NSƯT Tiến Hợi, người từng 40 lần đóng vai Bác Hồ qua đời bởi ung thư phổi di căn não: Cảnh báo những triệu chứng rất DỄ GẶP nhưng lại bị BỎ QUA
Các dấu hiệu của bệnh ung thư phổi di căn não đều không rõ ràng và thường bị nhầm lẫn với các bệnh lý đơn thuần khác nên thường không được quan tâm.
Ngày 10/2/2022, Nghệ sĩ trang điểm Vương Đạm Thủy - vợ NSƯT Tiến Hợi cho biết, chồng bà đã qua đời vào lúc 4h sáng cùng ngày tại Hà Nội sau thời gian bị bệnh. NSƯT Tiến Hợi tên thật là Nguyễn Văn Hợi (sinh năm 1959), là diễn viên sân khấu từng có nhiều năm công tác tại Nhà hát Kịch Hà Nội. Ông được xem là người thể hiện xuất sắc nhất hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên màn ảnh và sân khấu với hơn 40 lần đảm nhiệm trong suốt 34 năm hoạt động.
Theo chia sẻ của một số bạn bè thân thiết, nghệ sỹ Tiến Hợi qua đời sau một thời gian điều trị bệnh ung thư phổi di căn não. Đây là căn bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao nhưng các triệu chứng lại vô cùng "nghèo nàn'' nên ít ai để ý đến. Do đó, khi phát hiện bệnh thì cũng là lúc người bệnh đã ở giai đoạn muộn và các cơ quan bị di căn.
NSƯT Tiến Hợi- người từng 40 lần vào vai Bác Hồ. Ảnh: VietNam+
Theo PGS. TS Mai Trọng Khoa - Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, nguyên Giám đốc Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu, ung thư phổi là loại ung thư phổ biến nhất và cũng là ung thư gây tỷ lệ tử vong cao nhất trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc ở nam giới khoảng 29,6/100.000 người, đứng hàng thứ 2 trong ung thư ở nam giới, sau ung thư gan. Và là một trong 4 loại ung thư thường gặp nhất ở nữ giới với tỷ lệ mắc 7,3/100.000 dân.
Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới, ung thư phổi bao gồm hai nhóm là: ung thư phổi không phải tế bào nhỏ chiếm khoảng 85% và ung thư phổi tế bào nhỏ chiếm 15%. Trong đó, ung thư phổi tế bào nhỏ thường di căn mạnh và sớm hơn.
Triệu chứng ung thư phổi di căn não
Ung thư phổi giai đoạn tiến triển là thường di căn vào não, xương, tuyến thượng thận… Đặc biệt, khoảng 60-70% các trường hợp ung thư di căn não là từ ung thư phổi. Dưới đây là các triệu chứng điển hình mà người bệnh có thể gặp phải:
Đau đầu: Khoảng 40- 50% bệnh nhân ung thư phổi di căn não sẽ gặp phải triệu chứng này. Tỷ lệ đau đầu sẽ ngày càng tăng cao khi di căn đa ổ, kích thước u di căn lớn hoặc di căn não hố sau.
Đau đầu vào buổi sáng sớm không phổ biến; kèm theo các động tác làm tăng áp lực nội sọ như ho, hắt hơi; buồn nôn và nôn; khám thấy xuất hiện dấu hiệu thần kinh bất thường và triệu chứng nặng hơn trước.
Hội chứng tăng áp lực nội sọ: Đau đầu, buồn nôn, phù gai thị, rối loạn ý thức,...
Hình ảnh chụp khối u di căn trong não. Ảnh: BV Bạch Mai
Thần kinh khu trú: Biểu hiện trong khoảng 20- 40% bệnh nhân, gồm liệt vận động, rối loạn cảm giác, liệt dây thần kinh sọ, thất ngôn,...
Thay đổi tính cách, hành vi: Người bệnh thường cáu giận, hay quên... thường xuất hiện ở 30 đến 35% bệnh nhân.
Động kinh: Cơn động kinh mới khởi phát là triệu chứng biểu hiện trong 10 đến 20% bệnh nhân.
Đột quỵ: Khoảng 5-10% bệnh nhân có biểu hiện đột quỵ cấp do chảy máu trong khối di căn, tăng động, xâm lấn hoặc chèn ép động mạch bởi khối u hoặc huyết khối do tế bào u.
Sự phát triển của các khối u di căn
Ung thư phổi phát triển khi các tế bào tiếp tục nhân lên mà không chết đi. Các tế bào dư thừa sẽ hình thành khối u và khi phát triển, khối u lây lan tế bào ung thư đến các khu vực khác. Tức là ung thư trở thành di căn.
Tế bào ung thư di căn bằng hai cách: một là xâm nhập vào các mô lân cận, hai là tách ra khỏi khối u và lây lan theo đường máu hoặc hạch bạch huyết tới các bộ phận khác trong cơ thể. Trong đó, di căn não là một trong những yếu tố tiên lượng xấu nhất của ung thư phổi. Nếu không được điều trị đặc hiệu thì thời gian sống thêm của bệnh nhân trung bình là 1-2 tháng.
Theo BS Mai Trọng Khoa, ung thư phổi là bệnh lý rất ác tính nhưng khi chẩn đoán đúng giai đoạn bệnh và phối hợp nhiều phương pháp điều trị thích hợp thì bệnh vẫn có thể thuyên giảm, bệnh nhân vẫn có cuộc sống bình thường.
Tổng hợp