu nội dung nhằm dàn xếp các vụ kiện trước khi mọi thứ trầm trọng hơn.

Phía OpenAI đã tuyên bố thỏa thuận thành công cấp phép bản quyền từ các tổ chức báo chí như Associated Press và Axel Springer. Hãng cũng đang đàm phán với NYT nhằm giải quyết vụ việc ổn thỏa.

Dù chưa rõ OpenAI sẽ phải trả bao nhiêu tiền nhưng tờ Information vào ngày 4/1/2024 đã cho biết cha đẻ ChatGPT đề nghị mức giá 1-5 triệu USD cho các bài viết báo chí mà họ dùng để làm thông tin đầu vào, qua đó xây dựng nên LLM.

Tuy nhiên số tiền này đang gây tranh cãi vì nó quá nhỏ so với mức định giá 100 tỷ USD của OpenAI cũng như lợi ích mà công nghệ mới có thể đem lại.

OpenAI và vụ kiện 450 tỷ USD luật bản quyền: Dấu chấm hết cho AI và ChatGPT? - Ảnh 4.

Xin được nhắc NYT không phải bên duy nhất kiện OpenAI mà ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân lên tiếng đòi quyền lợi bản quyền với công nghệ mới này.

Hàng loạt vụ việc nhà văn tố cáo ChatGPT sao chép ý tưởng, tác phẩm hay việc nhà phát triển nội dung bị ăn cắp mã nguồn, hoặc những tác phẩm nghệ thuật bị "xào nấu" trắng trợn đã nổ ra kể từ khi công nghệ AI bùng nổ.

"Nếu bạn thua trong cuộc chiến bản quyền thì tổn thất tài chính và rủi ro sụp đổ là rất lớn", giám đốc pháp lý Corynne McSherry của Electronic Frontier Foundation cảnh báo.

*Nguồn: Vox

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM