Ông Trump đang chống lại cả thế giới?
Còn nước nào Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa nhắm đến bằng chiến tranh thương mại?
Ngoài "tuyến đầu" Trung Quốc, ông Trump còn đánh thuế lên Mexico, Canada, Liên minh châu Âu (EU), thậm chí cả Ấn Độ. Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, cũng khiến ông giận dữ nhưng Tokyo chưa ký kết một thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Ảnh: AP
Được khuyến khích bởi nền kinh tế Mỹ "cực kỳ kiên cường", ông Trump quyết định nâng thuế đánh vào hàng nhập khẩu Trung Quốc với niềm tin người tiêu dùng Mỹ sẽ không hề bị ảnh hưởng. Nhưng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc chỉ là "tranh cãi vặt" trong số nhiều mặt trận khác mà ông khiêu chiến, thậm chí cả Quốc hội Mỹ, khi áp chủ nghĩa dân tộc của mình lên phần còn lại của thế giới, tạo ra "các sóng xung kích" khắp nền kinh tế toàn cầu.
Theo nhà phân tích Zachary B. Wolf của hãng tin CNN, động thái hăng hái của ông Trump đã khiến nhiều công ty Mỹ "hoảng loạn". Những người nông dân chịu thương tổn bởi chiến tranh thương mại đang phải tìm nguồn hỗ trợ chi trả lên tới nhiều tỷ đôla từ người đóng thuế. Các nhà sản xuất ôtô thì đứng ngồi không yên chờ các mức thuế riêng rẽ mà ông Trump đang tính toán áp đặt. Ngay cả giá cà chua cũng có nguy cơ tăng vọt vì ông Trump.
Hành động của Tổng thống Mỹ bắt nguồn từ chính thông điệp của ông. Theo ông, Mỹ là nền kinh tế lớn nhất và mạnh nhất toàn cầu nhưng lại đang bị đẩy ra xung quanh. "Chúng ta là những con heo đất mà mọi người muốn lợi dụng hoặc bòn rút. Chúng ta không thể để điều đó tiếp diễn nữa", lãnh đạo Nhà Trắng tuyên bố.
Ý niệm mà ông Trump đang chiến đấu vì công bằng thương mại đang là trọng tâm quan điểm của Trump. Ông thậm chí muốn mọi người tin rằng dù họ đọc tin tức về thuế và các các đòn đáp trả thì những gì đang xảy ra với Trung Quốc không phải là một cuộc chiến thương mại mà chỉ là "một cuộc tranh cãi nhỏ". Và Mỹ đang ở "một vị thế rất mạnh".
Bên cạnh đó, ông cho rằng nếu "bạn không đối xử với Mỹ công bằng thì bạn sẽ bị đánh thuế".
Từ tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Trump đã có vẻ muốn khởi đầu một khẩu hiệu mới khi bảo vệ các mức thuế mà ông áp lên hàng nhập khẩu. "Họ sẽ 'Bị đánh thuế'!", ông nói về những nước mà ông nghĩ không đối xử với Mỹ một cách công bằng. Một tuần sau đó, ông ra tay với Trung Quốc bằng các mức thuế đánh lên lượng hàng hóa tổng trị giá 200 tỷ USD. Và gần đây nhất, ông thông báo nâng thuế đánh lên số hàng hóa đó, từ mức 10% lên 25%.
Ba đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ hiện nay là Mexico, Canada và Trung Quốc, cộng lại chiếm tới 43% tổng kim ngạch thương mại của Mỹ với các nước khác. Ông Trump đều đã giáng các đòn thuế lên ba nước này và đến giờ đều chưa đạt được thỏa thuận thương mại mới nào.
Theo Zachary B. Wolf, đương kim Tổng thống Mỹ có thể sắp hết "đòn hiểm" để đem ra dọa dẫm. Năm ngoái, Trump đánh thuế lên hàng hóa Trung Quốc và dọa sẽ ra tay tiếp nếu hai bên không đạt thỏa thuận vào tháng 3. Đến tháng 2, ông thông báo lùi thời hạn này. Nhưng đến nay, khi đàm phán thương mại bế tắc, ông quyết định tăng thuế đánh lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và cân nhắc đánh thuế thêm lên lượng hàng 300 tỷ USD, tức là gần như với tất cả những gì Trung Quốc bán cho Mỹ.
Và đó không chỉ là hạn chót duy nhất. Ngày 18/5 tới cũng là hạn Donald Trump phải hồi đáp về một báo cáo ông yêu cầu về các mức thuế có thể đánh lên ôtô nhập khẩu từ Mexico và Liên minh châu Âu, mặc dù dư luận trong ngành và ở châu Âu đang kỳ vọng ông sẽ tìm cách trì hoãn quyết định.
Hiện nay, đàm phán thương mại với Trung Quốc đang bị sa lầy, các thị trường bị xáo trộn, và nông dân cũng như người bán lẻ nước này đang "quá hoảng sợ". Ông Trump vẫn khẳng định trên Twitter: "Chúng ta ở đúng vị thế mình mong muốn với Trung Quốc. Hãy nhớ, họ đã phá vỡ thỏa thuận với chúng ta và tìm cách đàm phán lại. Chúng ta sẽ nhận về Hàng Chục Tỷ Đôla tiền Thuế từ Trung Quốc. Người mua sản phẩm có thể tự làm điều đó ở Mỹ, hoặc mua từ những nước không bị đánh thuế… ".
Có thể nói, nhiệm kỳ tổng thống được Donald Trump dành vào việc phóng chiếu sức ảnh hưởng, đưa ra vô số đe dọa, yêu cầu không ít nhượng bộ và thẳng tay giáng thuế lên các đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Tuy nhiên, những gì ông nhận được đến nay là một thỏa thuận thương mại với Hàn Quốc – mà bối cảnh của nó chính là Triều Tiên với tham vọng hạt nhân.
Lời hứa tái lập thương hiệu và cập nhật NAFTA – mà ông Trump gọi là thỏa thuận thương mại Mỹ - Mexico – Canada – cũng đang từ từ "chìm xuồng" vì Nhà Trắng không thể thúc đẩy thỏa thuận được thông qua trước khi phe Dân chủ kiểm soát Hạ viện hồi tháng 1.
Một quốc hội không đồng tình với Tổng thống cũng có thể khiến Trump khó mà cấp thêm khoản viện trợ nhiều tỷ đôla nữa cho nông dân Mỹ đang bị tổn thương vì chính sách thuế của ông.
Ngay khi lên làm Tổng thống, một trong những việc đầu tiên ông Trump làm là chính thức khai tử Hiệp định TPP mà 11 nước cùng chính quyền Barack Obama đã dày công đàm phán. Các nước khác ở Thái Bình Dương sau đó vẫn tiếp tục Hiệp định mà không có Mỹ. Phía ông Trump cam kết sẽ tìm kiếm các thỏa thuận song phương nhưng lại làm điều đó không phải với củ cà rốt mà với gậy và thuế.