Ông chủ Vinamit chỉ ra thứ Việt Nam đi sau thế giới lại là điểm tốt cho thế hệ tương lai

07/06/2017 11:00 AM | Kinh tế vĩ mô

“Chúng ta mới ngả sang nền nông nghiệp hóa học hơn 20 năm nay. Mình còn cơ hội lùi lại”, ông Nguyễn Lâm Viên, người sáng lập thương hiệu Vinamit nói.

Chúng ta đang tự đầu độc chính mình

"Liệu có quá khi nói rằng chúng ta đang tự đầu độc chính mình. Chúng ta nghĩ gì khi báo cáo của đoàn giám sát cho hay trên 70.000 người chết vì ung thư và hơn 200.000 ca phát hiện mới mỗi năm, có một phần nguyên nhân từ thực phẩm không an toàn", đó là lời chất vấn gay gắt của Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 mới đây.

Ông Nhân còn dẫn chứng thêm những con số đáng báo động khi mỗi năm Việt Nam bỏ ra không dưới 770 triệu USD để nhập khẩu khoảng 100.000 lít thuốc bảo vệ thực vật với 4.100 loại khác nhau. Riêng 2 tháng đầu năm nay, tổng giá trị nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu là 129 triệu USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước và 90% nhập từ Trung Quốc.

Từ lâu, nền sản xuất nông nghiệp nước ta đã phụ thuộc rất nhiều vào hóa chất – vốn được xem như kích thích tố hỗ trợ cho một ngành rủi ro, phụ thuộc nhiều vào thiên thời, địa lợi. Những phát kiến của khoa học giúp họ tăng sản lượng từ đó cải thiện đời sống vốn bấp bênh so với sản xuất truyền thống.

Tuy nhiên, việc lạm dụng hóa chất đã dẫn tới hệ lụy nghiêm trọng cho người tiêu dùng trong nước và toàn ngành nông nghiệp, đặc biệt là xuất khẩu. Theo trung tâm nghiên cứu Kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho biết, thị trường quốc tế đã nhiều lần đặt nghi vấn về chất lượng gạo Việt Nam xuất khẩu hay tôm dính hóa chất. Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên hiệp Quốc (Unido) thống kê giai đoạn 2002-2013, thị trường Úc, Mỹ, Nhật, EU đã từ chối nhập khẩu 483 lượt sản phẩm rau quả từ Việt Nam, giá trị khoảng 1 tỷ USD.

Để chen chân được vào thị trường khó tính như Nhật Bản, nông sản Việt Nam phải đảm bảo những tiêu chuẩn khắt khe để đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Đơn cử như để xuất khẩu được trái chuối vào Nhật, ông Võ Quan Huy (thường được biết đến với cái tên ông Huy chuối) cho biết:

Trước khi ký hợp đồng mua chuối, phía Nhật cử người đển kiểm tra độ an toàn, lấy mẫu sản phẩm, mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí về Nhật Bản để kiểm tra đến 230 chỉ tiêu sinh lý- hóa sinh nhẳm đảm bảo trái chuối đạt tiêu chuẩn sạch- đẹp- ngon tức không có kim loại nặng, không có vi khuẩn gây hại, không dư lượng thuốc trừ sâu bệnh, không chất kích thích tăng trưởng.

Với nền nông nghiệp sử dụng quá nhiều hóa chất như Việt Nam, việc đáp ứng các tiêu chuẩn thấp hơn đã khó, chứ chưa nói tới những tiêu chuẩn cao nhất thế giới hiện nay

Lời giải từ cách mạng lần thứ 6

"Đó là chuyện đau đầu", ông Nguyễn Lâm Viên, người sáng lập thương hiệu Vinamit lắc đầu khi được hỏi về thói quen canh tác hóa học giúp người nông dân tăng sản lượng.

"Ăn xoài tháng 3 đến tháng 5 còn ít xài thuốc chứ sau tháng 6 cây xoài sống nhờ thuốc tăng trưởng và phân hóa học. Trái xoài ngọt lừ, ruột chín nẫu", ông Viên dẫn chứng về việc trồng xoài tại một số vùng hiện nay. Theo ông cây xoài tự nhiên chỉ cho quả một vụ nhưng hiện nay nhiều nơi kinh doanh tới 3 vụ mỗi năm.

Câu hỏi đặt ra là có cách nào để giải quyết bài toán này mà vẫn nâng cao đời sống người nông dân? Phương pháp được ông Viên đưa ra đó là canh tác theo phương pháp hữu cơ.

"Người thầy giúp tôi cảm thấy tin tưởng và học được nhiều nhất đó là ông bà của chúng ta. Ông bà mình ngày xưa có xài hóa học đâu mà tạo ra dinh dưỡng với công thức vườn- ao – chuồng", vị kỹ sư nông nghiệp đại học Nông lâm Tp.HCM lạc quan về tương lai con đường Vinamit đang đi.

Về đầu ra, ông chủ Vinamit cho biết với loại gạo thường nông dân bán với giá 8.000 đồng/kg thì gạo hữu cơ bán đắt gấp 3 lần ngay tại cánh đồng trong khi phương pháp canh tác an toàn và thời gian canh tác một vụ.

Dù thực phẩm organic cũng còn nhiều hạn chế, như giá thành sản phẩm còn cao và sản lượng chưa đủ để đáp ứng, nhưng cũng là một hướng đi đáng quan tâm, với một số vùng sản xuất có hiệu quả. Chẳng hạn, nông dân xứ Cồn Chim, Trà Vinh với vùng sản xuất hữu cơ tôm- cua- lúa 1.000 ha được các doanh nghiệp săn đón để đưa sản phẩm xuất khẩu hay người dân Tp Trà Vinh lùng mua vì nông sản sạch. Cồn Chim là vùng được tổ chức Seed to Table của Nhật Bản tài trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Người Nhật gọi nông nghiệp hữu cơ là "công nghiệp thứ 6" với hàm ý gồm 3 giai đoạn (1 2 3): 1 là hoạt động nông- lâm- ngư nghiệp cơ bản; 2 là gia công chế biến; 3 là dịch vụ bán hàng đến tay người tiêu dùng. Các tổ chức công, tư, phi chính phủ không chỉ hỗ trợ vốn, kỹ thuật mà còn hỗ trợ nhân sự, khai thác các nông sản địa phương. Công nghiệp thứ 6 thu hút nhiều tình nguyện viện là sinh viên, chuyên gia trồng trọt, marketing về các địa phương cùng xây dựng thương hiệu.

"Chuyển dịch theo con đường hữu cơ khó khăn nhất là vượt qua được nhận thức ban đầu của người canh tác. Tuy nhiên, chúng ta mới ngả sang nền nông nghiệp hóa học hơn 20 năm nay; mình còn cơ hội lùi lại", ông Viên đánh giá.

Kim Thủy

Cùng chuyên mục
XEM