Ông Hsu Yu Lin: Luôn giữ tâm cảnh bình hòa

27/09/2017 08:39 AM | Kinh doanh

Đến Việt Nam lập nghiệp cách nay hơn 22 năm, ông Hsu Yu Lin đã xây dựng Đại Phát thành một công ty sản xuất thực phẩm lớn mạnh. Ông đã xem Việt Nam là quê hương thứ hai khi cùng cô con gái bám trụ nơi đây và sáng tạo ra những sản phẩm chất lượng cao phục vụ người tiêu dùng.

* Vì sao ông quyết định đến Việt Nam lập nghiệp từ 22 năm trước?

- Tôi đến Việt Nam cũng là cái duyên sau thời gian tìm hiểu thị trường Trung Quốc và Campuchia. Tôi chọn nơi này vì đất nước các bạn có nhiều điểm rất giống với Đài Loan. Người Việt Nam thiện tâm và lành tính. Họ sẵn sàng chia sẻ với cộng đồng những khi gặp khó khăn trong cuộc sống. Điều này rất hợp với mong muốn và tính cách của tôi. Một xứ xở như vậy chắc chắn sẽ thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp và vì thế tôi quyết định lập nghiệp nơi đây.

Đã có những phóng viên ở Đài Loan hỏi tôi về điều này và họ cho rằng tôi có nhãn quan tốt khi chọn một đất nước như Việt Nam. Khi sống và làm việc ở Việt Nam, tôi cảm thấy rất dễ chịu nên gắn bó cho đến hôm nay.

Với tôi, Việt Nam là quê hương thứ hai và tôi vẫn đi đi về về giữa Việt Nam và Đài Loan.

* Khởi nghiệp ở một đất nước xa lạ có vất vả lắm không, thưa ông?

- Phải nói là có quá nhiều khó khăn mà trong đó, khó khăn lớn nhất là ngôn ngữ. Thói quen sinh hoạt cũng khác rất nhiều. Khi nghe, nói, đọc, viết không thông đối với tiếng bản địa thì mọi thông tin đều phụ thuộc vào người phiên dịch, mà một khi phiên dịch không sát đúng thì có thể xảy ra hiểu lầm, hiểu sai, dẫn đến những hệ lụy không lường.

Còn một khó khăn nữa là không nhiều người lao động Việt Nam có khái niệm "vì lợi ích chung". Họ không biết có làm việc lâu dài với công ty hay không nên không quan tâm đến sự phát triển của doanh nghiệp.

Đó là chưa kể những trở ngại khác trong quan hệ xã hội. Còn nhớ năm 1995, khi xưởng sản xuất đầu tiên của Công ty Đại Phát đi vào hoạt động tại bến Hàm Tử (quận 5, TP.HCM), chúng tôi bị gây khó dễ bởi giới giang hồ bốc xếp nơi đây. Khi Công ty chở nguyên liệu sản xuất đến nhà xưởng thì họ không cho công nhân dỡ hàng, buộc giao cho họ làm. Nếu thỏa hiệp với họ thì về sau khâu này phải bị phụ thuộc và như vậy chi phí sản xuất sẽ bị đội lên. Một mặt nhờ công an can thiệp, mặt khác tôi phải gặp những đối tượng này để thương lượng. Đối với một người nước ngoài lập nghiệp ở Việt Nam gặp trường hợp như vậy quả là không dễ chút nào.

* Thời gian đó ông có thấy mình liều không?

- Mặc dù văn hóa có những điểm khác nhau nhưng con người có đặc tính chung là nếu mình đối xử tốt với người khác thì họ sẽ đối xử tốt với mình. Mình đối với họ bằng cái tâm, bằng sự chân thành thì ngược lại họ cũng sẽ đối xử với mình bằng sự chân thành, bằng cái tâm. Điều quan trọng nhất vẫn là uy tín, nói được thì làm được.

Khi làm việc trong cùng một đơn vị, nếu thành thực, sống có tâm thì có thể năm đầu chưa tin nhau nhưng đến năm hai, năm ba sẽ khác. Khi một việc đúng mà mình kiên quyết làm và làm hoài như vậy chắc chắn người ta sẽ tin mình. Tôi vẫn thường nói với các doanh nhân Đài Loan là khi đến Việt Nam phải mất ít nhất 2 năm và qua được thời gian này mới có thể tiếp tục.

* Vậy có thể hình dung Đại Phát của ông 22 năm trước như thế nào?

- Chỉ là một xưởng nhỏ với 20 nhân công và 3 nhân viên văn phòng. Sản phẩm của chúng tôi là bánh mì ngọt có thể để một tuần. Xưởng tuy nhỏ nhưng sản xuất bằng máy móc hiện đại và sản phẩm làm ra không đủ bán, nên điều kiện giao dịch là trả tiền trước lấy hàng sau.

Sau thành công với bánh ngọt, chúng tôi chuyển qua sản xuất thực phẩm chế biến đông lạnh xuất khẩu. Sản phẩm của chúng tôi phù hợp với thị trường nên xuất khẩu khá mạnh.

* Kinh doanh bánh ngọt tốt như vậy sao ông lại chuyển sang xuất khẩu thực phẩm chế biến đông lạnh?

- Thời điểm đó, Kinh Đô cũng sản xuất bánh ngọt. Là doanh nghiệp bản địa, họ hiểu tâm lý người tiêu dùng, xây dựng được hệ thống phân phối tốt trong khi chúng tôi không rành về thị trường nên gặp vấn đề ở khâu này. Bắt đầu từ đây, cạnh tranh trở nên gắt gao và lợi nhuận đã không còn tốt như trước, vì thế, tôi chuyển sang xuất khẩu thực phẩm đông lạnh chế biến.

Khi xuất khẩu thực phẩm qua Đài Loan, là người bản địa nên tôi biết cách làm thị trường và nhờ vậy, chẳng bao lâu sau, doanh số tăng đến 10 lần so với làm bánh ngọt.

Qua thời gian, dần dần chúng tôi tích lũy được nhiều kinh nghiệm làm marketing tại Việt Nam. Nếu trở về 22 năm trước, tôi sẽ biết phải làm như thế nào và chắc chắn sẽ thành công hơn.

* Thế còn hiện tại thì sao? Chiến lược cạnh tranh của Đại Phát là gì?

- Chúng tôi không cạnh tranh về giá mà cạnh tranh về chất lượng, về giá trị. Sản phẩm của chúng tôi còn xuất sang các nước châu Âu, Nhật, Úc, Singapore, Malaysia, Đài Loan. Chúng tôi muốn phát triển bền vững nên vừa gia công xuất khẩu vừa kinh doanh nội địa. Nếu chỉ xuất khẩu thì khi gặp những rủi ro trên thương trường quốc tế như tỷ giá, thị trường có những biến động, công ty sẽ gặp khó khăn.

Từ trước đến nay chúng tôi theo đuổi mục tiêu sáng tạo ra giá trị để chia sẻ với xã hội, nhân viên, cổ đông nên mỗi ngày sẽ phải làm sao để tốt hơn. Chúng tôi làm sản phẩm quà tặng Trung thu cũng để chia sẻ vì khi một hộp bánh được tặng là thêm một sự chia sẻ và kết nối.

* Hiện Đại Phát có bánh kẹo, bánh Trung thu, hệ thống bakery, hệ thống thức ăn nhanh 1 phút 30 giây và thực phẩm chế biến xuất khẩu. Làm nhiều như vậy có khiến Đại Phát khó tập trung vào lợi thế cạnh tranh?

- Ở Việt Nam đang có xu hướng thương mại điện tử. Nếu làm tốt thương mại điện tử, doanh nghiệp sẽ tăng trưởng rất nhanh nhưng nếu không biết cách kinh doanh cũng sẽ xuống nhanh. Tháng 6 vừa qua, chúng tôi quyết định tập trung vào kênh online. Lợi thế cạnh tranh của Đại Phát là tập trung vào mảng horeca (ngành cung cấp thực phẩm công nghiệp và đồ uống cho khách sạn, nhà hàng) và quà tặng. Chúng tôi đang xây dựng một nhà máy mới cùng hệ thống kho đông lạnh mới nhằm xác định lợi thế cạnh tranh của Đại Phát trong mảng horeca.

Với mức tăng trưởng từ 20 - 30%/năm, chúng tôi tin 5 năm tới Đại Phát sẽ tăng trưởng gấp 3 lần hiện nay.

* Sau chừng ấy năm xây dựng, ông thấy Đại Phát đã phát triển như mong muốn?

- Tôi luôn muốn doanh nghiệp phát triển hơn nữa. Kinh doanh ai cũng nghĩ đến mục tiêu phát triển nhưng về con người phải luôn giữ tâm cảnh bình hòa, đó mới là điều quan trọng. Tôi sẽ không hy sinh cuộc sống riêng, làm ngày làm đêm để phát triển doanh nghiệp và tôi cũng không yêu cầu nhân viên sống như vậy.

Công việc rất quan trọng nhưng phải có điểm cân bằng. Nếu đầu tư cho công việc mà công việc đó không đem lại niềm vui cuộc sống thì không còn ý nghĩa. Khi đi làm, giá trị công việc thể hiện bằng tiền nhưng chủ doanh nghiệp phải chú ý đến điểm cân bằng giữa công việc và cuộc sống của nhân viên. Nếu theo đuổi sự phát triển của doanh nghiệp mà bỏ qua sự cân bằng của cuộc sống nhân viên là không ổn.

* Không chỉ phát triển công ty, nghe nói ông còn làm cầu nối cho nhiều doanh nghiệp Đài Loan khi muốn đầu tư tại Việt Nam?

- Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Việt Nam có 3 mục tiêu, đó là giúp hội viên kinh doanh, hỗ trợ hợp tác và giải quyết khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp Đài Loan, tạo giá trị cho doanh nghiệp. Tôi được bầu làm tổng hội trưởng hội này. Mỗi tuần chỉ mất vài ba ngày cho việc kinh doanh nên tôi còn nhiều thời gian cho các hoạt động xã hội. Việc điều hành Đại Phát đã được giao cho cấp dưới.

* Giao việc điều hành cho cấp dưới, ông có ngại sau này họ ra riêng và cạnh tranh trực tiếp với Đại Phát?

- Nếu công ty bị "đánh bại" bằng cách ấy thì có vấn đề. Một doanh nghiệp muốn phát triển tốt phải có thể chất mạnh, và doanh nghiệp có thể chất mạnh không phải do một cá nhân nào đó mà là cả tập thể.

Đại Phát đã trải qua những thời điểm khó khăn nhất, như vào năm 2003 - 2004, khách hàng lớn nhất từ Đài Loan không tiếp tục lấy hàng vì họ đã mở xưởng ở Trung Quốc, nhưng những nhân sự cốt cán của công ty không ai nghỉ việc. Cứ tưởng tượng một khách hàng chiếm đến 70% doanh thu lại không lấy hàng nữa, doanh nghiệp sẽ như thế nào?

Nhớ lại tình cảnh ấy, tôi lại thấy đó là điều tốt. Họ bỏ rơi như vậy mình mới có cơ hội "tự bơi" và nhờ tự bơi mới thành công như hôm nay.

* Trong nhiều năm làm việc tại Việt Nam và đã kết nối hợp tác cho nhiều doanh nghiệp Đài Loan và Việt Nam, ông thấy môi trường kinh doanh ở Việt Nam như thế nào?

- Doanh nghiệp Việt Nam tiến bộ không ngừng. Môi trường đầu tư ở Việt Nam cũng ngày càng tốt hơn. Hiện Chính phủ Đài Loan đang khuyến khích đầu tư vào 16 nước và Việt Nam là một trong những điểm quan trọng cho chiến lược này. Trong 20 năm qua, tổng kim ngạch đầu tư của Đài Loan vào các nước Đông Nam Á là 100 tỷ USD, trong đó riêng Việt Nam là 32 tỷ.

Hiện nay, Top 3 nước đầu tư vào Việt Nam là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore nhưng lượng lao động Việt Nam mà họ sử dụng không nhiều. Đài Loan hiện có khoảng 5.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam và dù kim ngạch không lớn nhưng hầu hết các nhà đầu tư đều mở công xưởng, nhà máy nên sử dụng số đông lao động.

Hiện nay, ở Đài Loan có 200.000 em bé có mẹ là người Việt Nam. Đài Loan chỉ có 23 triệu dân, trong đó có đến 700.000 là người Việt.

Tiếng Việt được xem là môn ngoại ngữ và được đưa vào chương trình giáo dục. Bậc trung học và đại học ở Đài Loan, nhiều năm nay, tiếng Việt đã được học phổ biến. Bắt đầu từ năm 2017, chương trình ngoại ngữ này được đưa vào một số trường tiểu học, và hiện không đủ giáo viên dạy tiếng Việt.

* Ông có ý định cho con cái kế nghiệp tại Việt Nam như những doanh nghiệp gia đình khác?

- Con gái tôi đang làm việc tại Đại Phát, nhưng cháu không có ý định gánh toàn bộ trách nhiệm ở Công ty. Với tôi, điều quan trọng nhất là con làm được những gì mình thích. Vì thế, nếu hỏi tôi ai là người kế tục sự nghiệp lãnh đạo doanh nghiệp này thì rất khó nói.

Hiện giờ ở Đài Loan, có nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với vấn đề này khi thế hệ tiếp theo không muốn tiếp quản sự nghiệp của cha ông. Tuy nhiên, tôi không sợ điều này vì hiện giờ dưới quyền tôi còn có nhiều cộng sự người Việt Nam làm rất tốt. Tôi sẵn sàng trao lại doanh nghiệp cho người nào đó nếu có đủ năng lực, phẩm chất.

* Cám ơn ông về những chia sẻ!


Theo Hồng Nga

Cùng chuyên mục
XEM