#Why: Tại sao thế kỷ XIV, bọ chét có thể khiến thay đổi cả cơ cấu nền nông nghiệp nước Anh?

22/05/2017 19:28 PM | Kinh tế vĩ mô

Vào thế kỷ XIV, Cái chết Đen cướp đi sinh mạng của 3/4 dân số châu Âu. Đây là một ví dụ khắc nghiệt nhưng sống động về cách mà quy mô dân số cùng những sự thay đổi bên trong nó có ảnh hưởng lớn đến loại hàng hóa và dịch vụ mọi người muốn và cần.

Kinh tế học không chỉ bó hẹp trong giảng đường hay ngân hàng. Môn khoa học này tồn tại ở khắp mọi nơi và ảnh hưởng tới mọi thứ chúng ta làm hoặc nhìn thấy trên phim ảnh cũng như đời thực. Nó có thể giúp ta lý giải những "bí ẩn" lý thú trong cuộc sống như Vì sao ngăn mát tủ lạnh có đèn nhưng ngăn đá thì không hay,...

CafeBiz xin giới thiệu chuỗi bài #Why để giúp bạn thấy kinh tế học không khô khan như bạn nghĩ.


Nhân khẩu học là môn nghiên cứu về dân số và các đặc điểm của nó. Đây là một trong 13 công cụ hữu ích nhất trong việc lắng nghe tiếng nói của thị trường vì nó cung cấp thông tin cực kỳ hữu ích về người mua mà không cần phải thu thập trực tiếp từ họ.

Sau đây là một ví dụ khắc nghiệt nhưng sống động về cách mà quy mô dân số cùng những sự thay đổi bên trong nó có ảnh hưởng lớn đến loại hàng hóa và dịch vụ mọi người muốn và cần. Nó cho thấy cách mà một trong những thị trường lớn của Anh – hàng len – được tạo ra bởi những con bọ chét mang theo mầm bệnh và ảnh hưởng của chúng lên dân số nước Anh như thế nào.

Vào thế kỷ XIV, nạn dịch hạch – hay Cái chết Đen – đã tràn qua châu Âu cùng nhiều phần ở châu Á và cướp đi sinh mạng của 3/4 dân số. Dịch bệnh này bị lây sang người từ bọ chét, còn bọ chét bị phát tán bởi những con chuột nhiễm căn bệnh này. Nạn dịch hạch đã làm giảm một nửa dân số nước Anh trong những năm 1340. Điều này cũng khiến nhu cầu về thực phẩm giảm đi một nửa.

Cùng lúc đó, những người sống sót trở nên giàu có hơn – nhờ thừa kế của cải từ những người đã chết – và tìm cách đổi những bộ quần áo nghèo nàn của họ lấy đồ len tốt hơn. Kết quả là rất nhiều đất ở Anh được chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đồng cỏ để nuôi cừu. Đây có lẽ là ví dụ đầu tiên và mạnh mẽ nhất về cách các yếu tố nhân khẩu định hình thị trường và thường tạo ra chúng.

Quay trở lại với thế giới hiện đại, "Các yếu tố nhân khẩu," như các chuyên gia quảng cáo và marketing đã chỉ ra, là dữ liệu về số lượng người trong các thị trường và đặc điểm của họ – độ tuổi, giới tính, tình trạng gia đình, nghề nghiệp, thu nhập, của cải, giáo dục, v.v… Nhu cầu của con người về hàng hóa và dịch vụ thay đổi rất lớn tùy theo độ tuổi, thu nhập và giáo dục của họ. Các nhà điều hành cần có một ý tưởng rõ ràng rằng ai là người mua sản phẩm của họ và liệu nó có phù hợp với người mua đó không.

Lấy Honda làm ví dụ. Xe Accord của Honda đã trở thành xe ô tô bán chạy nhất ở Mỹ trong suốt những năm 1989-91. Honda được thiết kế như là một chiếc xe gia đình. Năm 1986, tuổi trung bình của những người mua Accord là 40. Đến năm 1990, nó đã leo lên đến gần 45 trong khi thu nhập trung bình của họ tăng từ 47.0000 lên 55.000 đô-la. Honda đã đúng khi lo lắng rằng nó có thể đang "sản xuất ra những chiếc xe gia đình cho những người không còn cần chúng nữa" vì con cái những người này không còn sống cùng họ. Chiếc Accord đã được tái thiết kế, nhắm lại vào những khách hàng 40 tuổi; dòng xe thể thao 2 cửa của nó được thiết kế cho những người ở độ tuổi 35.

Một trong những phần quan trọng trong các yếu tố nhân khẩu là độ tuổi. Khoảng 17% người Mỹ bằng hoặc trên 60 tuổi – chiếm hơn 40 triệu trong tổng số dân khoảng 250 triệu người. Họ khác người trẻ ở nhiều phương diện. Khả năng đi học đại học, hay thậm chí trung học phổ thông của họ thấp hơn người trẻ rất nhiều (chưa đến 1/3, so với 1/2 những người dưới 60). Thu nhập hộ gia đình của họ khá thấp; nhưng do những người trên 60 tuổi sống trong những gia đình nhỏ nên họ được tận hưởng khoản thu nhập có thể tiêu xài tùy ý cao hơn trung bình đến 1/3.

Những năm 1980 tại Mỹ chứng kiến sự lên ngôi của các Yuppie – những người trưởng thành trẻ tuổi, có trình độ chuyên môn, liên tục thay đổi theo hướng đi lên, thu nhập có thể cho phép tiêu xài tùy ý khá cao và có một khao khát không bao giờ thay đổi là tiêu số tiền đó. Nhiều sản phẩm đạt được thành công lớn nhờ hấp dẫn được nhóm người khá giả này. Tiếp đó đến những năm 1990, một thế hệ mới đã ra đời ngay sau những Yuppie này – thường là các babyboomer trong độ tuổi từ 30 đến 45. Được gọi là "Yiffie"(Young Individualistic Freedom-Minded Few – Những người trẻ tuổi thiểu số có suy nghĩ tự do và theo chủ nghĩa cá nhân).

Khác với thế hệ trước, các Yiffie rất quan tâm đến những ý nghĩa đạo đức trong những gì họ làm và những thứ họ mua. Và họ bác bỏ quan điểm "tham lam là tốt" của những năm 1980. Không giống như nhiều thế hệ đầu, họ không muốn "có tất cả," bởi quan điểm nếu bạn có (hoặc bạn nghĩ bạn có) tất cả – thì bạn không có gì; bạn đã không còn gặp những thách thức. Đối với họ, bạn là ai quan trọng hơn bạn là gì hay bạn có gì. Tích lũy trải nghiệm quan trọng hơn tích lũy tài sản. Cá tính thiên về giá trị và thực dụng này đã thay đổi từ thị trường tiêu dùng cho đến thị trường bất động sản.

Ngày nay, với sự trợ giúp của công nghệ, ngày nay, các công ty có thể tìm kiếm một lượng thông tin nhân khẩu học lớn chưa từng có về khách hàng của mình – dù cho họ là Yuppie hay Yiffie. Những chiếc máy tính tại điểm bán hàng sẽ ghi lại giao dịch mua bán một sản phẩm, giá của nó và nếu muốn, cả thông tin về người mua nó. Không chỉ giúp quản lý hàng tồn kho tốt hơn thông qua việc theo dõi quá trình mua hàng và nhu cầu theo thời gian thực, hệ thống này còn khiến việc nhận dạng xu hướng, tái đặt hàng đúng thời điểm, mở rộng sản xuất và quá trình mua hàng, cũng như xu hướng tiêu dùng.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM