Trải nghiệm "cách ly không thấy ngày về" của một F0 tại Hong Kong (Trung Quốc): Khi bạn dương tính tại đất nước vẫn đang theo đuổi "Zero Covid"
Hong Kong (Trung Quốc) nằm trong số những nơi hiếm hoi trên thế giới vẫn theo đuổi chiến lược "Zero Covid".
Darry Chan xét nghiệm dương tính với Covid ngay khi vừa hạ cánh xuống Hong Kong (Trung Quốc) vào tháng 12. Sau đó 2 tuần, bất chấp việc không có bất kỳ triệu chứng gì, anh vẫn phải cách ly trong bệnh viện mà chẳng có dấu hiệu nào cho thấy mình sắp được rời đi.
"Tôi nghĩ tệ nhất là không biết đến bao giờ thì được ra ngoài," - Chan chia sẻ. "Cảm giác giống như đang trở lại thời đi học, phải thức giấc, đi ngủ đúng giờ và không được tự quyết định thứ mình sẽ ăn."
Darry Chan - chàng trai trở về Hong Kong từ London và bị cách ly "không biết ngày về"
Hong Kong, Đài Loan và Trung Quốc đại lục hiện là những nơi hiếm hoi trên thế giới vẫn đang theo đuổi chiến lược "Zero Covid" - nghĩa là giữ nội địa sạch bóng ca nhiễm. Hong Kong hiện chỉ mở cửa di chuyển với đại lục, còn thế giới thì không. Nói cách khác, đa số những người không phải cư dân sẽ bị cấm nhập cảnh, và bất kỳ ai đủ điều kiện nhập cảnh sẽ phải trải qua thời gian cách ly kéo dài 21 ngày, kể cả khi họ đã tiêm chủng đủ 2 hoặc 3 mũi.
Đặc biệt, nhà chức trách Hong Kong xem những hành khách từ Anh Quốc là rủi ro lớn nhất do hiểm họa từ biến thể Omicron. Các hành khách từ Anh sẽ phải trải qua quy trình cách ly và xét nghiệm nghiêm ngặt hơn, bao gồm 4 ngày phải cách ly tập trung trong cơ sở của chính phủ.
Chan nằm trong nhóm này. Ngày 19/12, Chan trở về Hong Kong để nhận một công việc mới. Anh đã tiêm đến mũi thứ 3 và có chứng nhận xét nghiệm âm tính trước khi bay. Anh thậm chí đã chuẩn bị tinh thần để cách ly. Chỉ là, mọi chuyện không giống như anh tưởng tượng.
Ngay khi hạ cánh tại Hong Kong, Chan phải làm xét nghiệm Covid bắt buộc và chờ vài giờ đồng hồ tại sân bay. Kết quả trả về là "dương tính sơ bộ", cần phải làm thêm xét nghiệm. Sau đó, anh được chuyển đến khu vực được lợp bằng vải, với một chiếc giường tạm bợ.
"Thực sự là khá sốc. Tôi đã làm rất nhiều xét nghiệm trong tuần trước khi chuyến bay diễn ra, tất cả đều âm tính. Tôi không nghĩ rằng mình có thể dương tính ngay lúc hạ cánh."
13 tiếng sau khi hạ cánh, Chan được đưa đi bằng một chiếc xe cứu thương tới bệnh viện gần đó để làm xét nghiệm. Kết quả sau cùng, Chan được xác định đã nhiễm biến thể Omicron, dù không có triệu chứng.
"Tôi nghĩ kiểu 'Ôi trời, chuyện gì sẽ xảy ra tiếp đây'. Tôi có cảm giác bị mắc kẹt thực sự. Tôi không thể nói rằng mình sẽ lên một chuyến bay và đi đến nơi khác. Đơn giản là mắc kẹt ở đây thôi, và cảm giác khá là đáng sợ."
Tại Hong Kong, không chỉ các hành khách nước ngoài dương tính với Covid bị đưa vào bệnh viện. Thời gian gần đây, sau khi phát hiện ra một ổ dịch biến thể Omicron liên quan đến phi hành đoàn - cột mốc phá vỡ gần 3 tháng không có ca nhiễm - tất cả những ai nhiễm bệnh đều phải vào viện.
Trong khi đó, hàng trăm người, bao gồm 20 nhân viên nhà hàng tiếp xúc gần với phi hành đoàn, đã bị cách ly tập trung trong cơ sở của chính phủ. Bất kỳ ca dương tính nào sau đó cũng đều phải nhập viện. Ngoài ra, những ai từng ở chung khu vực với các ca nhiễm đều được yêu cầu làm xét nghiệm. Một số tòa nhà có liên quan đến ổ dịch cũng tạm thời bị phong tỏa để xét nghiệm hàng loạt.
Mắc kẹt trong bệnh viện
Nhà chức trách tại Hong Kong cho biết thời gian cách ly tối thiểu cho bất kỳ ai dương tính với Covid-19 (kể cả không triệu chứng) là lên tới gần 1 tháng. Họ sẽ phải lưu viện trong ít nhất 10 ngày, và sẽ không được phép rời đi cho đến khi xét nghiệm âm tính 2 lần liên tiếp, bất kể thời gian có kéo dài bao lâu.
Nhưng kết quả âm tính cũng không có nghĩa bạn được phép về nhà. Sau giai đoạn này, họ sẽ được đưa tới một cơ sở khác để cách ly trong vòng 14 ngày kế tiếp.
Suất ăn trong khu cách ly của Chan
Với Chan, khi tới bệnh viện, anh được đưa vào khu cách ly với 2 hành khách dương tính khác - tất cả đều nhiễm Omicron. Chan bị giam trong phòng 24/24, không được phép mở cửa đón gió hoặc ra ngoài tập thể dục.
Cuộc sống trong viện của Chan đều đều như vắt tranh. 8h sáng, anh bị đánh thức bởi tiếng chuông, kèm thông báo nhắc nhở kiểm tra lại các chỉ số cơ thể quan trọng khi nhiễm bệnh. Bữa ăn được đưa theo giờ cố định. Và suốt 1 ngày, Chan dành thời gian để trò chuyện với gia đình, bạn bè, hoặc xem phim trên Netflix.
"Tôi nghĩ thời điểm đầu và giữa giờ chiều là khó khăn nhất," - Chan nói tiếp. "Sáng thức dậy, bạn có thể kiểm tra email, lướt mạng xã hội. Nhưng sau giờ trưa, đó là lúc bạn tự hỏi mình nên làm gì."
Với Chan, các bác sĩ chăm sóc anh đều rất chuyên nghiệp, nhưng họ cũng không thể biết thời gian chính xác để anh được trả tự do. "Nó phụ thuộc vào thời điểm xét nghiệm không còn dương tính nữa, khi đó mới bắt đầu đếm được ngày."
Tra tấn tinh thần
Từ đầu đại dịch, Hong Kong đã xác nhận có 12.600ca nhiễm và 213 người tử vong. Nó thấp hơn rất nhiều thành phố khác có quy mô tương đương trên thế giới.
Nhưng bất chấp chiến lược Zero-Covid đã giúp bảo vệ họ khỏi thảm kịch quá tải y tế, Hong Kong hiện đang gặp khó vì sự chần chừ tiêm chủng. Các mũi tiêm tại đây đều miễn phí và dư dả cho bất kỳ công dân nào trên 3 tuổi. Nhưng đến lúc này, số người tiêm đủ 2 mũi tại khu vực 7,5 triệu dân mới chỉ ở mức dưới 70%. Trong đó, tỉ lệ tiêm chủng ở người già là đặc biệt thấp.
Khi tiêm chủng chưa thành công, Hong Kong đã phải dựa vào các quy tắc hạn chế phòng dịch, bao gồm hạn chế tụ tập, khẩu trang bắt buộc, lần vết, theo dõi, xét nghiệm các ca nghi nhiễm. Ngoài ra, họ đóng cửa biên giới và đưa ra quy định cách ly bắt buộc.
Nhưng dù đã thành công trong việc ngăn chặn Covid-19, các chuyên gia y tế cho rằng việc cách ly quá lâu sẽ mang đến tổn hại không nhỏ về tâm lý. "Về tổng thể, cảm giác bị cô lập sẽ tăng lên, cùng với đó là lo sợ và sang chấn," - trích lời Bác sĩ Elisabeth Wong tại Hong Kong.
Một khu cách ly tại Hong Kong (Trung Quốc)
Cũng theo Bác sĩ Wong, những người bị cách ly cần có những cách để giảm áp lực tâm lý. "Chẳng hạn, hãy làm cho lịch trình mỗi ngày trở nên rõ ràng. Bạn sẽ có thời gian nghỉ ngơi, thời gian làm việc, và thời gian tập thể dục. Ngoài ra thay vì nghĩ cách ly là một hình phạt, hãy xem đó là cách để giúp cộng đồng tốt hơn."
Nhưng với Chan, khi thời hạn cách ly chẳng có chút dấu hiệu nào của việc kết thúc, anh bắt đầu lo lắng.
"Tôi đã cố gắng giữ vững lý trí. Tôi sẽ không thay đổi được những gì đã xảy ra, chỉ có thể nhắm đến cách tiếp cận nó và những gì cần làm trong thời gian này."
Nguồn: CNN