Nữ founder đi gọi vốn: Làm việc 16 tiếng/ngày liên tục trong vòng 3-4 năm vẫn bị coi là do “may mắn”?

22/05/2024 08:35 AM | Kinh doanh

Câu chuyện đi pitching của nữ founder Annie Vũ, Đồng sáng lập và là CEO nền tảng Tubudd khiến cả khán phòng ồ lên ngạc nhiên, song đó chỉ là một phần nhỏ trong những trở ngại cô phải đối mặt khi mới khởi nghiệp.

Ngày 22/5, Tọa đàm với chủ đề "Đầu tư vào Startups nữ trong quy mô nhỏ" nhằm kết nối các nhà sáng lập doanh nghiệp nữ với các quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Capital) được tổ chức với sự tham gia của các nữ founder startup (Nhà sáng lập), Các quỹ đầu tư vào startup và tổ chức Cộng đồng kết nối giữa hai bên.

Nữ founder đi gọi vốn: Làm việc 16 tiếng/ngày liên tục trong vòng 3-4 năm vẫn bị coi là do “may mắn”? - Ảnh 1.

Trong buổi thảo luận, các nữ founder đã cùng nói lên những thách thứcphụ nữ phải đối mặt khi khởi nghiệp hiện nay.

Với sự tham dự của chị Ha Dau – Co-Founder (Đồng sáng lập) Kids Online, Annie Vu – Co-Founder & CEO Tubudd và Diep Bui, Founder & CEO eJOY, cả ba nữ Founder đã có buổi trò chuyện chia sẻ về những khó khăn, thách thức mà phụ nữ phải đối mặt khi khởi nghiệp.

Với kinh nghiệm 10 năm trong việc khởi nghiệp và gọi vốn, chị Ha Dau quan sát thấy kỹ năng gọi vốn thành công của founder giờ không còn quá phụ thuộc vào sản phẩm và công ty. Hơn hết, nhà đầu tư coi trọng khả năng vượt khó, kỹ năng sáng tạo của các founder.

"10 năm trước, số lượng startup nữ rất ít, mà nữ đa số chỉ giữ vai trò vừa phải. Hiện nay, số lượng founder nữ gần như ngang bằng với nam. Ngày càng xuất hiện nhiều founder nữ với sự trưởng thành cao. Họ không còn gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa khởi nghiệp và gia đình", chị nhận xét.

Founder Annie Vu, người luôn khiến người tiếp xúc phải ấn tượng với nguồn năng lượng nhiệt huyết của mình, bày tỏ rằng khó khăn cô phải đối mặt là tìm được nhà đầu tư phù hợp với mình.

Khác với quan điểm của chị Ha Dau, Annie cho rằng nhà đầu tư rất cẩn trọng khi lựa chọn Founder để đầu tư. Các tiêu chí như founder là người như thế nào, ưu tiên ra sao, các chỉ số tài chính tốt không… đều sẽ được "cân đo đong đếm" rất kỹ lưỡng trước khi nhà đầu tư đưa ra quyết định.

Sau tất cả, Founder cần chứng minh mình là người phù hợp, hiểu rõ vị trí mình đang đứng ở đâu khi đi gọi vốn.

Theo Annie, có hai điểm Founder nữ khác biệt với nam ở chỗ:

Thứ nhất, nữ founder rất ngại rủi ro (risk – averse). Họ cân nhắc tất cả rủi ro có thể xảy ra, và đưa ra con số mà họ nghĩ là phù hợp với doanh nghiệp của họ thay vì đưa con số "trên trời".

Thứ hai, bên trong phụ nữ luôn cảm thấy mình chưa đủ tốt (hội chứng Imposter Syndrome). Họ gặp áp lực tâm lý và trở nên thiếu tự tin một cách vô thức. Chính điều đó khiến nhà đầu tư không đánh giá cao họ khi nhìn từ bên ngoài.

Trải qua nhiều năm trên thị trường, Annie nhận thấy những người phụ nữ thắng giải trong các cuộc thi pitching (thuyết trình ý tưởng) chỉ sau vài năm đều sẽ biến mất trên thương trường vì một lý do nào đó hoặc doanh nghiệp của họ không thành công.

Chia sẻ từ chính trải nghiệm cá nhân, Annie kể lại: "Trước đây tôi có tham gia cuộc thi pitching để gọi vốn, sau đó lọt vào top 10 nhưng bản thân tôi biết đó chỉ là vé "vớt". Sau đó, tôi cảm thấy bản thân mình không còn được hỗ trợ nên nhường lại phần thi cho Giám đốc công nghệ trong công ty. Anh rất kiệm lời, và chỉ nhận tài liệu cũng như nghe qua loa dặn dò từ tôi gần sát ngày thi. Chung cuộc, anh đạt giải nhì."

Câu chuyện của cô đã khiến cho tất cả mọi người sửng sốt. Nhưng đó cũng phần nào cho thấy nữ founder sẽ phải nhận sự đối xử không tương xứng khi tham gia khởi nghiệp.

Thời điểm đó, khi bình luận về thành tựu Annie đạt được, mọi người cho rằng cô "may mắn". Chỉ một cụm từ đó thôi cũng khiến cô đêm nằm mất ngủ. Cô tự hỏi, cô làm việc 16 tiếng/ngày trong vòng 3-4 năm liên tục, tại sao mọi người không nhìn ra đó là do khả năng của cô thay vì may mắn.

Chị Diep Bui, CEO nền tảng eJOY lại đưa ra một góc nhìn khác. Là một nữ founder trong mảng giáo dục, thách thức lớn nhất với chị khi đi gọi vốn là nỗi sợ những gì chị đang làm sẽ gây tác động xấu tới xã hội.

"Tôi không muốn mình phát triển quá nóng, để những triết lý về giáo dục của mình gây ảnh hưởng xấu tới những thế hệ tiếp theo. Khi nhà đầu tư đặt câu hỏi cho tôi như là nếu tôi bị thay thế hay lạc hậu, thì tôi thấy câu hỏi đó hợp lý. Sản phẩm giáo dục có thể tồn tại được lâu dài chứng tỏ đó là sản phẩm tốt và bền vững. Nếu nó dễ bị thay thế hay lạc hậu thì mình nên xem lại có nên làm sản phẩm đó hay không", Diep Bui cho hay.


Thanh Huyền

Cùng chuyên mục
XEM