Ông chủ Amazon - Jeff Bezos sẽ không còn là người giàu nhất thế giới vì Microsoft

29/04/2018 22:31 PM | Công nghệ

Kết quả kinh doanh khởi sắc trong quý 1 của Amazon đã giúp khối tài sản của Jeff Bezos đạt 134 tỷ USD, cột mốc chưa từng ai đạt được trong lịch sử loài người. Nhưng lịch sử của Amazon đã luôn luôn bất định, và Bezos có thể mất đi ngôi vị giàu nhất thế giới vì một mảng kinh doanh "phụ" của Amazon.

Kể từ khi Amazon công bố kết quả kinh doanh ngoài mong đợi cho quý 3/2017 cho đến nay, vị thế giàu nhất thế giới của nhà sáng lập Jeff Bezos vẫn chưa thể bị đe dọa bởi bất cứ ai. Tuần vừa rồi, khi Amazon lại một lần nữa gây bất ngờ với doanh thu tăng 43% so với cùng kỳ 2018, khối tài sản của Bezos đã cán mốc 134 tỷ USD, con số chưa từng ai đạt đến trong cả lịch sử loài người.

Đến lúc này có lẽ không còn ai hy vọng Bill Gates có thể trở lại thành người giàu nhất thế giới. Tình hình kinh doanh ổn định (nhưng không có cú "sốc" đặc biệt) của Microsoft không cho phép Gates có thể vượt qua Bezos thêm một lần nào nữa. Và đó là còn chưa kể tới việc nhà sáng lập Microsoft sẽ tiếp tục cho đi khối tài sản của mình để phục vụ cho các mục đích từ thiện.

Ấy thế nhưng bất ngờ vẫn có thể xảy ra.

Bản chất bán lẻ

Ông chủ Amazon - Jeff Bezos sẽ không còn là người giàu nhất thế giới vì Microsoft - Ảnh 1.

Amazon đang hoạt động trong lĩnh vực khắc nghiệt nhất thế giới: bán lẻ.

Khi mải mê nhìn vào những câu chuyện nhiệm màu của e-commerce, nhiều người quên mất rằng bán lẻ là một mảng kinh doanh đầy hiểm nguy. Trong khi doanh thu của Amazon đã luôn đạt mức hàng chục tỷ USD, lợi nhuận của công ty này quý vừa qua mới chỉ đạt 1,6 tỷ USD.

Nhưng Microsoft mỗi quý đều thu về hàng tỷ USD. Ngay trong quý vừa rồi, lợi nhuận của Microsoft đạt hơn 8 tỷ USD, tức là cao gấp Amazon 5 lần. Dẫu có trồi sụt bất ổn đến mấy đi chăng nữa thì Microsoft vẫn luôn có tỷ suất lợi nhuận rất tốt trong khi Amazon vẫn là một công ty bán lẻ và vẫn luôn phải chấp nhận lợi nhuận mỏng như dao cạo.

Một góc nhìn khác: mới chỉ 3 năm trước đây, vào năm 2015, Amazon vẫn là một công ty bất ổn khi đan xen các quý lỗ lãi. Đến 2 quý gần đây nhất, Amazon mới có thể đạt lợi nhuận trên 1 tỷ USD.

Ông chủ Amazon - Jeff Bezos sẽ không còn là người giàu nhất thế giới vì Microsoft - Ảnh 2.

Microsoft là một công ty công nghệ và do đó không phải quá lo lỗ/lãi như Amazon.

Còn Microsoft trong 3 thập kỷ vừa qua mới chỉ 2 lần chịu thua lỗ vào quý 2/2012 và quý 2/2015 khi buộc phải cắt bỏ hoàn toàn giá trị của mảng quảng cáo aQuantive và của Nokia. Nhưng aQuantive và Nokia đều là những sai lầm của cựu CEO Steve Ballmer. Kể từ khi Satya Nadella lên tiếp quản với tầm nhìn cực kỳ đúng đắn dành cho mảng đám mây, Microsoft đã liên tiếp ổn định trở lại.

Lưỡi dao đám mây

Đám mây lại chính là mấu chốt cho cuộc chiến giữa Amazon và Microsoft. Nếu như Amazon đi trước và đến nay vẫn dẫn đầu thị trường, Microsoft của Satya Nadella cũng không hề tỏ ra kém cạnh khi liên tiếp đạt tốc độ tăng trưởng ở mức trên dưới 90% trong nhiều quý. Trong khi cả 2 công ty đều đang có dấu hiệu chững lại (có thể do thị trường đám mây đã bắt đầu bình ổn), mức tăng trưởng 93% của đám mây Azure rõ ràng vẫn ấn tượng hơn nhiều so với mức 44% của AWS.

Ông chủ Amazon - Jeff Bezos sẽ không còn là người giàu nhất thế giới vì Microsoft - Ảnh 3.

Trong thị trường đám mây, Amazon sẽ phải đối đầu với một địch thủ vốn là đối tác của... tất cả các doanh nghiệp.

Nhìn xa hơn về tương lai, nếu thị trường IaaS/PaaS (nôm na là cho thuê sức mạnh tính toán đơn thuần) ngừng tăng trưởng, Amazon sẽ gặp vô vàn khó khăn. Microsoft vẫn đang sở hữu hệ điều hành PC phổ biến nhất thế giới, vẫn đang nắm trong tay bộ ứng dụng văn phòng không có đối thủ và cũng sở hữu một loạt các giải pháp doanh nghiệp phổ biến (SharePoint, Power BI, Outlook/Exchange v...v...). Các doanh nghiệp có nhiều lý do để kết hợp hệ thống IT của họ với Microsoft: đây chính là lý do vì sao chỉ riêng mình Microsoft mới có thể vươn lên bám đuổi cùng Amazon trong khi các tên tuổi lớn khác như Google, IBM hay Oracle vẫn bị bỏ xa phía sau.

Dư dả tiền bạc

Nếu muốn thực sự chống lại Microsoft, Amazon sẽ phải vung tiền để tìm cách lật đổ cả Office, Exchange và Windows. Chưa bàn đến tính khả thi của nhiệm vụ này, Amazon sẽ phải tính đến một vấn đề hiện hữu hơn rất nhiều: lấy tiền đâu ra để đầu tư?

Thực tế là túi tiền để đầu tư đám mây của Amazon kém hơn Microsoft rất nhiều. Khoản lợi nhuận 1,6 tỷ USD của Amazon trong quý vừa qua có tới 73% là từ AWS. Nói cách khác, mảng bán lẻ - hình ảnh của Amazon, đến giờ vẫn chỉ kiếm về vỏn vẹn... vài trăm triệu USD mỗi quý. Tính chất khốc liệt của thị trường bán lẻ buộc Amazon phải liên tục vung tiền ra mở rộng và đầu tư, chờ đợi mảng này đem lại lợi nhuận "khủng" nuôi đám mây là không thể.

Ông chủ Amazon - Jeff Bezos sẽ không còn là người giàu nhất thế giới vì Microsoft - Ảnh 4.

Jeff Bezos sở hữu một đế chế bán lẻ sinh lời bằng... đám mây.

Nếu muốn đầu tư thêm mảng SaaS để AWS có thể cạnh tranh sòng phẳng với Azure, Amazon gần như chắc chắn sẽ phải quay lại chịu lỗ. Còn Microsoft thì vẫn kinh doanh tốt với Windows hay Office: vài năm trở lại đây, lợi nhuận mỗi quý của gã khổng lồ phần mềm luôn đạt 3 tỷ USD trở lên. Công ty của Satya Nadella thậm chí còn sẵn sàng vung tiền để cướp khách của AWS: do IaaS/PaaS của 2 đối thủ không khác nhau nhiều về mặt công nghệ, Microsoft chỉ cần đưa ra các mức giá tốt để hút khách của Amazon.

Sẽ có ngày các doanh nghiệp đều đã "lên mây", buộc Microsoft và Amazon phải quay ra cắn xé lẫn nhau. Lúc đó, Microsoft vừa có tiền để đầu tư, vừa có vũ khí cạnh tranh riêng. Còn Amazon càng đẩy mạnh đám mây thì càng dễ quay trở lại với những ngày kinh doanh không lãi. Lúc đó, giá cổ phiếu AMZN có thể suy giảm, và ai biết đâu, Jeff Bezos có thể không còn là người giàu nhất thế giới nữa.

Theo Liam

Cùng chuyên mục
XEM