Giải mã nụ cười của ông Lê Phước Vũ
Sau khi dự án thép Cà Ná tại Ninh Thuận của Hoa Sen đã được chấp thuận đầu tư, ông Lê Phước Vũ đón tiếp tin vui khi Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá lên các sản phẩm từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Ông chủ tập đoàn Hoa Sen hẳn đã rất phấn khởi khi dự án thép Cà Ná được chấp thuận đầu tư. Tuy nhiên điều khiến nụ cười của ông Vũ rạng rỡ hơn nữa lại đến từ một nguyên do khác.
Người đem đến niềm vui này cho ông chủ Hoa Sen không ai khác, chính là Bộ Công thương, khi bộ này đã quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời lên sản phẩm tôn mạ (sắt thép không hợp kim cán phẳng, đã phủ, mạ hoặc tráng) nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Với 40% thị phần tôn mạ, Hoa Sen là doanh nghiệp lớn nhất thị trường này. Tuy nhiên, doanh nghiệp này phải đứng ngồi không yên khi từ năm ngoái, sản phẩm của các đối thủ từ Trung Quốc và Hàn Quốc đổ bộ vào Việt Nam.
Cụ thể, trong năm ngoái, Trung Quốc đã xuất khẩu 1,6 - 1,8 triệu tấn tôn mạ vào Việt Nam, bằng khoảng 60% tổng sản lượng trong nước. Đồng thời lượng nhập khẩu tôn mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc tăng hơn 40 lần trong vòng 4 năm, trong khi giá bán tại thời điểm điều tra thấp hơn 30% so với giá bán của sản phẩm nội địa.
Trước tình hình đó, 4 nhà sản xuất tôn mạ trong nước, trong đó đứng đầu là Hoa Sen và Nam Kim đã nộp hồ sơ khởi kiện đề nghị Bộ Công Thương điều tra áp thuế chống bán phá giá đối sản phẩm tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Sau khi tiếp nhận hồ sơ khởi kiện, Bộ Công Thương đầu tháng 3 đã ban hành quyết định điều tra.
Sau 6 tháng chờ đợi, cuối tuần trước, Bộ Công thương đã ra quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời lên sản phẩm tôn mạ (sắt thép không hợp kim cán phẳng, đã phủ, mạ hoặc tráng) nhập khẩu từ Trung Quốc (bao gồm cả Hong Kong) từ 4,02% lên tới 38,34%.
Đối với những sản phẩm tôn mạ nhập từ Hàn Quốc, thuế áp là 12,4%. Còn lại, áp dụng chung mức 19% cho các nhà sản xuất/xuất khẩu khác. Thuế chống bán phá giá sẽ có hiệu lực trong 120 ngày kể từ ngày 16/9.
Mức thuế trên được đánh giá tương đối phù hợp để hỗ trợ các nhà sản xuất tôn mạ trong nước.
Đây là quyết định đã được ngành tôn mạ chờ đợi nhất, đặc biệt là Hoa Sen. Tin vui này đến khi dự án thép của Hoa Sen được chấp thuận đầu tư ở Cà Ná (Ninh Thuận) càng khiến niềm vui của ông Vũ được nhân lên gấp bội.
Các doanh nghiệp tôn mạ có thị phần lớn như Hoa Sen, Nam Kim, Đại Thiên Lộc sẽ hưởng lợi trong ngắn hạn từ mặt bằng giá bán được hỗ trợ, trong khi chờ quyết định áp thuế chính thức có hiệu lực dài hạn hơn.
Theo số liệu của Tôn Hoa Sen, công ty hiện chiếm khoảng 40% thị phần tôn trong nước. Bên cạnh đó, công ty Thép Nam Kim cho biết sở hữu 14,1% thị phần. Như vậy, riêng 2 doanh nghiệp thép Hoa Sen và Nam Kim đã chiếm tới 54,1% thị phần tôn mạ nội địa. Bên cạnh đó, tình trạng thép Trung Quốc nhập khẩu tràn lan vào thị trường khiến cuộc cạnh tranh thép vô cùng khốc liệt.
Một chuyên gia trong ngành cho rằng, việc đối phó với hàng Trung Quốclà vấn đề nóng của ngành, bởi Trung Quốc có năng lực sản xuất lớn và đang dư thừa sản lượng, buộc nước này phải tìm cách xuất khẩu thép sang các nước.
Hồi tháng 9/2015, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tôn Hoa Sen tại Diễn đàn đầu tư toàn cầu đã bày tỏ lo lắng về khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại, khi cho rằng "Việt Nam như một nơi để các doanh nghiệp nước ngoài khai thác tối đa lợi thế, còn doanh nghiệp ngành thép chúng tôi đã không còn dư địa phát triển...".
Mới đây, Tập đoàn Hoà Phát cũng đã tuyên bố sẽ sản xuất tôn mạ, lấn sân vào thị trường của ông Lê Phước Vũ. Hoà Phát vừa quyết định đầu tư dự án Nhà máy sản xuất tôn mạ màu Hòa Phát tại KCN Phố Nối A, Hưng Yên với công suất 400.000 tấn/năm. Dự án dự kiến sẽ đưa vào hoạt động vào đầu năm 2018.