NÓNG: Đây là loại thảo dược tuyệt đối không cho bệnh nhân Covid-19 xông trực tiếp vào cơ thể để tránh bị mất nước

22/02/2022 19:23 PM | Sống

Xông hơi bằng những loại thảo dược tự nhiên như chanh, xả, gừng rất tốt nhưng riêng với bệnh nhân Covid-19 thì không nên.

Trước tình hình dịch Covid-19 tăng nhanh như hiện nay, các F0 sẽ được khuyến cáo điều trị tại nhà do số lượng bệnh nhân tại các bệnh viện đều quá tải. Do đó, rất nhiều cách chữa bệnh đã được lan truyền trên mạng xã hội hoặc truyền tai nhau mà không hề được các bác sỹ kiểm chứng.

Đơn cử như việc sử dụng thảo dược để xông hơi với mặc định: "Cứ xông là diệt virus". Người dân thường đun một nồi nước xông thật lớn, cho vào phòng kín hoặc chùm chăn kín cơ thể để xông hơi với thời gian 15-20 phút. Thậm chí, một ngày có thể xông đến vài lần mà không hề biết việc làm đơn giản này lại mang tới hệ luỵ không hề nhỏ.

NÓNG: Đây là loại thảo dược tuyệt đối không cho bệnh nhân Covid-19 xông trực tiếp vào cơ thể để tránh bị mất nước - Ảnh 1.

BSCK I Chu Quang Liên, Trưởng khoa Nội - Hồi sức cấp cứu- Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc

BSCK I Chu Quang Liên, Trưởng khoa Nội - Hồi sức cấp cứu- Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc cho biết: "Bệnh nhân mắc Covid-19 có thể sử dụng gừng, xả, tỏi, tía tô, kinh giới, lá bưởi hoặc các tinh dầu có hương bạc hà,...để xông phòng và tuyệt không nên xông trực tiếp vào cơ thể vì có thể xảy ra tình trạng đổ mồ hôi, mất nước cơ thể. Ngoài ra, phụ nữ có thai, trẻ em dưới 30 tháng tuổi có tiền sử sốt cao, co giật động kinh cũng không nên xông".

Cũng theo bác sỹ Liên, tuỳ vào từng triệu chứng cơ thể mà người bệnh có thể sử dụng kèm các loại thuốc khác nhau theo chỉ định của bác sỹ. Chẳng hạn, khi sốt từ 38,5 độ trở lên thì dùng thuốc hạ sốt có chứa thành phần paracetamol với liều dùng từ 10 - 15mg/1kg cân nặng. Thời gian từ 4 - 6 giờ/1 viên nếu sốt lại.

Đồng thời, uống kèm các loại vitamin C, vitamin tổng hợp; ăn uống đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Thường xuyên dùng nước muối sinh lý để súc họng; mỗi ngày tập thể dục nhẹ nhàng, tập hít thở khoảng 30 phút. Khi thấy những dấu hiệu bất thường cần nhanh chóng báo nhân viên y tế để có phương án xử lý kịp thời.

Trước đó, theo hướng dẫn tạm thời sử dụng y dược học cổ truyền để phòng, chống dịch Covid-19 do Bộ Y tế ban hành hồi tháng 9/2021, người bệnh có thể dùng các loại thuốc, tinh dầu có tác dụng phương hương hóa thấp để xông phòng ở, nơi làm việc.

NÓNG: Đây là loại thảo dược tuyệt đối không cho bệnh nhân Covid-19 xông trực tiếp vào cơ thể để tránh bị mất nước - Ảnh 2.

Chỉ dùng thảo dược để xông phòng chứ không được phép xông thẳng vào người. Ảnh minh hoạ

Phương pháp 1: Sử dụng các nguyên liệu gồm hoắc hương, sả, chanh, bạc hà, húng quế, gừng, tỏi, lá bưởi, kinh giới, tía tô, tràm gió... Theo khuyến cáo, các F0 có thể dùng một loại hoặc phối hợp nhiều loại dược liệu, mỗi loại 200g-400g, tuỳ theo diện tích phòng. Sau đó, người bệnh cho dược liệu vào nồi, đổ nước ngập dược liệu, đậy nắp nồi, đun sôi lăn tăn, mở nắp để hơi nước bão hoà tinh dầu khuếch tán ra không gian phòng, tiếp tục đun sôi nhỏ thêm 30 phút, đóng cửa phòng khoảng 20 phút. Ngày làm hai lần, sáng và chiều.

Phương pháp 2: Sử dụng các nguyên liệu như tinh dầu hoắc hương, sả, chanh, bạc hà, hương nhu, bưởi, tràm, quế... được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành. Tuỳ theo diện tích phòng (10 - 40m2), người bệnh lấy lượng tinh dầu phù hợp (2 - 4ml), hoà tan tinh dầu trong ethanol 75%, lắc đều, cho vào bình xịt phun sương, xịt quanh phòng, đóng cửa phòng khoảng 20 phút, ngày xịt 2 đến 3 lần.

Bộ Y tế lưu ý, không được xông trực tiếp vào người, không xông tinh dầu trong phòng ngủ có trẻ em dưới 30 tháng tuổi, trẻ em có tiền sử co giật do sốt cao, động kinh, người có dị ứng với tinh dầu.

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM