Ông chủ California Fitness: Mở trung tâm đầu tiên tôi mất 18 tháng chỉ để tìm mặt bằng, giá thuê quá cao mà không gian thì hẹp!

23/03/2017 10:37 AM | Kinh doanh

Đó là chia sẻ của Randy Dobson, Chủ tịch của CMG.ASIA, công ty sở hữu chuỗi phòng tập California Fitness.

Vấp ngã đầu đời ở tuổi 20, Randy Dobson có lẽ không thể biết trước đó lại là bản lề cho con đường đời nhiều duyên nợ sau này của mình với thể hình. Lao vào phòng tập như một sự cứu cánh để quên đi những muộn phiền, anh nhận ra, thể hình chính là con đường mà mình cần đi và theo đuổi.

Sau những chia sẻ về biến cố cuộc đời cũng như duyên nợ với nghiệp thể thao (xem bài trước), chúng tôi tiếp tục cuộc trò chuyện với Randy về công việc kinh doanh ở Việt Nam của CMG.ASIA, đơn vị đang sở hữu chuỗi phòng tập thể hình lớn nhất cả nước.

Chuyện đầu tư phòng tập & những khó khăn ở Việt Nam

Việc đầu tư một phòng tập gym chuyên nghiệp khá tốn kém, từ mặt bằng cho đến dụng cụ và nhân sự. Theo chia sẻ của ông chủ chuỗi 30 phòng tập lớn nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại, chi phí vào khoảng 3 triệu USD. Tuy nhiên trước đây, con số đầu tư ban đầu cao hơn khá nhiều.

“Chi phí hiện tại chúng tôi phải bỏ ra đã ít hơn trước đây rất nhiều. Tôi nghĩ là mình đã phải chi khoảng 4,7 – 5 triệu USD cho câu lạc bộ đầu tiên. Còn bây giờ chi phí được sử dụng hiệu quả hơn, tôi nghĩ bây giờ khoảng 3 triệu USD, tùy vào câu lạc bộ nằm ở đâu nữa”, Randy cho biết.

Sở dĩ chi phí giảm là nhờ việc tổ chức sản xuất thiết bị tập luyện cũng như chi phí thuê mặt bằng hiện nay cũng đã hạ nhiệt so với thời gian trước. Theo đó, sau khi xây dựng 2 trung tâm đầu tiên, Randy đã làm việc tới Technogym để sản xuất thiết bị tập luyện cho các phòng tập. Randy cho rằng chi phí còn có thể rẻ hơn nếu anh có những lựa chọn khác, nhưng anh không làm vậy, mà chọn cách xây dựng uy tín kinh doanh bền vững thông qua các trung tâm thể hình chất lượng nhất.

Trái với các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ tiêu dùng khác, khi nguồn khách hàng và nguồn nhân sự dễ khiến các nhà lãnh đạo phải đau đầu thì với Randy, khách hàng hay nhân sự đều không phải là vấn đề.

“Khách hàng không phải vấn đề lớn. Nhân sự cũng không. Tôi đã có sẵn một đội ngũ những người giỏi và chúng tôi dùng họ để làm mẫu, họ sẽ tạo ra những con người giống như họ. Với nhân viên người Việt, cứ huấn luyện là họ sẽ phát triển rất nhanh thôi, dù là không có sẵn kinh nghiệm”.

Vấn đề lớn nhất khi kinh doanh ở Việt Nam, , theo ông chủ này, là địa điểm.

“Tôi mất 18 tháng chỉ để tìm địa điểm. Thời điểm ban đầu, quả thực tôi gặp rất nhiều khó khăn vì giá thuê cao, khó tìm không gian rộng khoảng 2.000 m2 và đã tìm thấy địa điểm đầu tiên tại Parkson Hùng Vương, quận 5, TP HCM”, Randy cho biết.

Với chi phí bỏ ra khoảng 3 triệu USD cho 1 trung tâm, Randy ước tính công ty cần khoảng từ 2-3 năm để hoàn vốn. "Ý tôi là hoàn vốn cho khoản tiền mặt, còn về tất cả các chi phí kế toán thì cần một khoảng thời gian lâu hơn thế”, Randy cho biết.

Những phàn nàn về giá của California Fitness

Chuỗi California Fitness từng gặp phải nhiều lời phàn nàn về việc công khai giá dịch vụ, cũng như xảy ra chuyện "mặc cả" giữa khách hàng với nhân viên. Dĩ nhiên, ở cương vị điều hành cao nhất, Randy biết tất cả những việc đó.

"Tôi biết được điều đó thông qua nhiều lần bí mật cử người đi mua, sử dụng dịch vụ và đánh giá dịch vụ (mystery shopper). Họ cũng phải "ồ" lên: “Thật ư? Bạn có đang đùa không đấy?”. Nhưng vấn đề cốt lõi ở đây chính là do cách bán hàng và kỹ năng chuyên môn của nhân viên, không hề có sai lệch thông tin về phía công ty".

Về vấn đề công khai giá dịch vụ, ông chủ chuỗi này cho rằng: "Khách sạn không công khai bảng giá, các hãng hàng không không công bố bảng giá và chúng tôi cũng vậy. Nhưng như thế không có nghĩa là California không có giá chính thức. Tất cả những thông tin đồn thổi rằng công ty không hề có bảng giá và có thể mặc cả là hoàn toàn sai lệch.

Ngoài bảng giá chính thức, cũng như rất nhiều các khách sạn, hãng hàng không, chúng tôi có rất nhiều các chương trình khuyến mãi chạy song song, chưa kể các phiếu giảm giá, voucher, phiếu tập thử… Nếu nắm biết các thông tin này, hội viên có thể mua được thẻ tập với giá rất tốt".

Với vấn đề "mặc cả", theo ông chủ người Mỹ, là không hề có, mà là do khả năng diễn đạt của đại diện bán hàng.

"Một số nhân viên sale, để đem lại cảm giác được trở nên đặc biệt cho khách hàng đã thương lượng như sau: “Tôi sẽ mang lại mức giá ưu đãi nhất đến với anh/chị và chỉ có anh/chị mà thôi!” thay vì đúng ra phải nói rằng “Công ty hiện đang có chương trình khuyến mãi đặc biệt dành cho ngày Quốc tế phụ nữ, nếu như anh/chị tham gia ngay hôm nay sẽ mua được thẻ hội viên với mức giá ưu đãi hơn bình thường”.

Mọi vấn đề thực chất đến từ khả năng diễn đạt của nhân viên sale với đội ngũ hơn 500 nhân viên sale đều diễn đạt đầy đủ những ý trên mà không có bất kì sai sót nào là việc bất khả thi”, Randy lý giải.

Mục tiêu năm 2017

Chia sẻ về những dự định của công ty trong năm nay, Randy Dobson cho rằng bản thân anh và đội ngũ lãnh đạo đang tạo ra một hệ sinh thái tăng cường sự sống và đã thiết lập ý tưởng này từ rất nhiều năm, ngay sau khi Mizuho đầu tư năm 2013.

"Năm nay, chúng tôi sẽ mở thêm khoảng 8-10 trung tâm thể dục thể hình và phong cách sống của 5 thương hiệu Học Viện Calikids, UFC Gym, CFYC, Centuryon & Yoga Plus.

Về mảng chăm sóc sức khoẻ, chúng tôi sẽ mở thêm nhiều dịch vụ sức khoẻ mới và mở thêm 3-5 trung tâm vào năm 2017. Chúng tôi cũng sẽ đem nhiều mặt hàng của một số thương hiệu lớn vào các trung tâm bán lẻ”.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM