Mẹ lây siêu vi khuẩn gây ung thư dạ dày sang cho con chỉ bởi hành động ai cũng từng làm một lần
Nếu người lớn nhai, mớm thức ăn cho con sẽ dễ khiến trẻ bị nhiễm viêm gan, viêm màng não hoặc vi khuẩn HP. Trường hợp không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới ung thư dạ dày.
Trước đó, tại Hà Nội đã từng ghi nhận trường hợp bé trai 6 tuổi (trú ở quận Hoàng Mai) bị lây nhiễm vi khuẩn HP từ bà. Nguyên nhân xuất phát từ việc bà nội bé có tiền sử mắc viêm loét dạ dày nhưng lại thường xuyên nhai, mớm cơm cho bé ăn. Điều này vô tình khiến bé bị nhiễm vi khuẩn HP lúc nào không biết.
Một năm sau đó, bé trai có biểu hiện nôn khan, da xanh xao, gầy, đi ngoài phân đen nên được cha mẹ đưa tới khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Kết quả nội soi cho thấy, bé bị viêm toàn bộ niêm mạc dạ dày, sần hạt dạ dày, hành tá tràng, dương tính với vi khuẩn HP.
HP là tên viết tắt của vi khuẩn Helicobacter Pylori, một loại vi khuẩn Gram âm, hình xoắn sống trong lớp chất nhầy bao phủ niêm mạc dạ dày của con người. Vi khuẩn này gây ra tình trạng viêm dạ dày, nguy cơ cao dẫn đến ung thư dạ dày.
Vi khuẩn HP có thể gây ung thư dạ dày
Trả lời trên Zingnews, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Cẩm Tú, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết:
"Vi khuẩn HP có điểm đặc biệt là sống trong môi trường dạ dày. Môi trường dạ dày có nồng độ axit rất cao để làm hàng rào bảo vệ cơ thể. Tuy nhiên, vi khuẩn HP lại rất thích môi trường axit này. Chúng có thể gây viêm loét niêm mạc dạ dày – tá tràng. Nếu nhiễm vi khuẩn HP, tỷ lệ mắc ung thư dạ dày sẽ cao hơn 6 lần so với thông thường".
Ở các nước Đông Nam Á, tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP khoảng 55-60%. Tỷ lệ trẻ mắc vi khuẩn này khá cao, nhất là các bé trong giai đoạn ăn dặm từ 2-6 tuổi.
Cùng trao đổi về vấn đề này, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, tại Việt Nam, nhóm trẻ dưới 8 tuổi nhiễm HP lên đến hơn 80%. Đáng nói, một phần nguy cơ nhiễm HP lại đến từ hành vi ít ai ngờ tới đó là thói quen hôn môi, mớm cơm cho trẻ của người lớn mang mầm bệnh.
Các con đường lây nhiễm vi khuẩn HP
Lây nhiễm qua đường miệng – miệng: Đây được coi là phương thức chủ yếu làm lây nhiễm vi khuẩn HP. Do vi khuẩn HP tồn tại trong dịch vị dạ dày, nước bọt, mảng bám răng nên chúng được lây truyền từ người này sang người khác khi dùng chung bát đũa, chung bàn chải đánh răng, khi hôn, khi mẹ mớm cơm cho con.
Việc hôn, mớm cơm cho trẻ không chỉ làm lây HP mà còn gây ra nguy cơ nhiễm các bệnh khác như: bệnh viêm gan; bệnh lỵ amip; bệnh viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu; bệnh mononucleosis.
Lây nhiễm qua đường phân – miệng: Vi khuẩn HP sẽ được cơ thể đào thải ra ngoài môi trường qua đường phân. Vì vậy, sau khi đi đại tiện hay trước khi ăn, người bệnh cần chú ý nhớ rửa tay bằng xà phòng để tránh nhiễm vi khuẩn HP.
Nhai, mớm cơm hoặc hôn trẻ đều có thể làm lây nhiễm vi khuẩn HP
Lây nhiễm qua đường dạ dày – miệng: Vi khuẩn HP thường trú ngụ và phát triển trong dạ dày, nên khi người bị nhiễm khuẩn HP xuất hiện tình trạng trào ngược dạ dày hay ợ chua sẽ là con đường vận chuyển HP lẫn chung với dịch dạ dày lên miệng.
Lây nhiễm qua đường dạ dày – dạ dày: Trong trường hợp này, người khỏe mạnh có nguy cơ nhiễm khuẩn HP thông qua các dụng cụ, thiết bị y tế khi tiến hành nội soi dạ dày. Khi tiến hành nội soi dạ dày, nếu đầu dò không được vệ sinh khử trùng đúng tiêu chuẩn thì vi khuẩn HP có thể bám lại và thâm nhập vào cơ thể người thực hiện nội soi tiếp theo.
Biểu hiện của trẻ khi nhiễm HP
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến – Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trẻ nhiễm vi khuẩn HP thường có các triệu chứng như: Khó tiêu, buồn nôn, nôn, chán ăn, chậm lớn, thậm chí nôn ra máu hoặc đại tiện ra phân đen, hôi. Nguy hiểm hơn, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, trẻ dễ gặp biến chứng viêm loét dạ dày, tá tràng cấp và mạn tính, lâu dài dẫn đến nguy cơ ung thư.
Song, các biểu hiện này hầu như khá phổ biến ở tuổi nhỏ nên phụ huynh dễ dàng bỏ qua hoặc tự ý mua kháng sinh cho con uống. Dẫn đến bệnh của trẻ không thể điều trị dứt điểm và tái nhiễm nhiều lần. Vì vậy, khi thấy trẻ có những biểu hiện bất thường, cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện để được thăm khám và chữa bệnh kịp thời nhất.
Tổng hợp