Tự ý cắt đi 30% thỏa thuận thương mại, Trung Quốc khiến cho đàm phán Mỹ – Trung sụp đổ?
Các nguồn tin cho thấy phiên bản thỏa thuận thương mại gốc có độ dài 150 trang, có được sau 5 tháng đàm phán vất vả, đã bị cắt gọn và rút xuống còn 105 trang.
Các cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung Quốc đã đổ vỡ sau khi chính phủ Trung Quốc chuyển lại cho Washington phiên bản thỏa thuận thương mại rút ngắn hơn rất nhiều so với phiên bản của phía Mỹ, điều này lập tức khiến cho Tổng thống Mỹ Donald Trump tức giận.
Việc thay đổi thỏa thuận thương mại được thực hiện vào đầu tháng 5/2019, điều đó khiến cho phía Mỹ tuyên bố tăng thuế nhập khẩu với khoảng 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc. Trung Quốc sau đó đã trả đũa bằng việc tăng thuế với 60 tỷ USD hàng nhập khẩu Mỹ.
Theo những nguồn tin có nhiều hiểu biết với quan hệ Mỹ – Trung Quốc, giới lãnh đạo Trung Quốc đã không hài lòng với một số phần của thỏa thuận thương mại, họ coi rằng đó là một thỏa thuận không công bằng. Tất cả những phần bị coi như không công bằng đều bị xóa đi hoặc sửa đổi.
Nỗ lực ngoại giao không ngừng nghỉ giữa Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã giúp mang lại bản thỏa thuận thương mại kéo dài 150 trang bao gồm 7 chương bao trùm nhiều vấn đề quan trọng: quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc, rào cản phi thuế quan, nông nghiệp, dịch vụ, mua bán và thực thi luật định.
Phía Mỹ ràng buộc Trung Quốc với biện pháp pháp lý mà phía Mỹ cho rằng Trung Quốc cần thực hiện để có thể thực thi cải tổ cấu trúc theo cách mà nền kinh tế Trung Quốc vận hành. Từ quan điểm của Washington, Bắc Kinh đã thay đổi bất ngờ, xóa đi nhiều nội dung quan trọng và cốt yếu nhất của thỏa thuận.
Sự sụp đổ của vòng đàm phán thương mại Mỹ – Trung Quốc đã khiến cho các thị trường tài chính thế giới chao đảo, có nguyên nhân từ việc Trung Quốc tự ý xóa đi khoảng 30% bản thỏa thuận thương mại ban đầu.