Ông Nguyễn Đức Tài “ngậm ngùi” đóng cửa VuiVui.com dù từng tuyên bố sẽ vượt cả TGDĐ và Điện Máy Xanh, chiến trường TMĐT quả thật quá khốc liệt!
Ngay cả ông trùm bán lẻ là Thế Giới Di Động cũng phải dừng cuộc chơi thương mại điện tử. Đây là chiến trường "đốt tiền" vô cùng khốc liệt, vốn đã chứng kiến hàng loạt cái tên bị xóa sổ và những doanh nghiệp còn bám trụ thì cũng liên tục thua lỗ.
Mới đây, người tiêu dùng khi truy cập website thương mại điện tử VuiVui.com của Thế Giới Di Động nhận được thông báo: "Từ 18:00 ngày 27/11/2018, Vuivui.com sẽ chuyển thành Bachhoaxanh.com". Đồng thời, Vuivui.com cũng tự động chuyển sang trang Bachhoaxanh.com.
Như vậy, có thể coi Thế Giới Di Động đã chính thức dừng hoạt động dự án thương mại điện tử của mình, một dự án mới chỉ có 2 năm tuổi đời và thậm chí còn chưa nhân rộng ra cả nước.
Trước đó, từ đầu tháng 10/2018, Thế Giới Di Động đã đóng cửa tất cả các ngành hàng không liên quan đến FMCG (nhóm hàng tiêu dùng nhanh). Ngoài ra, tất cả các thoả thuận hợp đồng mua bán không liên quan đến tiêu dùng nhanh sẽ được thanh lý. Khi đó, đại diện Thế Giới Di Động cho biết việc đóng cửa các ngành hàng không liên quan giúp vuivui.com tập trung hơn vào ngành hàng tiêu dùng nhanh.
Ông Nguyễn Đức Tài cho ra mắt VuiVui.com tháng 1/2017 với nhiều kỳ vọng nhưng sớm đóng cửa chỉ sau 2 năm
Ông Nguyên Đức Tài lần đầu tiết lộ về việc lấn sân thương mại điện tử hồi tháng 4/2016 và chỉ đến tháng 1/2017, VuiVui.com chính thức ra mắt. Chủ tịch Thế Giới Di Động từng tự tin cho rằng, VuiVui.com sẽ vượt cả Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh.
Tuy nhiên, với việc phải đóng cửa sau chưa đầy 2 năm hoạt động, có thể thấy ngay cả doanh nghiệp hàng đầu về bán lẻ như Thế Giới Di Động cũng không thể đứng vững trong cuộc chơi "đốt tiền" này. Một số thông tin cho rằng, VuiVui.com khiến Thế Giới Di Động lỗ cả trăm tỷ đồng, còn theo số liệu năm 2017 của Thế Giới Di Động, VuiVui chỉ đóng góp 75 tỷ đồng doanh thu, rất nhỏ bé so với tổng thể toàn công ty.
Trước VuiVui, hàng loạt trang thương mại điện tử đã lần lượt nói lời chia tay với thị trường, điển hình như Beyeu, Lingo, Deca... Còn đối với những đại gia đang cố gắng bám trụ, Lazada mỗi năm lỗ nghìn tỷ, Shopee lỗ hơn 600 tỷ năm 2017, Tiki lỗ gần 300 tỷ, Sendo lỗ hơn 100 tỷ...