Ông chủ công ty gỗ lớn nhất Việt Nam sắp "khoe" khối tài sản hơn 4.000 tỷ, vượt qua ông Trịnh Văn Quyết
Với giá trị tài sản ước tính này, ông Lê Đức Nghĩa sẽ là "đại gia" thứ 31 trong bảng xếp hạng 200 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán.
Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã ra văn bản thông báo chấp thuận đăng ký giao dịch cho hơn 87,6 triệu cổ phiếu ACG của Công ty Gỗ An Cường trên sàn UPCoM từ ngày 4/8. Giá tham chiếu phiên giao dịch đầu tiên là 90.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng giá trị công ty là 7.884 tỷ đồng.
Theo công bố, tính đến 30/6/2021, cổ đông lớn nhất của Gỗ An Cường là Công ty TNHH Đầu tư NC Việt Nam, đang nắm giữ 50,04%. Đây là công ty thuộc sở hữu của ông Lê Đức Nghĩa - Chủ tịch Công ty An Cường. Như vậy, sau khi ACG chính thức giao dịch, ước tính giá trị cổ phiếu trong tay vị chủ tịch này tương đương gần 4.000 tỷ đồng.
Với giá trị tài sản ước tính này, ông Lê Đức Nghĩa sẽ là "đại gia" thứ 31 trong bảng xếp hạng 200 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán, vượt qua ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC với khối tài sản 3.888 tỷ đồng.
Ông Lê Đức Nghĩa
Gỗ An Cường hiện là công ty gỗ công nghiệp lớn nhất Việt Nam. Câu chuyện kinh doanh đến khi đạt được "vị trí mới" này của ông Lê Đức Nghĩa bắt đầu khi ông có cơ duyên làm việc cho một doanh nghiệp nội thất của Đức, ngay sau khi vừa tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh. Đây có lẽ là khởi nguồn cho sự lựa chọn gắn bó với gỗ công nghiệp của vị chủ tịch này cho đến ngày hôm nay.
Sau 26 năm gây dựng, từ xuất phát điểm là một công ty gia đình đến nay Gỗ An Cường đã là một doanh nghiệp đầu ngành tại Việt Nam và Đông Nam Á trong lĩnh vực vật liệu, giải pháp, nội thất làm từ gỗ công nghiệp.
Cuối 1994, ông quyết định lập công ty, trong suốt mười năm, doanh nghiệp của ông chủ yếu làm thương mại. Tuy nhiên nhà lãnh đạo này cho rằng nếu không đổi sang sản xuất thì sớm muộn việc kinh doanh sẽ bị teo lại, hoặc đóng cửa, bởi thương mại thuần tuý doanh thu chỉ 100, 200 tỉ là cùng. Chính vì vậy, vào ngày 20/9/2006, Công ty Cổ phần Gỗ An Cường được thành lập, trụ sở chính và nhà xưởng đặt tại Bình Dương.
Trước đó, vào năm 2018, trong khuôn khổ sự kiện Trao giải Vietnam HR Awards, ông Nghĩa từng chia sẻ: "Cách đây 4 năm, doanh thu An Cường đạt khoảng 1.000 tỷ đồng thì bắt đầu thấy rối beng nhiều vấn đề và bản thân tôi cảm thấy hết năng lực quản trị, không muốn làm nữa". Ông bắt đầu kể về câu chuyện chi ra gần 2 triệu USD để tái cấu trúc công ty, trong khi lợi nhuận sau thuế chỉ khoảng 85 tỷ đồng. Khi ấy quy mô công ty của ông đã lên tới 1.000 nhân viên.
Thời điểm đó, có hai hướng đi để An Cường lựa chọn: Một là tái cấu trúc theo kiểu thay máu toàn bộ, và hai là bổ sung năng lực thiếu hụt. Ông Lê Đức Nghĩa đã chọn theo hướng thứ hai, và gọi đây là phương pháp "bổ sung thực phẩm chức năng, thiếu gì bổ sung chỗ đó".
Đi vào tái cấu trúc, An Cường bắt đầu bằng việc tổ chức hoạt động của mỗi xưởng sản xuất như một công ty thu nhỏ. Theo đó, một xưởng sẽ có 1 quản đốc, giám sát và chịu trách nhiệm mọi thứ về hoạt động của 50 nhân công. Lúc này 10 xưởng của công ty đều đồng loạt áp dụng hình thức này. Sau đó, ông Nghĩa bổ sung thêm nhiều vị trí chuyên trách khác, như giám đốc kỹ thuật, giám đốc kế hoạch, giám đốc tài chính, kế toán,…Lương cho giám đốc nhà máy người Singapore trong hệ thống An Cường khi ấy lên đến 200.000 USD/năm.
Một số sản phẩm từ gỗ công nghiệp của An Cường
Không dừng lại ở đó, An Cường tiếp tục dành 1,2 triệu USD để mua và vận hành phần mềm hệ thống quản trị SAP, trong khi lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp lúc này chỉ khoảng 100 tỷ đồng. Ông Nghĩa chia sẻ, khi triển khai áp dụng SAP vào An Cường, dù nhận được lời khuyên không cần tham gia đội thử nghiệm, nhưng ông không đồng ý, bởi theo quan điểm của ông: "Người đứng đầu phải lăn lộn vào, nếu mình không hiểu thì làm sao hỗ nhân sự vận hành được."
Nhìn lại chặng đường tái cấu trúc, ông Nghĩa thừa nhận khi bắt đầu chỉ đặt mục tiêu thoát khỏi cảnh rối ren, nhưng thực tế, trong và sau quá trình này, tỷ lệ tăng trưởng của An Cường luôn duy trì 2 con số, từ 30-50%/năm. Sau khi hoàn thành tái cấu trúc, Gỗ An Cường cũng bắt đầu kêu gọi đầu tư từ nước ngoài, từ 2016 đến nay, công ty này đã nhận được khoản đầu tư hơn 28 triệu USD từ liên doanh giữa VinaCapital - DEG và trên 58 triệu USD từ Tập đoàn Sumitomo Forestry.
Hiện nay, doanh nghiệp đang sở hữu hai cụm nhà máy, hệ thống kho bãi với tổng diện tích hơn 240.000 m2. Tại báo cáo thường niên năm 2020, Gỗ An Cường cho biết đang sản xuất hơn 1.000 cánh cửa gỗ công nghiệp mỗi ngày và là một trong những nhà cung cấp cửa gỗ công nghiệp hàng đầu tại thị trường nội địa.
Tính đến cuối năm 2020, An Cường có 3.034 lao động và 3 công ty con là Công ty TNHH Malloca Việt Nam, Công ty TNHH sản xuất gỗ An Cường và Công ty TNHH Aconcept Việt Nam (Aconcept Việt Nam là công ty con của Malloca Việt Nam).
Năm 2021, ban lãnh đạo Gỗ An Cường đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu khoảng 30% so với cùng kỳ, lên mức 4.872 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 12%, đạt 551 tỷ đồng. Sau quý đầu năm, doanh nghiệp đã báo lãi sau thuế hơn 100 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ 2020 và hoàn thành 18% chỉ tiêu cả năm.