Nỗi niềm của vị thứ trưởng xuất thân từ miền Tây: Muốn thoát nghèo, ĐBSCL không nên chỉ quanh quẩn giữa lúa, trái cây, thủy sản

23/12/2020 08:54 AM | Kinh doanh

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Minh Hoan nêu ví dụ: hiện tại, mỗi năm Trung Quốc xuất khẩu nấm thu về 17 tỷ USD và tạo công ăn việc làm cho 10 triệu người. Chỉ cần các tỉnh miền Tây đầu tư trồng nấm và xuất khẩu với sản lượng bằng 10% của Trung Quốc thì cuộc sống của người dân chắc chắn sẽ sung túc.

Ông Lê Minh Hoan - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Ông Lê Minh Hoan - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Mặc dù đã ra Hà Nội nhậm chức Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng ông Lê Minh Hoan chưa bao giờ quên miền Tây hay khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nơi nuôi lớn và hỗ trợ rất nhiều để ông có thành tựu ngày hôm nay.

Cũng như thế, dù ở đâu, trong ông vẫn đau đáu nỗi niềm: Làm sao để khu vực ĐBSCL thôi nghèo và người dân có thể ‘an cư lạc nghiệp’ trên mảnh đất quê hương. Thế nên, trong hội nghị Connect Mekong có sự tham dự của 4 tỉnh ABCD (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp), vị Thứ trưởng này đã có rất nhiều đề nghị cũng như gợi ý bổ ích cho các lãnh đạo các tỉnh.

Theo ông, muốn kết nối (connect) hiệu quả, trước hết lãnh đạo các tỉnh ABCD lẫn các doanh nghiệp đầu ngành phải có tư duy thật mở. Khi có tư duy mở, thì chúng ta mới đủ sáng suốt để tìm ra một hướng đi mới nào đó nhằm giúp quê hương thoát nghèo, ngoài những mảng miếng xưa cũ như lúa – trái cây – thủy sản.

Và chỉ khi có tư duy mở, chúng ta mới biết và đủ kiên nhẫn từng bước hồi phụ hệ sinh thái cho miền Tây, điều chắc chắn phải làm nếu muốn nâng cao lợi thế cạnh tranh cho nông sản ĐBSCL trên thị trường quốc tế. Thời gian hồi phục hệ sinh thái sẽ bằng với thời gian mà chúng ta dùng để phá hủy nó, nên "giục tốc sẽ bất đạt".


Để kết nối hiệu quả, trước hết lãnh đạo các tỉnh ABCD hãy có tư duy thật mở

"Để kết nối hiệu quả, trước đó chúng ta phải có tư duy mở. Một mình chúng ta đứng giữa nhân gian sẽ rất nhỏ bé. Bi kịch của một vùng đất là người nào biết người đó và mạnh ai người đó làm.

Hồi đó, tôi còn là Bí thư tỉnh Đồng Tháp và được giao nhiệm vụ đứng ra kết nối 4 tỉnh ABCD. Lúc đó, tôi cũng ngại ngùng, vì tôi thuộc Đồng Tháp mà đứng ra có khi lại không khách quan. Nhưng chị Kim Hạnh (Giám đốc BSA) có nói ‘anh cứ đứng ra làm đi, bây giờ phải đi bầu bán rồi họp hành càng thêm rắc rối ra’. Thế nên tôi đã đứng ra nhận làm", ông Lê Minh Hoan kể về cái duyên của mình với Hội nghị thường niên Connect Mekong.

Thực tế là ông Hoan đã quen làm công việc kết nối ở Đồng Tháp cũng như thường xuyên có cảm hứng - suy nghĩ từ những gợi ý của các chuyên gia, nên gồng gánh được. Ý tưởng có thể xuất phát từ một người, song để hoàn thiện và hoàn thành ý tưởng đó cần sự kết hợp của rất nhiều người.

Vậy vì sao chúng ta phải kết nối? Bởi trên cuộc đời này, không ai là có sức mạnh tuyệt đối.

"Một lần nọ, trong một dịp kết nối các doanh nghiệp Úc đầu tư vào Đồng Tháp, tôi có gặp vị Chủ tịch của Hiệp hội doanh nghiệp Úc và đề nghị ‘làm ơn khuyến khích các doanh nghiệp Úc về Đồng Tháp đầu tư’, ông ấy cũng đã đồng ý.

Nhưng sau đó, ông ấy có nói thêm với tôi: ‘Nói anh đừng buồn, chứ người Úc không biết Đồng Tháp hay Cần Thơ ở đâu hết, họ chỉ biết đến ĐBSCL. Vì khi nhỏ, lúc học môn địa lý, người Úc có được dạy rằng ĐBSCL là một trong những đồng bằng lớn và trù phú của thế giới, vậy nên, các anh cần liên kết, đừng đi riêng’", ông Hoan kể tiếp.

Ngoài ra, Chính phủ Mỹ sau khi hoạch định chính sách, vừa đưa ra khái niệm phát triển mới mang tính thời cuộc là VUCA tức là ‘biến động – vô định – phức tạp – mơ hồ’. Đại dịch Covid-19 chính là minh chứng sống của thời đại VUCA. Thế nên, đừng ai nghĩ mình luôn là người nắm cán, muốn tồn tại thì phải thay đổi. Mình đang làm người khác cũng đang làm, họ không đứng yên để chờ chúng ta hoặc để chúng ta vượt lên trước.

Nỗi niềm của vị thứ trưởng xuất thân từ miền Tây: Muốn thoát nghèo, ĐBSCL không nên chỉ quanh quẩn giữa lúa, trái cây, thủy sản - Ảnh 1.

Ông Lê Minh Hoan (bên phải) đang trao giấy chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập cho một doanh nghiệp tại ĐBSCL.

Do đó, chúng ta cần luôn tìm cách đổi mới sáng tạo để tăng cường sức mạnh. Chúng ta không được chủ quan và lan tỏa tinh thần này đến với mọi người. Năm nay, Ban tổ chức của sự kiện tính mời thêm vào tỉnh khác ở ĐBSCL tham gia, nhưng vì Covid-19 khiến kế hoạch bị tạm hoãn. Tuy nhiên, trong vài năm tới, ý tưởng này chắc chắn sẽ trở thành hiện thực.

Hơn nữa, kết nối ở đây không chỉ giữa 4 tỉnh ABCD với nhau mà còn giữa khu vực công và khu vực tư của 4 tỉnh.

"Hồi tôi gặp Giáo sư Trần Văn Thọ tại Hà Nội, ông đã kể cho tôi nghe một câu chuyện của nước Nhật và sau này câu chuyện này đã tạo cho tôi nhiều cảm hứng thay đổi khi về lại Đồng Tháp.

Câu chuyện như thế này: sau thế chiến thứ II, nước Nhật không biết sẽ khôi phục bằng cách nào và họ cứ loay hoay tìm kiếm phương cách. Cho đến một ngày, một nhóm người gồm mấy bộ trưởng cùng các doanh nghiệp đầu ngành của Nhật, nắm tay nhau đi vào một căn phòng rồi đóng cửa trong vài ngày, nhằm tìm cho bằng được đường đi của nước Nhật trong tương lai", ngài Thứ trưởng nêu vấn đề.

Nên theo ông Hoan, chỉ khi khu vực công và khu vực tư kết hợp cùng nhau mới có thể tạo nên được sức mạnh lớn và công việc mới chạy - vị thế trên thương trường của người Nhật hiện tại đã phần nào chứng minh điều đó.

Sự kết hợp giữa 4 tỉnh ABCD là một cái gì đó rất mới, không nằm trong bất cứ thiết kế nào của Nhà nước và không có hình thù cũng như định dạng nhất định. Và mặc dù không biết sự kết nối này hoặc Hội nghị thường niên Connect Mekong sẽ đi đến đâu, nhưng trước mắt cứ có lợi cho xã hội và người dân thì chúng ta nên làm.

Thông qua sự kết nối công – tư giữa 4 tỉnh ABCD, ông Hoan mong là nó có thể tạo ra một hiệu ứng dây chuyền cho các vùng đất hoặc tỉnh thành khác trên khắp Việt Nam.


Từ tay không, bây giờ mỗi năm Trung Quốc xuất khẩu 17 tỷ USD nấm

Sau màn dạo đầu, vị Thứ trưởng này đã đề cập đến 2 quyển sách mà ông cho rằng nó vừa đau đớn vừa thú vị và các lãnh đạo của 4 tỉnh ABCD nên đọc, đó là "Những ngày cuối cùng của dòng Mekong hùng vĩ" và sách "Nền kinh tế xanh lam".

Quyển sách ‘Những ngày cuối cùng của dòng Mekong hùng vĩ’ được xem như là bài điếu văn bi ai cho dòng Mekong. Quyển sách này không chỉ đề cập đến dòng sông kéo dài từ sông Lan Thương trên đất Tây Tạng xa xôi cho đến sông Cửu Long hay vài chục đập thủy điện án ngữ trên dòng sông, mà còn kể về đời sống văn hóa của vài chục tộc người sống bên cạnh và dựa vào dòng sông để tìm kế sinh nhai.

Nỗi niềm của vị thứ trưởng xuất thân từ miền Tây: Muốn thoát nghèo, ĐBSCL không nên chỉ quanh quẩn giữa lúa, trái cây, thủy sản - Ảnh 2.

Trái cây là sản phẩm chủ lực của ĐBSCL bao đời nay.

"Những gì chúng ta đọc được trong quyển sách này còn khốc liệt hơn tất cả những bảng báo cáo về thực trạng xám xịt của khu vực ĐBSCL trong thời gian gần đây. Nhưng, ca cẩm để làm gì, hay hơn vẫn là mỗi người chúng ta phải làm cái gì đó, hoặc hướng tới câu ‘trong nguy có cơ’.

Trước giờ, khi nhắc tới khu vực ĐBSCL, chúng ta liền nghĩ ngay đến lúa gạo – trái cây – thủy sản. Có đảo lui đảo tới cũng chừng đó thôi! Tại sao chúng ta lại không nghĩ, ngoài 3 sản phẩm đó, chúng ta có thể phát triển thêm sản phẩm chủ lực nào nữa?", cựu Bí thư Đồng Tháp gợi ý.

Ví dụ: xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam trong năm 2020 dự đoán khoảng 44 tỷ USD, nhưng tại Trung Quốc, chỉ một ngành nuôi trồng nấm thôi đã mang về cho đất nước này 17 tỷ USD và tạo ra 10 triệu việc làm ở các khu vực nông thôn. Giả sử các tỉnh miền Tây trồng nấm như họ - ước mơ chỉ cần đạt 10% của họ, tức có thể mang về 1,7 tỷ USD và có thể giải quyết được 1 triệu việc làm. Theo báo cáo từ VCCI và đại học Fullbright, thì mỗi năm có 1,3 triệu lao động di cư rời khỏi ĐBSCL.

"Tôi nghĩ chúng ta có quyền mơ mộng. Trung Quốc thường cấy nấm trên rơm rạ, lục bình, bã mía, lõi bắp, cà phê…; mà những thứ phế phẩm từ nông nghiệp đó, ở Việt Nam, nhất là các tỉnh miền Tây có rất nhiều. Mỗi cốc cà phê chúng ta uống, chỉ sử dụng có 0,2% khối lượng hạt cà phê, chúng ta đang lãng phí tới 99,8%.

Chưa hết, Việt Nam đang là đất nước xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới, nếu chúng ta có thể sử dụng hiệu quả 99,8% còn lại, sẽ tạo được giá trị gia tăng rất lớn cho cây cà phê.

Ngành mía đường của chúng ta đang khốn khổ vì phải cạnh tranh với Thái Lan – đất nước có ngành công nghiệp mía đường hùng mạnh nhất nhì thế giới. Lượng đường mà các nhà máy trích xuất từ cây mía chiếm phần nhỏ thể tích, còn phần lớn là bã mía. Nếu chúng ta sử dụng phần bã này hiệu quả - ví dụ mang đi trồng nấm, chắc chắn nông dân chúng ta sẽ không còn sợ hãi trước người Thái nữa.

Chỉ có khoa học công nghệ mới có thể đẩy giá trị của những cây trồng thân thuộc như cà phê – mía đường lên cao. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa làm tốt được mảng này", vị Thứ trưởng này khẳng định.

Dù thế, ông Hoan vẫn mơ ước một ngày nào đó các doanh nghiệp hàng đầu ĐBSCL kết hợp cùng Chính quyền các cấp, có thể biến mong ước của ông thành hiện thực. Dù chắc chắn để học theo Trung Quốc là không dễ, vì cứ không phải chúng ta trồng được vài chục kg nấm rơm mang ra chợ bán là có thể làm ra 17 tỷ USD.

Chúng ta chắc chắn phải đầu tư đủ lớn và có một hệ sinh thái hoàn thiện nhằm hỗ trợ cả doanh nghiệp lẫn người dân trồng nấm, thì mới có thể tạo ra số lượng nầm lớn cũng như đưa nấm trở thành sản phẩm chủ lực mới của ĐBSCL trong tương lai.


Trong việc phục hồi hệ sinh thái, chúng ta không thể ‘muốn sẽ được ngay’

Nỗi niềm của vị thứ trưởng xuất thân từ miền Tây: Muốn thoát nghèo, ĐBSCL không nên chỉ quanh quẩn giữa lúa, trái cây, thủy sản - Ảnh 3.

Kênh rạch - sông ngòi - ruộng đồng của ĐBSCL ngày càng ô nhiễm và khan hiếm các sản vật tự nhiên như cua đồng, tôm càng và ốc.

Về quyển sách "Nền kinh tế xanh lam", theo ông Hoan, sở dĩ nó có tên như thế là bởi những ai có điều kiện bay vào vũ trụ sẽ thấy trái đất trước đây được bao phủ bởi một màu xanh lam chứ không phải xanh lá như chúng ta nghĩ.

"Quyển sách này cho rằng, trước đây, trái đất có một hệ sinh thái cân bằng hết sức vi diệu, những sinh vật trong chuỗi thức ăn, ai làm nhiệm vụ của người nấy, không có chuyện tận diệt. Rồi đến một ngày, lòng tham trỗi dậy khiến con người ra tay phá vỡ sự cân bằng của tự nhiên.

Sau khi thấy trái đất lẫn bầu trời lỗ chỗ khó coi, con người mới bắt đầu ra sức vá víu ‘chữa cháy’. Nhưng chẳng ai biết, ngoài những đám cháy mà chúng ta có thể thấy, còn những đám cháy to nào đó chưa bùng phát mà chúng ta không biết", ông Lê Minh Hoan chia sẻ.

Thế nên, một nhiệm vụ quan trọng trước mắt cho các tỉnh ABCD là phải hồi phục bằng được hệ sinh thái tự nhiên trước kia. Ngoài để cứu chính môi trường sống của chúng ta, còn vì đây là điều chắc chắn phải làm nếu muốn nâng cao lợi thế cạnh tranh cho nông sản ĐBSCL trên thị trường quốc tế.

Trong những năm qua, vì chạy theo sản lượng hay để có một vụ mùa bội thu, nhiều người nông dân ở khu vực ĐBSCL đã sử dụng phân thuốc vô tội vạ, khiến kênh rạch và nguồn nước ngầm bị nhiễm hóa chất xấu trầm trọng. Sau khi, hoạt động sản xuất sai trái đó kéo dài trong nhiều năm, khiến hệ sinh thái tuần hoàn tự nhiên ở ĐBSCL dần bị thoái hóa và biến dạng. Bây giờ, hầu hết kênh rạch và đồng ruộng tại ĐBSCL không còn có cua đồng, tôm cá ốc như trước đây.

"Chúng ta nên vào cuộc để phục hồi hệ sinh thái tự nhiên như trước đây. Tuy nhiên, đây không phải chuyện mà chúng ta muốn sẽ được ngay. Chúng ta đã dùng bao nhiêu thời gian để tổn thương hệ sinh thái này thì chúng ta sẽ cần từng đó thời gian để hồi phục lại nó. Chúng ta cần phải kiên nhẫn! Hơn nữa đây là điều bắt buộc phải làm", ông Hoan kết luận.

Muốn tham gia chuỗi kết nối toàn cầu và tăng giá trị thương hiệu nông sản ĐBSCL, điều kiện tiên quyết là các tỉnh phải phục hồi hệ sinh thái – không gây hiệu ứng nhà kính – không gây phương hại đến xã hội.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM