Nút Like trên Facebook chắc chắn là không hồi sinh người được, nhưng nó lại có thể hồi sinh cả một ngôn ngữ đấy!
Hiện nay, nhiều thứ ngôn ngữ sắp biến mất trên thế giới đang hy vọng có thể hồi sinh nhờ Facebook.
Trong 3 tuần qua, nhiều chuyên gia của tiếng Corsican, một ngôn ngữ sắp tuyệt chủng đã cố gắng dịch thuật nhiều từ ngữ tiếng Anh phổ thông trên Facebook với hy vọng trang mạng xã hội này sẽ đưa thứ tiếng này vào tùy chọn ngôn ngữ.
Rất nhiều những từ ngữ như “bạn bè”, “thích” và “chọc” (Poke) đã được dịch thuật ra tiếng Corsican. Đây là một phần trong kế hoạch kéo dài 2 năm của khoảng 2.000 chuyên gia nhằm chuyển ngữ toàn bộ những từ tiếng Anh trên Facebook ra tiếng Corsican.
Mục địch chính của các chuyên gia là nhằm thuyết phục trang mạng xã hội số 1 thế giới đưa ngôn ngữ này vào tùy chọn để đảm bảo không bị tuyệt chủng.
Vào ngày 29/9 vừa qua, Facebook đã đồng ý đưa Corsican vào tùy chọn ngôn ngữ, nâng tổng số lựa chọn lên 101 thứ tiếng.
Theo nghiên cứu của UNESCO, hiện thế giới có hơn 6.000 thứ ngôn ngữ khác nhau và một nửa trong số đó có nguy cơ tuyệt chủng vào cuối thế kỷ này.
Thứ tiếng Corsican cũng dùng chung hệ thống chữ la tinh như tiếng Italia và được UNESCO xếp vào dạng cực kỳ nguy hiểm khi sắp tuyệt chủng, nghĩa là trẻ em trong cộng đồng không còn học thứ ngôn ngữ này như tiếng mẹ đẻ nữa.
Facebook cũng mới đưa thêm dịch vụ dịch 9 thứ tiếng cổ như Basque, Welsh, Tamazight... nhằm bảo tồn những ngôn ngữ này trước nguy cơ tuyệt chủng. Khoảng 9 thứ tiếng trong tình trạng nguy hiểm nữa cũng đang được xúc tiến dịch để đưa vào Facebook.
Trang mạng xã hội số 1 thế giới không thuê các kỹ sư để làm việc với từng cộng đồng và viết mã code cho từng ngôn ngữ. Phần lớn mảng dịch của Facebook được đóng góp từ các cộng đồng địa phương qua ứng dụng dịch.
Theo Facebook, dịch vụ này không phải chỉ để phục vụ mục đích kinh doanh mà còn muốn giúp đỡ mọi người chia sẻ, kết nối với thế giới thông qua ngôn ngữ.
Bên cạnh đó, Facebook cho biết họ có thể bảo tồn một số ngôn ngữ thêm qua vài thế hệ. Việc dịch những ngôn ngữ cổ sẽ khiến trang mạng này trở nên mới mẻ hơn bởi giới trẻ ngày nay chỉ thường giao lưu bằng những thứ tiếng thông dụng như tiếng Anh.
Facebook không phải công ty duy nhất muốn bảo tồn nhiều ngôn ngữ cổ. Những tập đoàn lớn như Microsoft hay Google cũng đang thực hiện các dự án tìm kiếm, sao lưu va dịch thuật các ngôn ngữ hiếm với một số thành công nhất định.
Một số cộng đồng địa phương cảm thấy buồn cười và thậm chí xấu hổ với chất lượng dịch tự động của các hàng công nghệ, nhưng nhiều người ngoài lại thấy ấn tượng với chúng.
Rõ ràng, nhiều hãng công nghệ ngày nay đang cố gắng vượt qua rào cản ngôn ngữ trong công nghệ với người dùng và không có hãng công nghệ nào muốn lạc hậu lại phía sau.