Ông Lê Phước Vũ: "Không đầu tư bất động sản lúc này thì không bao giờ"

01/09/2016 11:15 AM | Kinh doanh

Không chỉ nói đến việc đầu tư dự án tại tỉnh Yên Bái là hơi lạ mà ngay cả việc quyết định quay lại đầu tư vào bất động sản (BĐS) của “ông chủ ngành tôn” cũng là điều lạ đối với thị trường.

Có đủ kinh nghiệm, kiến thức và bản lĩnh

Quay trở lại BĐS lần này, có vẻ như bước đi của Hoa Sen đã có sự thận trọng và được lên kế hoạch kỹ lưỡng hơn sau lần đầu thất bại. Lần này “ông chủ ngành tôn” đã lựa chọn đầu tư vào BĐS nghỉ dưỡng.

Trao đổi với chúng tôi mới đây, khi được hỏi về việc quay trở lại chiến lược này sẽ tạo ra nhiều rủi ro cho cả tập đoàn, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen, lập tức trả lời rằng: "Cơ hội thị trường sẽ giải quyết tất cả! Đây là thời điểm tốt nhất, tốt hơn bao giờ hết để đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Nếu chúng tôi không làm bây giờ thì sẽ không bao giờ có cơ hội tốt hơn thế".

Theo lý giải của ông Vũ, thời điểm này Việt Nam đang được thế giới coi là "dân số vàng" và chỉ còn vỏn vẹn 20 năm nữa thôi là chấm dứt. Đây cũng là thời điểm thế hệ vàng của Việt Nam chịu chi tiêu nhất, đặc biệt là dành tiền mua nhà cửa. Song song đó, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, một lượng lớn người nước ngoài đang có nhu cầu về nhà ở nên cơ hội phát triển rất lớn.

"Tôi có thể khẳng định rằng chưa bao giờ nền kinh tế Việt Nam có một cơ hội phát triển tốt như bậy giờ. Đầu tiên, như tôi đã nói là gia nhập sân chơi toàn cầu; thứ hai đây là lúc chúng ta tăng trưởng một cách tốt nhất dựa vào thời kỳ dân số vàng; thứ ba là lòng tin vào Chính phủ đang tăng mạnh mẽ. Đây là những yếu tố quyết định để chúng tôi thực hiện đầu tư các dự án lớn, không chỉ ở tầm quốc gia và khu vực mà vươn lên tầm thế giới", ông Vũ khẳng định thêm.

Cũng theo ông Vũ, trong thời gian qua, Hoa Sen đã làm việc và tham vấn ý kiến của nhiều đơn vị tư vấn nổi tiếng, có kinh nghiệm để đưa ra sự lựa chọn tối ưu cho chiến lược phát triển của mình. Hoa Sen đã sẵn sàng bước vào một giai đoạn bức phá mới.

Trao đổi vối chúng tôi, lãnh đạo tập đoàn Hoa Sen cũng cho rằng ông đang sở hữu một hệ thống 8 nhà máy sản xuất và hơn 200 chi nhánh phân phối bán lẻ rộng khắp Việt Nam, minh chứng cho năng lực sản xuất và kinh doanh của Tập đoàn Hoa Sen.

Dự kiến, trong niên độ tài chính 2015 - 2016, tổng năng lực sản xuất toàn Tập đoàn sẽ đạt 1,2 triệu tấn/năm, doanh thu dự kiến đạt xấp xỉ 18 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt hơn 1.300 tỷ đồng.

"Chính những hoạt động kinh doanh vững chắc này sẽ hỗ trợ một cách khép kín cho chiến lược phát triển nhiều dự án BĐS của chúng tôi khắp Việt Nam trong giai đoạn tới", ông Vũ nói thêm.

Theo ông Vũ, với gần 20 năm tồn tại và phát triển, ông đủ kinh nghiệm, kiến thức và bản lĩnh để đưa tập đoàn Hoa Sen đầu tư thành công nhiều dự án lớn sắp tới. Một quốc gia đang tăng tốc như Việt Nam thì không thể thiếu thép, thiếu đường cao tốc và nhất là thị trường bất động sản.

Do vậy, trong 20 năm tới nhu cầu thép nội địa sẽ tăng rất lớn, nên Tôn Hoa Sen đầu tư một dự án tổ hợp nhà máy luyện thép hơn 10 tỷ USD tại tỉnh Ninh Thuận với mục tiêu tạo thế chủ động khi thị trường biến động. Từ đó, dự án này sẽ tạo cú hích cho nhiều lĩnh vực khác trong vùng phát triển.

Khi chúng tôi đặt vấn đề: Mới đây ông có nói rằng lý do rót tiền mạnh vào lĩnh vực BĐS bởi có sự chỉ bảo của một bậc đại cao nhân. Vậy bậc cao nhân đó là ai? Ông Vũ cho biết: "Tôi là một phật tử, tôi tin vào Đức Phật và luôn luôn làm theo những lời Phật dạy, cả trong cuộc sống và đầu tư lâu dài".

Liệu bánh xe lịch sử có lặp lại?

Chuyện kinh doanh bất động sản của ông chủ Hoa Sen không phải nay mới nói tới khi dư luận xôn xao với việc ông Vũ bất ngờ quay lại, mà trước đó 2009 ông đã bắt đầu bước chân vào lĩnh vực địa ốc, tham vọng gặt hái thành công cũng như thép.

Khi đó, Hoa Sen đầu tư vào dự án khu dân cư Điền Phúc Thành ở Quận 9 (TP.HCM), dự án đầu tiên Hoa Sen đầu tư có tổng mức đầu tư 180 tỷ đồng là một chung cư 18 tầng. Tiếp sau đó 2 năm thì Hoa Sen tiếp tục đầu tư thêm 2 dự án căn hộ khác tại Quận 9 là Hoa Sen Phước Long B và căn hộ Hoa Sen Riverside. Ngoài ra, định hướng phát triển lâu dài của Hoa Sen là tiếp tục mở rộng đầu tư BĐS và tham vọng trở thành tập đoàn đứng đầu trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, rơi đúng giai đoạn thị trường bất động sản TP.HCM khủng hoảng, trầm lắng khiến “ông vua thép” Lê Phước Vũ đã tính chuyện rút lui. Đến 2011 thì tập đoàn Hoa Sen bất ngờ tuyên bố rút khỏi bất động sản vì kinh doanh không được như kỳ vọng, để tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình là thép.

"Đầu tư vào bất động sản là động thái thăm dò một lĩnh vực kinh doanh mới và khi thấy không hiệu quả, chúng tôi bán cổ phần và rút lui.Chúng tôi không bỏ tiền quá nhiều và vẫn chưa lỗ trong các dự án đầu tư này. Do đó, không thể nói đây là thất bại", ông Vũ nói.

Theo đó, Hoa Sen đã chuyển nhượng để rút hết vốn ra khỏi 3 dự án BĐS và 1 dự án logistics – dự án Cảng Quốc tế Hoa Sen – Gemadept, chỉ giữ lại dự án Phố Đông – Hoa Sen đang xây dựng dở dang. Tính đến hết năm 2011, tổng vốn Hoa Sen đã giải ngân cho 4 dự án dự định chuyển nhượng là 186,98 tỉ đồng.

"Như tôi đã nói, cơ hội thị trường sẽ tạo ra tất cả. Do vậy, đây là thời điểm đầu tư tốt nhất của chúng tôi để làm bất động sản", ông Vũ cho biết.

“Nếu Chính phủ thực hiện được các cam kết hỗ trợ doanh nghiệp như đã hứa thì kinh tế sẽ phát triển cao hơn, GDP tăng sẽ kích thích nhu cầu nhà ở tăng theo. Thực tế cho thấy đại đa số người dân hiện nay nhất là những người trẻ không thể tiếp cận được nhà ở vì mức thu nhập và giá bất động sản quá chênh lệch. Mục tiêu của Hoa Sen trong ngành bất động sản là giúp cho các bạn trẻ có cơ hội sở hữu nhà ở với giá hợp lý”, ông Vũ nói.

Theo Đăng Khải

Cùng chuyên mục
XEM