Nông dân triệu đô Huy "chuối": Từ kiệt sức vì trồng mía sai cách đến vùng canh tác 1.000ha đất trên 6 tỉnh
Hơn 40 năm gắn bó với nông nghiệp, 25 lần thay đổi cây con, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty Huy Long An đã đưa thương hiệu chuối Fohla ra thị trường khó tính của thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, ...
Trong talkshow "Nguy - Cơ" do Vnexpress tổ chức mới đây, tỷ phú nông dân, ông Võ Quan Huy, hay còn được gọi bằng cái tên Út Huy hoặc Huy chuối nói: "Làm nông nghiệp , bản lĩnh của mình luôn phải cứng như đá, nghĩa là lúc nào cũng phải trong tư thế sẵn sàng đối mặt với khó khăn".
Ông Võ Quan Huy là người đi khai hoang nổi tiếng ở vùng Nam Bộ. Ông canh tác khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp ở 6 tỉnh khác nhau. Ông được xem là đại diện cho thế hệ nông dân “lái xe hơi” thăm đồng thay vì máy cày hay con trâu thuở xưa.
40 năm làm nông nghiệp với việc trải qua canh tác, nuôi đến 25 loại cây con, đã giúp ông trở thành người nông dân dày dặn kinh nghiệm. Sự tìm tòi, học hỏi, kiên trì đã giúp thương hiệu cuối FOHLA (mà theo ông giải thích chính là viết tắt của Fruit of Huy Long An) đến các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore...
Khởi nghiệp từ cây mía và sự kiệt sức trước những năm 2000
“Cuộc đời làm nông nghiệp của tôi khởi nghiệp từ cây mía. Tôi trồng mía ở Tây Ninh, sau đó ở Bình Dương. Ở Bình Dương, có lần mía bị hư, tôi mắc nợ. Sau đó, mía ở Bình Dương khắc phục được thì tôi bắt đầu khai phá ở quê hương Long An”, ông Huy kể.
Ông Huy từng chia sẻ, năm 1982, ông lên Sông Bé (Bình Dương) nhận khoán 80 ha đất ở Tân Uyên trồng mía cho nhà máy đường Bình Dương. Mía chết sạch vì làm không đúng kỹ thuật. Nhiều người tham gia với ông phải bỏ của chạy lấy người.
"Đây là một trong những khoảng thời gian khó khăn nhất. Tiền mua gạo cũng không có, phải mua thiếu, ăn trước trả sau. 6 năm sau mới trả xong nợ nhà máy", ông Huy nhớ lại.
Trải qua nhiều thăng trầm, đến khi có của ăn của để, ông quyết định trở về quê hương Long An, ông Huy mong muốn cải tạo đất phèn, biến vùng đất phèn thành vùng cây trù phú.
Tuy nhiên, “việc cải tạo đất phèn không dễ dàng chút nào”, ông thừa nhận. Đất nhiễm phèn quá nặng, ông thất bại và cảm thấy kiệt sức. Tuy nhiên, một trong những người bạn của ông đã động viên để ông tiếp tục gắn bó với sự nghiệp "cây con".
"Lúc đó tôi được ông Tạ Tuyết, Giám đốc công ty đường Hiệp Hoà, Long An, động viên tôi tiếp tục, hứa cho giãn nợ và đầu tư thêm. Tôi bắt tay vào xây dựng hệ thống đê bao chống lũ, rửa phèn, cơ giới hoá... nhờ nó mà năm 2000 có trận lũ lớn, mọi thứ đều bị cuốn trôi, nhưng trang trại mía của tôi không hề gì”, ông Huy từng kể với báo giới.
Để cải thiện tình hình, ông phải tìm cây, con khác ngắn ngày. Vùng đất phèn ngày nào đã biến thành vườn cây trái xum xuê, trù phú như ngày hôm nay. “Đó là niềm vui sau bao năm chiến đấu gian nan”, ông Huy kể.
Sự khó lường của thị trường
Trong những tháng đầu năm nay, ông Huy cho rằng thị trường nông sản chưa thực sự ảm đạm, bởi lương thực thực phẩm là nhu cầu thiết yếu, sức mua không bị ảnh hưởng nhiều. Khách hàng chuyển đổi từ giao dịch trực tiếp sang kênh điện tử, đồng thời tiếp tục mua hàng trên những kênh phân phối sẵn có. Doanh nghiệp của ông vẫn ổn vì các kênh đã chạy sẵn.
Thời gian sau này việc sản xuất bắt đầu khó hơn trước. Cụ thể, bắt đầu từ tháng 6 - 7, mọi thứ khó lường đến mức kinh nghiệm bao năm lăn lộn thương trường không giúp ông Huy đánh giá xu hướng tiếp theo của thị trường.
"Từ con tôm, trái chuối, trái thanh long, dưa hấu... xuất khẩu theo đường tiểu ngạch. Lúc đó,trái dưa hấu không thể để quá lâu do quy định về kiểm soát dịch bệnh. Bình thường nếu như trước đây một ngày đi được 1.000 container tại cửa khẩu thì lúc đó chỉ còn 500 container mà thôi. Đó là những thứ khó lường, không ai biết trước được.", ông Huy nói.
Đứng trước những khó khăn này, CEO Huy Long An cho rằng phải có kế hoạch sản xuất, thu hoạch và thị trường một cách chi tiết, bám sát tình hình. Đối với những nhân sự trẻ của doanh nghiệp, ông Huy yêu cầu theo dõi sát sao mọi thông tin để, liên tục cập nhật tình hình để nắm bắt được những thay đổi của thị trường.
40 năm làm nông nghiệp, Covid-19 không phải là thách thức duy nhất, mà nông dân triệu đô này đã trải qua rất nhiều trở ngại. Khi gặp chướng ngại vật, sự bản lĩnh, ý chí con người, sự phân tích và quyết tâm té đâu đứng lên ở đó là rất quan trọng. Phải đưa ra nhiều giải pháp và chọn giải pháp phù hợp với tình hình.
Xuất khẩu chuối cho Nhật: Đừng nản khi tiếp họ không dưới 5 lần
Chia sẻ về thành công trong việc xuất khẩu, ông Huy cho biết doanh nghiệp đang xuất hai loại trái cây chính. Trong đó, bưởi bán nội địa hoặc xuất khẩu qua đường tiểu ngạch. Chuối xuất khẩu trên 95% sản lượng.
Ông Huy trong vườn chuối ở Tây Ninh. Ảnh: Đỗ Lan
Về chuyện xuất khẩu chuối sang Nhật, ông Huy kể rằng sự minh bạch trong nhật ký sản xuất là vô cùng quan trọng.
Tại Huy Long An, quy trình hay nhật ký sản xuất chuối đều tuân theo quy trình VietGap. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, ngay trong vụ chuối thu hoạch đầu tiên, ông Huy đã xuất khẩu cho khách hàng Nhật. "Đừng nản lòng vì chúng ta không thể tiếp khách Nhật Bản dưới 5 lần mà phải 5-7 lần mới có thể thu được kết quả", ông Huy nhận định.
Hệ thống ròng rọc trong vườn chuối ở Tây Ninh của Công ty Huy Long An. Ảnh: Đỗ Lan
Để có được những thành quả trên, ông không ngừng học hỏi. Ông học từ nông dân, học sự nhanh nhạy của các bạn trẻ.
“Về việc nuôi bò, có dịp tôi đi Australia, Phillipines xem họ nuôi bò như thế nào, qua Indonesia xem họ làm trại vỗ béo ra sao. Đối với cây chuối, tôi đi đến những vùng được coi là cái nôi trồng chuối của Việt Nam, ví dụ Trảng Bom, Đồng Nai nơi trồng chuối lâu đời, hoặc Lâm Đồng cũng có trang trại chuối xuất Nhật", ông Huy nói về sự học của mình.
Cách học của ông là tới tận nơi, đo vẽ, ghi chép. Tối về, ông vẽ lại, ghi chép lại, xem có gì thắc mắc thì ngày mai hỏi tiếp. Theo ông đó là cách học nghề “chắc ăn”.
Ông Huy kể rằng với mỗi cây, mỗi con mà ông đã trồng, nuôi thì ông đều có những người thầy. Ông học từ thực tế rất nhiều.
Với những người trẻ muốn khởi nghiệp nông nghiệp, ông Huy cho rằng, làm nông không giống như hình vẽ, không phải bài toán có sẵn mà cần thêm bớt. Do đó, nên học hỏi người đi trước.
Và sự trui rèn ý chí là rất quan trọng. Làm nông nghiệp luôn tiềm ẩn những khó khăn và khó khăn nhất là thời tiết và dịch bệnh. Do đó, luôn phải thủ 36 kế để ứng phó với những thách thức.