Ông Trump, bà Clinton và tầng lớp lao động cổ xanh, cổ trắng

24/05/2016 17:59 PM | Kinh tế vĩ mô

Với gần 60 triệu sinh viên tốt nghiệp trong 10 năm qua, có lẽ nạn nhân thất nghiệp tiếp theo tại Mỹ là nhân viên văn phòng chứ không phải tầng lớp công nhân.

Cả 2 ứng cử viên tổng thống là ông Donald Trump và bà Hillary Clinton đều đang có những quan điểm không mấy thân thiện về toàn cầu hóa.

Hiện tầng lớp công nhân Mỹ, hay còn gọi là lao động cổ xanh đều ủng hộ chính sách bài Trung Quốc của ông Trump và nghi vấn về Hiệp định Kinh tế xuyên Thái Bình Dương của bà Clinton. Điều này cũng dễ hiểu khi mức lương cho tầng lớp này không tăng trong khi nguy cơ mất việc làm càng cao bởi xu thế thuê ngoài hoặc dịch chuyển sản xuất sang nước khác của các tập đoàn.

Trên thực tế, việc Mỹ nghịch chuyển chính sách ngoại giao hiện nay và đóng cửa thương mại là điều khó xảy ra khi xu thế toàn cầu hóa và tự do thương mại là điều không thể đảo ngược. Các công ty và tập đoàn dù sớm hay muộn cũng sẽ tìm đến những thị trường có chi phí sản xuất rẻ hơn, tiềm năng tăng trưởng tốt hơn để tìm kiếm lợi nhuận.

Dẫu vậy, có một thực tế mà hầu hết các ứng cử viên và chính trị gia Mỹ hiện nay đều bỏ quên lá nạn nhân tiếp theo của quá trình toàn cầu hóa chưa chắc đã là tầng lớp lao động cổ xanh mà lại chính là những lao động cổ trắng-những nhân viên văn phòng.

Nhân viên văn phòng là nạn nhân tiếp theo

Năm 2001, Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) với khoảng 162 triệu công nhân khả dụng trong ngành sản xuất với mức lương bình quân 60 cent/giờ. Với lợi thế nhân công giá rẻ như vậy, các nhà máy và công ty Mỹ nhanh chóng chuyển sản xuất sang Trung Quốc nhằm tiết kiệm chi phí.


Khảo sát của hãng Delloite đối với các nhà máy nước ngoài tại Trung Quốc năm 2014.

Khảo sát của hãng Delloite đối với các nhà máy nước ngoài tại Trung Quốc năm 2014.

Hệ quả của tình trạng này là xuất khẩu của Trung Quốc tăng lên còn tỷ lệ thất nghiệp trong ngành sản xuất của Mỹ cũng tăng theo. Trong khoảng 2000-2015, Mỹ đã mất khoảng 5 triệu việc làm trong ngành sản xuất và nhiều nước phát triển cũng lâm vào tình trạng tương tự khi các nhà máy đổ xô đến Trung Quốc.

Chính yếu tố này đã làm gia tăng tình trạng thất nghiệp, giảm thu nhập và bất bình đẳng xã hội ở Mỹ, qua đó thúc đẩy tâm lý giận dữ của tầng lớp lao động cổ xanh tại đây.

Dẫu vậy, làn sóng thu hút việc làm kỹ thuật thấp của Trung Quốc có lẽ đã qua khi đạt đỉnh 234 triệu việc làm trong ngành sản xuất vào năm 2012. Kể từ đó, ngành sản xuất và một số ngành khác của Trung Quốc bắt đầu giảm tốc và đi xuống. Quốc gia này lâm vào tình trạng dư thừa cung và hàng loạt nhà máy phải sa thải nhân viên.

Tuy nhiên, làn sóng tấn công thứ 2 từ Trung Quốc thông qua quá trình toàn cầu hóa đang đến gần và nạn nhân lần này là lực lượng lao động cổ trắng.

Trong vòng 10 năm qua, Trung Quốc đã có khoảng gần 60 triệu sinh viên tốt nghiệp và Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán con số này có thể đạt 200 triệu sinh viên vào năm 2030, cao hơn nhiều so với tổng lực lượng lao động của Mỹ.

Tất nhiên, lực lượng lao động cổ trắng của Trung Quốc này sẽ tham gia thị trường và thay thế được nhiều công đoạn việc làm mà trước đây nước này không đủ điều kiện.

Dù một số rào cản thương mại sẽ ngăn chặn được sự gia nhập của lực lượng lao động cổ trắng Trung Quốc nhưng chắc chắn lượng lao động lớn này sẽ tham gia rất nhiều ngành và một lượng lớn công việc văn phòng từ các nền kinh tế phát triển sẽ bị dịch chuyển.

Chẳng sớm thì muộn, những công việc như phân tích số liệu, viết mã code, kiểm tra kết quả chụp X quang hay những công việc có thể thuê ngoài rồi sẽ bị những lao động với mức lương rẻ ở Trung Quốc hay nhiều nước đang phát triển lấy mất.

Trong tương lai không xa, những chiếc iPhone và iPad sẽ hoàn toàn được sản xuất tại Trung Quốc rồi xuất khẩu sang Mỹ, thậm chí những úng dụng mới cho chúng cũng sẽ được làm ở Trung Quốc nhờ đội ngũ kỹ sư giá rẻ.

Hậu quả cho tầng lớp lao động chuyên nghiệp của Mỹ có thể vô cùng lớn. Trong ngành tài chính, y học và công nghệ thông tin, lương của các nhân viên tại Trung Quốc vẫn thấp hơn rất nhiều so với lao động tương đương ở Mỹ.

Một “ông Trump” thứ 2

Kể từ năm 2001, mức lương của tầng lớp trung lưu Mỹ, đặc biệt là những lao động văn phòng không hề tăng mấy và nhiều chuyên gia dự đoán tỏng vòng 10 năm tới, những lao động cổ trắng này sẽ phải gia nhập tầng lớp thu nhập thấp trước sức cạnh tranh gay gắt từ lao động toàn cầu.

Những lao động cổ trắng của Trung Quốc sẽ không phải là những người duy nhất được lợi về cơ hội việc làm và mức lương trong quá trình toàn cầu hóa. Các công ty cũng sẽ được hưởng lợi do chi phí sản xuất thấp hơn, còn người tiêu dùng được lợi khi giá sản phẩm và dịch vụ giảm.

Dẫu vậy, những ví dụ trong 15 năm qua cho thấy ngay cả khi tự do thương mại đem lại nhiều lợi ích thì việc phân phối những lợi ích này cũng chưa chắc đã công bằng. Nhiều khả năng, một bộ phận người dân sẽ phải chịu thiệt ngắn hạn vì những tác động mà toàn cầu hóa mang lại.

Sự xói mòn trong cơ hội việc làm sẽ khiến khoảng cách giàu nghèo tại Phương Tây bị thu hẹp và tạo ra ngày càng nhiều cử tri giận dữ hơn nữa. Hiện ứng cử viên Donald Trump đang tận dụng những lao động cổ xanh và thu được nhiều phiếu ủng hộ, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu tương lai một vị ứng cử viên khác tận dụng được hầu như toàn bộ tầng lớp lao động đang giận dữ vì mất cơ hội việc làm tại Mỹ.

Thêm vào đó, ngay cả khi ông Donald Trump thất bại trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng thì sau này sẽ có một “ông Trump” khác với quan điểm bài Trung Quốc và tự do thương mại được cử tri ủng hộ.

Rõ ràng, nguy cơ Mỹ gia tăng các rào cản thương mại là có thể xảy ra. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng chính quyền Washington không nên đóng cửa thị trường mà nên tích cực đầu tư cho nguồn nhân lực nhằm chạy đua với toàn cầu. Nói cách khác, ý nghĩa thực sự của toàn cầu hóa là thúc đẩy sự cạnh tranh và phát triển giữa các quốc gia, trong đó bao gồm cả nhân lực.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng cần có những biện pháp nhằm bồi thường cho nhóm người chịu ảnh hưởng từ toàn cầu hóa, nhằm giúp họ thích nghi với điều kiện mới.

Hiện tại, những cuộc tranh luận về ảnh hưởng tiêu cực của Trung Quốc đến người dân Mỹ trong cuộc đua tổng thống năm 2016 vẫn chưa ngã ngũ bởi chưa nhiều người dân Mỹ chịu tổn thương từ toàn cầu hóa.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM