NY Times nói về nỗi buồn nông dân Việt

07/02/2022 12:40 PM | Xã hội

Tại vườn thanh long của ông Phạm Thanh Hồng, chẳng chiếc đèn nào được thắp sáng. Không khí im lặng thi thoảng bị phá vỡ bởi những tiếng bịch của thanh long chín rụng.

Ông Hồng, 46 tuổi, chẳng còn chút động lực nào để thu hoạch chúng. Giá thanh long đã bị đẩy gần xuống mức bằng 0 trong thời gian gần đây. Nhiều người cho rằng chính sách Zero Covid của Trung Quốc là lý do chính khiến thanh long không thể xuất sang thị trường tỷ dân, khiến người nông dân Việt Nam nói riêng và nhiều nước Đông Nam Á khác lâm vào tình cảnh không thể tiêu thụ nông sản.

Trung Quốc dành rất nhiều thời gian và công sức để ngăn virus lây lan qua biên giới. Họ sàng lọc nghiêm ngặt từ thư tín tới trái cây và thực phẩm động lạnh dù có rất ít bằng chứng cho thấy virus corona có thể lây truyền qua những sản phẩm đó. Trung Quốc cũng đóng cửa các thành phố nhiều triệu dân khi có dấu hiệu dịch bệnh.

Những động thái chống dịch cứng rắn của Bắc Kinh không chỉ làm ảnh hưởng tới người dân nước này mà còn gây ra những hậu quả đáng báo động ở bên ngoài Trung Quốc. Nông dân trồng trái cây ở Đông Nam Á là những nạn nhân lớn nhất. Năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây từ Đông Nam Á sang Trung Quốc lên tới 6 tỷ USD.

 NY Times nói về nỗi buồn nông dân Việt  - Ảnh 1.

"Chúng tôi trồng thanh long nhưng giống như đánh bạc", ông Phạm Thanh Hồng nói về việc nông sản và người nông dân phụ thuộc vào quyết định của Trung Quốc.

Với những gì đang xảy ra, nhiều nông dân Việt Nam rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Trong khi đó, người ta đã khá quen với hình ảnh vô số xe tải chở nông sản xếp hàng dài tại các cửa khẩu của Trung Quốc với Việt Nam, Lào hay Myanmar. Trong khi người nông dân Việt khổ vì thanh long, nông dân Myanmar lại mắc kẹt với dưa hấu và các loại hoa quả khác.

Thực tế, 55% rau quả xuất khẩu, trị giá 3,2 tỷ USD của Việt Nam, được xuất sang Trung Quốc, trong đó chủ đạo là thanh long. Ngoài ra, Việt Nam cũng xuất khẩu xoài và mít sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, số phận các loại nông sản này cũng không "khá khẩm" hơn là mấy so với thanh long. Nhiều xe đã phải quay đầu và tiêu thụ trong nước với giá siêu rẻ.

Ảnh hưởng từ chính sách zero Covid của Trung Quốc cũng cho thấy sự phụ thuộc của Đông Nam Á vào thị trường lớn thứ 2 thế giới. Trong hơn một thập kỷ, nông dân trồng trái cây Đông Nam Á đã tận dụng sự bùng nổ tầng lớp trung lưu của Trung Quốc, những người ngày càng chú trọng hơn tới thực phẩm sạch và sức khỏe, để thu lợi.

Nhiều nông dân đặt hy vọng vào Tết Nguyên đán, thời điểm mà các trái cây nhiệt đới phổ biến trên bàn ăn khắp Trung Quốc trong kỳ nghỉ lễ kéo dài. Tuy nhiên, việc Trung Quốc xiết chặt các biện pháp kiểm dịch trong bối cảnh thiếu người trước dịp nghỉ lễ quan trọng nhất năm đã khiến nông sản không thể vào được Trung Quốc.

Trước tình cảnh này, Việt nam đang nỗ lực để người nông dân tìm được các thị trường thay thế, bao gồm việc đưa thanh long tới tiêu thụ trong các siêu thị trên cả nước. Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc tìm thị trường thay thế Trung Quốc không phải bài toán có thể giải được ngay.

Không chỉ những quốc gia có chung đường biên giới với Trung Quốc, nông dân ở các nước khác cũng chịu tác động. Hoa quả Thái Lan được nhập khẩu vào Trung Quốc qua đường bộ ở Lào và Việt Nam. Tuy nhiên, khi Trung Quốc thắt chặt kiểm soát biên giới, các sản phẩm này cũng lâm vào tình cảnh ùn ứ, thậm chí bị vứt bỏ do hư hỏng.

Tham khảo: NY Times

Theo Linh Anh

Cùng chuyên mục
XEM