Nông dân bỏ thôn quê, bão lũ càn quét: Những cánh đồng ngô ở TQ "hẩm hiu" vì không có người thu hoạch

01/10/2020 08:37 AM | Xã hội

Trung Quốc từ lâu đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường phương thức canh tác tự động nhưng điều này không phải lúc nào cũng thay thế cho sự thiếu hụt của nhân công ở nông thôn.

Thiếu lao động nghiêm trọng

Nông dân ở tỉnh Hắc Long Giang, đông bắc Trung Quốc cứ đến vụ thu hoạch mùa thu lại phải đối mặt với một vấn đề nan giải. Đó là tình trạng thiếu người lao động. Một nông dân họ Xu đến từ huyện Acheng ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ của tỉnh Hắc Long Giang, cho biết: "Hiện nay, rất khó tìm được người làm nông nghiệp. Trong làng còn rất ít người trẻ tuổi, họ thường thích đến các thành phố tìm việc làm hơn là ở nhà làm nông".

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế như vũ bão và tốc độ đô thị hóa đáng kinh ngạc trong suốt 4 thập kỷ qua tại Trung Quốc, hàng trăm triệu người đã rời bỏ nông thôn và di cư đến các khu vực thành thị để kiếm việc được trả lương cao hơn, khiến dân số trong độ tuổi lao động ở vùng nông thôn ngày càng thu nhỏ.

Chính phủ trung ương từ lâu đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường phương thức canh tác tự động, bao gồm cả việc nâng cấp máy móc để cho phép sản xuất nông nghiệp quy mô lớn với các loại cây trồng chất lượng cao hơn và đòi hỏi ít nhân công hơn. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng thay thế cho sự thiếu hụt của nhân công ở nông thôn.

Ảnh hưởng của 3 trận bão gần đây và lũ lụt trên diện rộng ở Hắc Long Giang - tỉnh trồng ngô lớn nhất Trung Quốc và là tỉnh đi đầu trong cơ giới hóa trang trại - đã càng nêu bật tình trạng thiếu hụt lao động nông thôn và những lo ngại về thiếu nguồn cung ngũ cốc.

 Nông dân bỏ thôn quê, bão lũ càn quét: Những cánh đồng ngô ở TQ hẩm hiu vì không có người thu hoạch - Ảnh 1.

Vụ mùa bị ảnh hưởng do bão. Ảnh: Orange Wang

Các cơn bão đã san phẳng phần lớn vụ ngô của tỉnh và khiến việc thu hoạch ngô bằng máy không thể thực hiện được ở một số khu vực càng làm tăng thêm lo ngại về năng suất thấp hơn ở một trong những trung tâm nông nghiệp của quốc gia đông dân nhất thế giới.

"Máy móc không thể làm thay thế cho con người một số công việc. Vì vậy, tôi vẫn phải cần phải thuê thêm người lao động. Nhưng tôi không thể tìm đủ nhân công," ông Xu cho biết thêm, sự thiếu hụt người lao động này đã dẫn đến chi phí nhân công tăng cao, vượt quá khả năng chi trả của nhiều hộ nông dân có quy mô sản xuất nhỏ.

Những người dân này không còn cách nào khác buộc phải tiếp tục sử dụng máy móc để thu hoạch những cánh đồng ngô bị ảnh hưởng do bão, mặc dù nếu làm vậy sẽ không thể thu hoạch được nông sản ở một số khu vực.

Làn sóng dịch chuyển

Một người nông dân khác mang họ Zhao ở quận Longjiang cách 350 km về phía tây bắc, cũng bày tỏ sự lo ngại về vấn đề thiếu công nhân trong các trang trại do tiền lương tăng cao. Nếu chỉ dựa vào người lao động cho vụ thu hoạch mùa thu, ông Zhao sẽ cần thuê ít nhất 10 nhân công và trả cho mỗi người từ 170 - 180 NDT/ ngày, cộng với tiền ăn trưa và tiền thuốc lá.

Ông Zhao đang sở hữu 13,3 ha ngô, phần lớn diện tích đất này ông thuê từ những người dân làng đã đi lên thành phố để tìm việc. Theo dữ liệu từ văn phòng thống kê địa phương, dân số vùng nông thôn ở quận Long Giang đã giảm 2.568 người vào năm 2018 so với một năm trước, trong khi tổng số cư dân thành thị và nông thôn giảm 3.085 người xuống còn 580.847 người.

Dữ liệu của chính phủ cho thấy, 3 tỉnh đông bắc của Trung Quốc là Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh đều chứng kiến mức giảm dân số tương tự, với tổng số 331.300 người đi khỏi các khu vực này trong năm ngoái.

Từng là trung tâm của ngành công nghiệp, 3 tỉnh này hiện đang được biết đến với tên gọi "Vành đai gỉ sét" của Trung Quốc do không thể chuyển đổi nền kinh tế thoát khỏi sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên địa phương đang cạn kiệt.

Theo Cục Thống kê Quốc gia (NBS), dân số nông thôn Trung Quốc về tổng thể đã giảm 12,39 triệu người xuống còn 551,62 triệu người vào năm 2019 và hiện chiếm 39,4% tổng dân số cả nước, giảm mạnh so với 89,36% của 7 thập kỷ trước.

Vùng nông thôn trong nhiều thập kỷ là nguồn cung cấp lao động nhập cư giá rẻ cho các nhà máy ở thành phố, nhưng điều này đã dẫn đến chế độ phúc lợi và phân bổ nguồn lực ít hơn cho các khu vực nông thôn, kéo theo khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn.

Cũng theo NBS, thu nhập khả dụng bình quân đầu người của cư dân nông thôn là 6.682 NDT trong nửa đầu năm nay, chỉ bằng 34% thu nhập ở khu vực thành thị. Khi đại dịch COVID tàn phá nền kinh tế Trung Quốc hồi đầu năm khiến nhiều nhà máy ngừng hoạt động sản xuất, nhiều công nhân nhập cư đã buộc phải quay trở về quê.

Bộ Nông nghiệp và Nông thôn cho biết vào cuối năm ngoái, trước khi đại dịch bùng phát, một số lượng nhỏ lao động nhập cư – ước tính khoảng 8,5 triệu người - đã bắt đầu "trở về quê nhà để khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo". Nhưng khi ở quê nhà, những người này vẫn phải đối mặt với những thách thức tìm việc làm tương tự như trên thành phố.

Ông Zhao, đến từ quận Long Giang, đã làm thêm cả công việc bán bảo hiểm vì không kiếm đủ tiền từ việc làm nông. "Một năm tôi trồng trọt trên 8,7 ha đất nhưng lỗ tới 50.000 NDT, và vẫn có khả năng thua lỗ trong một năm được mùa," ông Zhao nói.

Mặc dù giá ngô năm nay tăng cao, ông Zhao cho biết ông không được hưởng lợi nhiều vì cơn bão đã làm giảm sản lượng đi nhiều, đồng nghĩa với việc các thương lái địa phương sẽ giảm giá thu mua.

Ông Yang Baolong, chủ tịch Hiệp hội đậu tương Trung Quốc và tổng giám đốc tập đoàn Beidahuang Group, tập đoàn nông nghiệp và kinh doanh nông nghiệp lớn nhất Trung Quốc, cho biết đại dịch COVID và bão lụt là một hồi chuông cảnh tỉnh cho những yếu kém của ngành nông nghiệp nước này. "Các ngân hàng nông nghiệp không còn tập trung vào các khoản vay cho nông dân. Trợ cấp nông nghiệp không đến được tay nông dân. Các trường đại học nông nghiệp tập trung vào đào tạo lĩnh vực tài chính kế toán thay vì trồng trọt, xới đất và làm vườn," ông Baolong nói. "Ngay cả kênh truyền hình chuyên về nông nghiệp cũng thường xuyên phát quảng cáo về bất động sản".

Thu Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM