Ông chủ chuỗi rạp chiếu phim Beta Cineplex: Trong kinh doanh những gì chúng ta làm mỗi ngày đều là sự lựa chọn

11/05/2018 08:54 AM | Kinh doanh

Trong kinh doanh những gì chúng ta làm mỗi ngày đều là sự lựa chọn. Những lựa chọn đấy cần phải phù hợp và hợp nhất với mình chứ không phải cần chuyên môn hóa, đồng nhất hóa tất cả mọi thứ mà chi

Chọn khởi nghiệp với kinh doanh rạp chiếu vì ít can thiệp của con người

Năm 2014, sau khi hoàn thành chương trình học MBA tại Harvard, Bùi Quang Minh quay về Việt Nam và bắt tay xây dựng cụm rạp chiếu phim đầu tiên của mình. Trước đó anh cũng từng khởi nghiệp kinh doanh chuỗi với dự án café, bánh ngọt Doco Donuts sau 2 năm làm việc tại Singapore. Từ cửa hàng ban đầu với số vốn 300 triệu đồng, Doco Donuts chỉ mất 3 tháng để thu hồi vốn rồi sau đó mở lên 6 cửa hàng trên toàn quốc cho đến khi Minh thoái vốn để lên đường sang Mỹ.

Giữa năm 2014 Minh bắt đầu xây dựng cụm rạp đầu tiên tại Thái Nguyên. Chia sẻ với Wetalk 3 với chủ đề Kinh doanh chuỗi, lý do anh chọn Thái Nguyên bởi thời điểm này tại đây chưa có cụm rạp nào và nhắm đến khách hàng trung cấp. Ngoài ra hiện tại trên thị trường Việt Nam các chuỗi rạp cao cấp khá nhiều nhưng khúc trung cấp hướng tới khách hàng cả địa điểm và giá cả sản phẩm vẫn chưa có.

"Beta Cineplex nhắm đến là người dẫn đầu trong lĩnh vực này", doanh nhân trẻ 35 tuổi chia sẻ.

Sau khoảng 4 năm xây dựng hiện Beta Cineplex có 10 cụm rạp chiếu phim trên toàn quốc, 50 phòng chiếu phim, phục vụ 3 triệu lượt khách mỗi năm. Beta Cineplex là 1 trong 8 mảng kinh doanh của Beta Corp, cũng là mảng kinh doanh lớn nhất.

Theo đánh giá của Minh, kinh doanh rạp chiếu phim có thị trường tốt, tiềm năng phát triển nhiều ngoài cũng như dễ kiểm soát về chất lượng. Loại hình kinh doanh này phục vụ chủ yếu bằng máy móc, khả năng thất bại sẽ thấp hơn. Những điểm chạm với nhân viên phục vụ cũng có, nhưng thời gian ít hơn so với các ngành dịch vụ khác. Trong khi những ngành có quá nhiều điểm chạm như F&B có quá nhiều có thể sai: nhân viên có thể không đúng, sản phẩm nguyên vật liệu không được tươi, cách làm marketing có đúng không thì lại là câu chuyện khác khó hơn rất nhiều.

Khó khăn lớn nhất đối với Minh khi bắt đầu xây dựng cụm rạp đầu tiên là thiếu kinh nghiệm. Về góc độ cạnh tranh, vì chọn thị trường ngách nên doanh nghiệp của Minh tại thời điểm khởi nghiệp hoàn toàn chưa có đối thủ. Đến thời điểm hiện tại khi mở rộng ra các tỉnh thành khác như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh nơi có các cụm rạp chiếu phim khác thì câu chuyện cạnh tranh mới bắt đầu xuất hiện.

Tuy nhiên theo nhà sáng lập Beta Cineplex, do phân khúc khách hàng không trực tiếp cạnh tranh với các đối thủ khác nên vẫn còn nhiều khoảng trống cho thị trường phát triển. Phân khúc khách hàng Beta hướng tới là trung cấp với mức giá khoảng 50.000 đồng, có thể là sinh viên, người đi làm với mức thu nhập trung bình. Cụm rạp này cũng không hướng tới những vị trí quá trung tâm, mức độ quá cao khiến giá vé đội lên quá lớn.

Ông chủ chuỗi rạp chiếu phim Beta Cineplex: Trong kinh doanh những gì chúng ta làm mỗi ngày đều là sự lựa chọn - Ảnh 1.

Trong kinh doanh những gì làm hàng ngày đều là sự lựa chọn

Từ kinh nghiệm xây dựng chuỗi Doco Donuts cho đến Beta Cineplex hiện nay, Bùi Quang Minh cho rằng câu chuyện mở chuỗi không phải doanh nghiệp nào khởi sự ra cũng có tầm nhìn mở 10 hay 100 cửa hàng ngay lập tức. Điều này tùy vào quy mô vốn hóa của doanh nghiệp, tùy loại hình công ty và khoản tiền ngay từ đầu đến đâu.

Tất nhiên theo Minh, mọi thứ trong kinh doanh chuỗi đều phải bài bản, chuyên nghiệp đồng nhất nhưng tất cả những cái đó cần phải được cân nhắc trên bài toán của doanh nghiệp của mình. Không phải doanh nghiệp nào khi khởi sự cũng có thể thuê ngay địa điểm tốt nhất hay thuê ngay tất cả mọi thứ hỗ trợ phía sau cho đến hệ thống quản trị tốt.

"Thực ra trong kinh doanh những gì chúng ta làm mỗi ngày đều là sự lựa chọn. Những lựa chọn đấy cần phải phù hợp và hợp nhất với mình chứ không phải cần chuyên môn hóa, đồng nhất hóa tất cả mọi thứ mà chi. Thì những sự lựa chọn đó sẽ lệch lạc so với mình", doanh nhân trẻ này đúc rút lại.

Lấy ví dụ ngay chính bản thân mình khi khởi nghiệp kinh doanh đầu tiên chỉ có 5 tỷ tiền vốn thì không đi thuê địa điểm to nhất, đẹp nhất, rộng nhất vì như vậy hết vốn không còn để đầu tư.

Kể cả bài toàn cần phải đồng nhất mọi thứ cũng tùy vào chặng của doanh nghiệp, 3 địa điểm sẽ khác 10 địa điểm và khác 50 địa điểm. Chính cụm rạp Beta hiện có 10 địa điểm trên toàn quốc, Minh đều hiểu cần có sự thống nhất cả chuỗi nhưng cần nhắc bài toán có những rạp không có đối thủ và có những rạp ngay bên đối thủ cung cấp sản phẩm y hệt nếu để cùng 1 mức giá, cùng sản phẩm dịch vụ thì cách làm này sẽ không tối ưu cho từng địa điểm kinh doanh.

"Tối ưu trên từng địa điểm kinh doanh sẽ là cần thiết với doanh nghiệp của Minh tại thời điểm hiện tại vì mình phải sống đã. Mình phải tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh của từng địa điểm", Minh chia sẻ thêm.

Theo anh, sự cân nhắc này rất cần thiết với từng doanh nghiệp. Có những trường hợp có nguồn lực hỗ trợ lớn phía sau như FPT Retail không cần lợi nhuận trong vài năm đầu nhưng sau đó quay lại tối ưu để làm ra lợi nhuận. Thế nhưng với doanh nghiệp nhỏ với số vốn khởi sự nhỏ hơn thì câu chuyện lại là lấy ngắn nuôi dài.

"Đôi khi phải hy sinh những thứ mà chúng ta hiểu cần phải làm tốt để tối đa hóa lợi nhuận, có đủ nguồn tài chính để nuôi sống doanh nghiệp, thu hút nhà đầu tư", Nhà sáng lập chuỗi rạp Beta Cineplex kết luận.

Wetalk #3 - Kinh doanh chuỗi, không phải cứ mở là thắng!

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM