OPEC đạt thỏa thuận lịch sử, thị trường có thể mong đợi điều gì?
Ngày hôm qua, Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vừa đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng lần đầu tiên trong 8 năm. Vậy tiếp theo sẽ là gì?
OPEC đã đồng ý cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày, tương đương với 4,5% sản lượng hiện tại xuống còn 32,5 triệu thùng/ngày.
Kể từ lâu, giới phân tích đã kỳ vọng một hiệp định có thể đẩy giá dầu lên hơn 50 USD/thùng và giữ mức giá đó. Kể từ đầu năm, giá dầu giao động trong khoảng từ 40 – 54 USD/thùng.
Giới quan sát hàng hóa cũng tin rằng thỏa thuận lần này sẽ thiết lập một thế cân bằng đã được chờ đợi từ lâu giữa nguồn cung và cầu dầu mỏ trong nửa đầu năm sau. Trong suốt hơn 2 năm qua, thị trường luôn ở trong tình trạng quá tải nguồn cung, khoảng 2 triệu thùng/ngày.
Nhưng hiện nay, OPEC có một xung đột khác cần phải giải tỏa. Số lượng dàn khoan dầu tại Mỹ bắt đầu tăng lên khi giá tiệm cận mức 50 USD/thùng và giới phân tích cho rằng các nhà sản xuất dầu mỏ với chi phí cao sẽ thúc đẩy sản lượng nếu giá dầu tăng lên trên 55 USD/thùng. Tại Mỹ, các nhà sản xuất dầu đá phiến đều dự đoán giá dầu trong tương lai sẽ tăng nên đã dự trữ những giếng dầu hoàn thiện một phần.
Trong khi nhiều người vẫn dự đoán giá dầu năm tới sẽ nằm trong khoảng 50-55 USD/thùng, giới phân tích lại tỏ ra hơi bi quan. Goldman Sachs nhận định thỏa thuận của OPEC sẽ khiến cho giá tăng trong nửa đầu năm 2017, và sau đó giảm dần trong nửa cuối năm khi mà cả OPEC và những nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ lợi dụng đà tăng giá, đẩy hàng sản xuất ra để kiếm lời.
Phía JP Morgan nhận định giá sẽ tăng chậm nhưng nhanh dần sau từng quý. Ngân hàng này cảnh báo rằng thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC về cơ bản là nhằm ngăn chặn một khối lượng lớn trữ lượng dầu dư thừa. Các phương tiện dự trữ trên thế giới đang tràn ngập dầu thô và dầu đã qua chưng cất.
Theo thỏa thuận OPEC trong ngày hôm qua đưa ra đối với Iran, Libya và Nigeria, tổng sản lượng của OPEC trong năm sau vẫn sẽ tăng, trong khi các thành viên còn lại cắt giảm sản lượng trong nửa đầu năm 2017, JP Morgan cho biết.
Libya và Nigeria được ưu tiên không phải giảm sản lượng vì 2 quốc gia này đã phải trải qua một thời gian đóng băng nguồn cung vì nội chiến. Iran đồng ý đóng băng sản lượng gần mức hiện nay, không chấp nhận cắt giảm bởi phía này đang tái xây dựng lại thị phần sau khi được dỡ bỏ lệnh trừng phạt hồi đầu năm nay.
Giới hoài nghi kể từ lâu đã cảnh cáo các quốc gia thành viên OPEC là những người nổi tiếng gian lận và có thể không tuân thủ hạn ngạch thỏa thuận đã ký kết vào ngày hôm qua tại Viên. Nhưng RBC Capital Market lại cho biết, lần này, việc các quốc gia thành viên OPEC có thực hiện lời hứa hay không cũng không quan trọng lắm bởi 1 lý do: các quốc gia thành viên OPEC đã chạy gần hết tốc lực, họ không có nhiều khả năng để tăng sản xuất thêm nữa.
Ngoài OPEC
Ngoài OPEC, các nước sản xuất dầu khác không tỏ ra là muốn góp sức đẩy giá dầu tăng, IEA cho biết trong báo cáo thị trường gần đây nhất. Cầu dầu mỏ trên toàn thế giới dự kiến sẽ tăng 1,2 triệu thùng/ngày vào năm 2017 – mà có thể sẽ đạt được ngay trong năm nay.
IEA cũng dự đoán nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới – nước Nga sẽ tăng sản lượng dầu thô thêm 230.000 thùng/ngày trong năm nay và tăng thêm 200.000 thùng dầu/ngày trong năm tới.
OPEC cho biết phía này đang chờ đợi một sự đảm bảo cắt giảm 600.000 thùng/ngày từ các quốc gia ngoài OPEC, và Nga đã cam kết cắt giảm tạm thời 300.000 thùng/ngày.
Tuy nhiên, cắt giảm sản lượng sẽ là một khó khăn đối với Nga, Chris Weafer đồng sáng lập công ty tư vấn Macro Advisory Partners nhận định. Chính phủ Nga vốn sở hữu một tỷ lệ cổ phần lớn trong các công ty dầu mỏ của quốc gia sẽ phải đối mặt với một cuộc nổi dậy từ nhóm cổ đông thiểu số nếu tìm cách hạn chế sản lượng. Từ góc nhìn kỹ thuật, Nga không thể khóa van vòi dầu bởi phần lớn sản lượng dầu đến từ những khu vực có khí hậu lạnh băng, nơi mà những dàn khoan phải giữ cho dầu chảy.