Ông Đoàn Văn Vươn kể chuyện đắp đê chắn lũ cứu làng và kinh doanh vịt biển

26/07/2016 10:02 AM | Kinh doanh

3 năm, 7 tháng, 21 ngày trong tù là quãng thời gian ông Vươn đau đáu về lời hứa với vợ con, về ước mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Sau khi được đặc xá về quê, ông Vươn đã và đang thực hiện niềm mong ước ấy....

Đón chúng tôi ở đầu con đê Vinh Quang (Tiên Lãng, Hải Phòng), ông Đoàn Văn Vươn rạng rỡ, diện chiếc áo sơ mi cũ đóng thùng ra đón khách.

Trên chiếc xe wave cũ chở khách vào khu đầm nuôi vịt cách đó chừng 500m, ông Vươn phấn khởi: “Thỉnh thoảng lại có đoàn ghé thăm trang trại. Tôi vui lắm, cũng cảm ơn anh em… Nhưng công việc ở đầm tôm, nuôi vịt rồi tiếp khách mua bán nên cứ xin phép trước, tôi chỉ tiếp anh chị được vài giờ”.

Ông Vươn chỉ cho chúng tôi khu vực đầm nuôi của mình. Cả trang trại rộng lớn hơn 40 ha được bao quanh bởi khu rừng chắn sóng xanh rì, hùng vĩ, chạy dài vài cây số.

Rót chén trà xanh mời khách, ông Vươn cười nói: “Những ngày nắng nóng bên đầm vịt, chỉ có thứ nước này mới làm mát ruột mà không hề độc hại”.

Bên chén trà xanh thanh mát như chính con người ông, chúng tôi được nghe kể về hành trình khai hoang, đắp đê chắn lũ của người nông dân mà bà con quanh vùng thường gọi là “người hùng của Vinh Quang”.

Vẫn với thói quen nhìn xa xăm của hơn 3 năm về trước, khi xuất hiện trên truyền thông một cách “bất đắc dĩ”, ông Vươn gây ấn tượng bởi đôi mắt sáng. Thế nhưng, ánh mắt năm nào nay đã thôi u uất, mà ánh lên niềm vui, niềm hy vọng của những suy nghĩ tích cực với ý chí sắt đá: Phải làm giàu trên chính mảnh đất quê hương!

“Chuyện gì đã qua thì cứ để nó qua. Giờ mong muốn lớn nhất của tôi là dồn tâm huyết vào đầm tôm, đàn vịt biển. Ít lâu nữa, mô hình lớn mạnh thêm, tôi có đủ điều kiện mở rộng diện tích nuôi trồng, tăng đàn vịt từ vài nghìn lên hàng vạn cá thể, đủ đáp ứng ra thị trường là mừng rồi”, ông Vươn nói.

Khu rừng phòng hộ bao quanh trang trại nhà ông Đoàn Văn Vươn. Ảnh: V.V.
Khu rừng phòng hộ bao quanh trang trại nhà ông Đoàn Văn Vươn. Ảnh: V.V.

“Người hùng” 8 năm đắp đê chắn lũ

Dẫn chúng tôi thăm trang trại, ông Vươn cho biết, ông sinh ra và lớn lên ở xã Bắc Hưng, về sau mới sinh nhai tại Cống Rộc (Vinh Quang, Tiên Lãng, Hải Phòng).

Năm 1987, cơn bão kinh hoàng đã khiến cả một cánh rừng thông biến mất chỉ trong một đêm. Con đê làng Vinh Quang xơ xác, mong manh giữa biển. Bao nhiêu phù sa, mùa màng cứ thế bị nước cuốn trôi đi mất. Đất quanh vùng nhiễm mặn, cây trồng cứ thế lụi dần, dân nghèo nhìn nhau ngao ngán.

Với dân làng, biển cả là một thế giới hung dữ, bạo tàn. Dù Nhà nước đã có nhiều phương án tăng cường phòng hộ, lùi đê… nhưng tất cả đều chưa hiệu quả.

Là người Bắc Hưng, sang Vinh Quang làm trang trại, lại đang theo ngành Nông nghiệp, nhìn những ánh mắt sợ sệt, hoang mang của người dân khiến ông Vươn chạnh lòng.

Mỗi khi nghe đài báo bão là cả làng bỏ chạy, để lại những cánh đồng hoang tàn, cấy không được gặt. Các căn nhà nhỏ trở nên tiêu điều xơ xác. Chứng kiến những cảnh này khiến lòng tôi thổn thức”, ông Vươn kể.

Thế rồi, các câu hỏi vì sao mảnh đất này lại trở nên hung dữ đến như thế cứ quanh quẩn trong đầu, khiến anh kỹ sư nông nghiệp phải tìm hiểu bằng được. Qua đề tài khảo sát của Viện Hải dương học, ông Vươn đã biết được nguyên nhân.

Cánh đồng gần cửa sông, lưu lượng phù sa lớn nhưng lại trở nên cằn cỗi, bị biển lấn là do chịu tác động của dòng chảy, từ khi người Pháp đào một số hệ thống sông đã làm thay đổi dòng chảy ra phía sông Văn Úc, tác động đến dòng chảy từ con sông Thái Bình. “Bây giờ, phải có biện pháp tác động trực tiếp trở lại tới dòng chảy này thì vùng đất mới được hồi sinh”, ông Vươn cho hay.

Năm 1993, ông làm đơn xin nhận vị trí Cống Rộc để khai hoang mở rộng diện tích đất. Nhiều người gàn, nói ông dại vì bão lũ đã từng cuốn trôi cả một ngôi làng ở chính mảnh đất này.

Thế nhưng, với niềm đam mê nông nghiệp, tự tin vào kiến thức của mình, ông Vươn vẫn quyết định chấp bút.

Được giao 21 ha đất đê, anh kỹ sư 30 tuổi Đoàn Văn Vươn ngày ấy đã bắt tay vào làm ngay. Ông ngày đêm đắp đập, huy động tàu chở đá xếp quanh đê. Đắp đến đâu, kè đến đó nên những nơi ông làm đều chắc chắn. Lấy được lòng tin từ người dân, có ngày, ông Vươn đã huy động được tới 750 nhân công cùng tham gia dự án này.


Sau khi ra tù, ông Đoàn Văn Vươn cùng em trai bắt tay vào xây dựng lại khu đầm tôm. Ảnh: N.T.

Sau khi ra tù, ông Đoàn Văn Vươn cùng em trai bắt tay vào xây dựng lại khu đầm tôm. Ảnh: N.T.

Sau 8 năm ròng ông Vươn cùng người dân đắp đê, trồng rừng phòng hộ, ngăn chặn dòng chảy, mảnh đất dữ ngày nào yên ổn hẳn. Cảnh tượng người dân trốn chạy bỏ lại nhà cửa hoang tàn đã chấm dứt.

Không còn cảnh đất xói mòn, dân chạy lũ, mảnh đất cứ ngày một hồi sinh. Cả một cánh rừng phòng hộ trù phú, bãi bồi được phù sa bồi đắp, mùa màng bội thu, các đầm tôm cá cứ sinh sôi nảy nở.

Công lao lớn của anh kỹ sư nông dân 30 tuổi được bà con Vinh Quang và các vùng lân cận ghi nhận.

VIDEO: Ông Đoàn Văn Vươn chia sẻ câu chuyện đắp đê chống lũ

Điều bất ngờ về anh nông dân chân đất Đoàn Văn Vươn

Sau những chuỗi ngày dài ở trại giam, ông Vươn vẫn đau đáu một lời hứa với vợ con là sẽ biến đầm tôm trở thành trang trại có quy mô rộng lớn nhất vùng.

Lời hứa ấy được ông Vươn thực hiện ngay lập tức khi vừa được đặc xá trở về về quê hương. Chỉ chưa đầy 1 năm, cánh đồng hoang tàn, đổ nát, cỏ cao ngang đầu gối đã biến thành một trang trại trù phú với hàng nghìn cá thể vật nuôi.

Trang trại rộng 40,3 ha của Đoàn Văn Vươn có 10 nhân công. Ngoài tôm rảo, cua và cá, ông Vươn còn nuôi thêm 4.000 con vịt biển. Ông cho biết, đây là loài vịt được nuôi theo quy trình hoang dã hóa vịt nhà.

Loại vịt này thích nghi đa dạng ở cả nước ngọt, nước lợ và nước mặn, sản lượng cao, trọng lượng lớn, cho trứng to. Vịt biển là sản phẩm chính mang doanh thu cho trang trại. Mỗi tháng, trang trại cung cấp ra thị trường hơn 1.000 con, song vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu.


Thương hiệu vịt biển Đoàn Văn Vươn được rất nhiều người đón nhận chỉ trong một thời gian ngắn. Ảnh: N.T

Thương hiệu "vịt biển Đoàn Văn Vươn" được rất nhiều người đón nhận chỉ trong một thời gian ngắn. Ảnh: N.T

Giá vịt biển Đoàn Văn Vươn bán ra ngoài cao gấp 2 lần thị trường. Ông Vươn cho biết, sản phẩm của ông đạt đủ chất lượng sạch và thơm ngon do cách thức nuôi đặc biệt với thức ăn tự chế cùng chế độ ăn hợp lý. Do đó, ông tự tin với sản phẩm của mình hoàn toàn có thể cạnh tranh với các đơn vị khác.

Khá đặc biệt là trang trại được xây dựng theo mô hình nuôi khép kín. Bên trên là vịt bơi lội, dưới là cua và cá. "Chỉ cùng một diện tích đầm nhất định nhưng nuôi kết hợp sẽ đem lại lợi ích cao", ông Vươn nói.

Dù chuyên ngành kỹ sư nông nghiệp, nhưng ông Vươn tỏ ra rất am hiểu về kinh doanh. Hồi tháng 5/2016 vừa qua, ông Vươn cùng em trai Đoàn Văn Quý đã "khăn gói" lên Hà Nội để quảng bá thương hiệu “Vịt biển Đoàn Văn Vươn” của mình. Hiện nay, trang trại đã phân phối độc quyền cho một đơn vị ở Hà Nội. Bên cạnh đó, ông Vươn cũng mở một nhà hàng ở Hải Phòng để tiếp thị sản phẩm.

Người nông dân này cho biết, đã có nhiều doanh nghiệp đến chồng tiền yêu cầu được làm đơn vị phân phối, thậm chí mua lại thương hiệu "vịt biển Đoàn Văn Vươn" nhưng ông nhất định từ chối.

Theo ông, khi làm kinh doanh, việc gật đầu không dễ, bởi: “Bài toán thị trường giữa cung và cầu rất quan trọng. Bên cạnh đó, trong làm ăn, không thể quá nóng vội, bởi sai một ly là đi một dặm".

Bài toán thị trường, thương mại hóa con vịt biển và việc xoay vòng vốn mở rộng quy mô trại Cống Rộc của một người nông dân chân đất Đoàn Văn Vươn Vươn vẫn còn là những điều quá đỗi bất ngờ với chúng tôi.

....(còn tiếp)

Hồng Minh

Cùng chuyên mục
XEM