Nỗi niềm phòng gym mùa Covid: PT với nghề tay trái hái ra tiền, học viên muôn hình vạn trạng từ hệ "ăn chay" cho đến "ăn buffet" đều đủ cả

04/03/2021 07:57 AM | Xã hội

Đi tập gym đang ngày càng trở nên phổ biến, đối với các PT trong những phòng tập tư nhân, việc dạy bài bản những bài tập là điều cơ bản. Nhưng ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, ngày càng có nhiều người theo hệ "đến điểm danh mà không tập thể dục".

Khi bước vào phòng gym, ấn tượng đầu tiên có lẽ chính là những linh hồn của phòng tập - huấn luyện viên (HLV) thể hình cá nhân hay còn gọi là PT (Personal Trainer). Họ sở hữu hình thể hết sức cuốn hút với chiều cao khá lý tưởng, mặc bộ quần áo riêng biệt có gắn tên và logo của nơi làm việc. Ngày nay, do nhu cầu đa dạng của khách hàng và biến động của ngoại cảnh, các PT cũng phải "linh hoạt" hơn trước.

Nghề tay trái hái ra tiền

"Vào cuối tháng 1/2020, dịch bệnh bắt đầu bùng phát ở Trung Quốc, tôi và 1 vài người bạn đang đi du lịch ở Thái Lan. Ban đầu, học viên nhờ tôi mua 1 ít khẩu trang. Kết quả sau 2 tuần nghỉ dưỡng, tôi đã mang về trên dưới 5.000 chiếc, và tất cả đều đã được bán hết. Tôi không nhớ chính xác mình đã kiếm được bao nhiêu tiền, nhưng về cơ bản thì các khoản chi tiêu ở Thái Lan đã được 'hoàn vốn' ngoạn mục." - Anh Trương - PT tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc - cho biết.

Khi trở lại Thượng Hải vào đầu tháng 2/2020, do dịch bệnh chưa chấm dứt nên phòng tập phải tạm thời đóng cửa. Lúc bấy giờ vé rất rẻ, sau nhiều lần đắn đo, anh Trương đã quyết định đi Thái Lan thêm 1 chuyến. Nhưng lần "buôn bán" thứ 2 không "bội thu" như lần đầu.

Nỗi niềm phòng gym mùa Covid: PT với nghề tay trái hái ra tiền, học viên muôn hình vạn trạng từ hệ ăn chay cho đến ăn buffet đều đủ cả - Ảnh 1.

Để giúp học viên có thêm động lực tập tành, "biến hình" thành diễn viên Bành Vu Yến chỉ là chuyện nhỏ

Trong khoảng thời gian 2 tháng khi phòng tập đóng cửa, các PT sẽ làm công việc gì khác? Theo anh Trương cho biết thì công việc được nhiều người lựa chọn nhất là giao đồ ăn.

"Hầu hết những PT mà tôi biết đều giống tôi, họ làm việc lâu năm, ít có người chịu chuyển nghề, phần lớn là kiếm việc gì đó làm tạm thời cho qua thời gian để bù vào các chi phí khác."

Giao đồ ăn nhanh là lựa chọn số 1, bởi yêu cầu công việc không cao mà thu nhập lại khá ổn. Hơn nữa, lương ngày nào thanh toán ngày ấy, chăm chỉ "cày cuốc" 10 ngày cũng kiếm được 3.000 tệ (tương đương 10,6 triệu đồng).

Hầu hết các phòng tập ở Trung Quốc mở cửa trở lại vào cuối tháng 3, đầu tháng 4, nhưng tháng đầu tiên hầu như không có ai đến tập, đến tháng 5 mới bắt đầu có người đến đăng ký. Tuy nhiên, bởi dịch bệnh mà phòng tập gym mới có thêm 1 "điểm ăn khách", đó là khiến nhiều người chú trọng tập thể dục hơn, dẫn đến học viên cũng gia tăng. Tuy nhiên, người đến thì nhiều mà tập lại ít.

Chốn thiên đường cho hội FA

Phòng tập gym còn là nơi "giao lưu tình cảm" lý tưởng cho những ai còn độc thân vui tính. 1 đồng nghiệp của anh Trương đã từng gặp phải trường hợp học viên đăng ký lớp học, ban đầu rất hăng hái, nhưng khoảng 20 ngày sau thì đối phương ngỏ ý "tiến tới". Nếu chàng PT từ chối "phát triển" thì cô học viên kia sẽ chấm ngay "1 điểm về chỗ".

"Đến giờ đồng nghiệp đó đã không còn làm ở chỗ tôi nữa, lúc nghỉ việc cậu ấy vẫn còn ấm ức lắm. Kinh nghiệm xương máu để gây ấn tượng với học viên đó là 'đừng cố tỏ ra thật chuyên nghiệp' làm gì." - Anh Trương nói thêm.

Nỗi niềm phòng gym mùa Covid: PT với nghề tay trái hái ra tiền, học viên muôn hình vạn trạng từ hệ ăn chay cho đến ăn buffet đều đủ cả - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Anh chàng PT cho biết, nếu làm cho học viên bị thương và bị nộp đơn khiếu nại, PT sẽ bị trừ điểm, ảnh hưởng tới uy tín.

"Tôi đã làm PT được gần 2 năm, theo thống kê của tôi thì chỉ có 1 tỷ lệ nhỏ học viên thực sự muốn tập luyện bài bản và chuyên nghiệp. Hầu hết mọi người mua lớp học chỉ để tìm 1 cái cớ để vận động cơ và xương của họ. Quan trọng hơn là người ta cần tìm người trò chuyện, thư giãn." - Anh Trương tiếp tục giải thích.

Các thể loại học viên phòng tập

Theo chia sẻ của anh Trương, người có kinh tế chưa chắc đã "chốt" ngay 1 khoá học bằng người mắc chứng "sợ xã hội". Nói cách khác, những kiểu học viên đó tiêu tiền để tìm 1 người lạ không quen biết họ, đồng thời cũng phải đáng tin cậy để "trút bầu tâm sự".

"Tôi có ấn tượng sâu đậm với 1 học viên, anh ấy là lập trình viên. Ban đầu, anh ấy rất khó nói chuyện, bẵng đi nửa năm sau bỗng nhiên mua 200 buổi học, tổng giá trị khoảng 40 nghìn tệ (tương đương 141,7 triệu đồng). Sau đó tôi mới biết học viên đó thấy tôi trụ lại phòng tập bền bỉ nên mới yên tâm đăng ký."

Nỗi niềm phòng gym mùa Covid: PT với nghề tay trái hái ra tiền, học viên muôn hình vạn trạng từ hệ ăn chay cho đến ăn buffet đều đủ cả - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

"Tôi có 1 học viên là 'ông lớn' trong ngành chứng khoán, trong lúc học 1 tay cầm tạ 1 tay cầm điện thoại. Nghịch lý ở chỗ anh ta tập thì hời hợt nhưng lại mong 1 ngày đẹp trời xuất hiện 8 múi đẹp như tạc tượng giống Captain America."

Anh Trương nói những kiểu học viên kể trên theo hệ "ăn chay", tức là chỉ mua 1 khóa học của 1 HLV bất kỳ, tập không đến nơi đến chốn nhưng vẫn muốn có hiệu quả. Còn người theo hệ "ăn buffet" lại rất khoa trương, không chỉ mua hàng trăm lớp học 1 lúc mà còn mua các lớp học của nhiều HLV trong cùng phòng tập, để "muốn tập với ai cũng được". Những học viên kiểu như vậy không coi trọng hiệu quả tập, đa phần tiêu tiền chỉ để mua sự chú ý.

Tóm lại, dựa trên các chia sẻ của 1 PT lâu năm trong nghề, hiện nay việc dạy và học trong các phòng tập tư nhân chỉ là bề nổi. Các HLV thể hình bắt đầu với việc yêu thích tập thể thao, nhưng ngày nay doanh thu cao và việc buộc phải theo kịp xu hướng khách hàng đã khiến một số PT không chỉ tham gia dạy các lớp học đơn thuần. Đôi khi, "đồng hành từ A-Z" còn quan trọng hơn cả việc rèn luyện sức khỏe.

Nguồn: QQ

Nguyên Dũng TT

Cùng chuyên mục
XEM