Nợ xấu TPBank tăng vọt trong 9 tháng, mở rộng "hầu bao" với Hoàng Anh Gia Lai, Novaland

17/01/2024 18:06 PM | Tài chính

Đang từ mức dưới 1%, tới hết quý III/2023, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) tăng vọt lên gần 3%.

Nợ xấu tăng gần 4.000 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm

TPBank đã có một năm 2022 thuận lợi với kết quả kinh doanh ấn tượng và chất lượng tài sản đảm bảo với tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 0,84%, là một trong những ngân hàng TMCP có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống.

Tuy nhiên, bước sang năm 2023, nợ xấu của nhà băng này đang có xu hướng tăng dần ở cuối mỗi quý. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu đã chạm gần 3% tại ngày 30/9/2023. Tổng nợ xấu của TPBank cuối quý III chạm mốc 5.350 tỷ đồng, tăng 3.993 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

Tổng hợp từ số liệu BCTC của DN

Nợ xấu TPBank tăng mạnh ở nợ nhóm II (Nợ dưới tiêu chuẩn), từ 385 tỷ đồng lên 3.266 tỷ đồng. Nợ nhóm III (Nợ nghi ngờ) cũng tăng từ 467 tỷ lên 1.390 tỷ đồng. Không chỉ nợ xấu mà nợ nhóm II (nợ cần chú ý) của TPBank cũng tăng mạnh, từ 3.091 tỷ đồng hồi đầu năm lên đến 6.784 tỷ đồng cuối vào cuối quý III.

Trong một diễn biến có liên quan, vào kỳ đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra hồi tháng 4/2023, ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank cho biết: Tỷ lệ nợ xấu trong quý 1 có xu hướng tăng do theo CIC, khi ngân hàng có nợ xấu ở ngân hàng khác sẽ dẫn đến xếp vào nhóm nợ cao hơn dù vẫn trả đầy đủ nợ gốc và lãi cho TPBank.

Chúng tôi sẽ theo sát về nợ xấu và nợ nhóm 2 và có kế hoạch cụ thể để tăng cường công tác thu hồi nợ ” - ông Hưng khẳng định.

Trước đó, giai đoạn 5 năm từ 2018 - 2022, tỷ lệ nợ xấu của TPBank luôn được kiểm soát tốt, giảm dần từ 1,1% xuống còn 0,84% là một trong những Ngân hàng TMCP có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống. Tỷ lệ dự phòng nợ xấu cũng được cải thiện qua các năm, đạt 135,1% vào năm 2022.

Nguồn: Báo cáo thường niên 2022 của TPBank

Mở rộng hầu bao với HAG, NVL trong năm 2023

Theo số liệu quý III/2023 công bố, trong cơ cấu cho vay của TPBank, có hơn 52% dư nợ cho vay hộ kinh doanh, cá nhân còn lại là cho vay các tổ chức, doanh nghiệp. TPBank không tập trung vào cho vay doanh nghiệp có vốn Nhà nước hay doanh nghiệp FDI mà tập trung chủ yếu vào khối công ty cổ phần tư nhân, với tổng dư nợ cấp tín dụng đến cuối quý III cho nhóm này đạt 55.243 tỷ đồng, trên tổng dư nợ 179.946 tỷ đồng.

Một số công ty cổ phần đã niêm yết là khách hàng tín dụng lớn của TPBank có thể kể đến như Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG), Công ty cổ phần Bamboo Capital (BCG), Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (NVL),...

Với HAG, tại ngày 30/9/2023, doanh nghiệp của bầu Đức đang dư nợ TPBank tổng cộng 836,5 tỷ đồng, chủ yếu là khoản vay ngắn hạn (675,5 tỷ đồng). So với thời điểm đầu năm 2023, đến cuối quý III/2023, dư nợ của HAG tại TPBank đã tăng thêm 356,5 tỷ đồng, chủ yếu giải ngân thêm hạn mức tín dụng.

Nếu loại trừ đi những diễn biến khác thường có thể xảy ra vào quý IV/2023 chưa được công bố thì nhìn tổng quan năm 2023, TPBank là ngân hàng tài trợ thêm nhiều vốn tín dụng cho HAG nhất. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp của bầu Đức đã và đang tích cực thu xếp tất toán các khoản vay, trái phiếu quá hạn của các tổ chức khác như BIDV, Eximbank.

Bầu Đức Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai trong buổi ra mắt sản phẩm Bapi - Heo ăn chuối HAGL

Với Novaland, đến 30/9/2023, doanh nghiệp này dư nợ tổng cộng 894 tỷ đồng tại TPBank, bao gồm 2 khoản:

- Dư nợ 770 tỷ đồng trong tổng hạn mức 770 tỷ đồng, hợp đồng thời hạn 42 tháng, khoản vay được bảo đảm bằng quyền phát triển một dự án tại quận 1, TP Hồ Chí Minh và cổ phần công ty chủ đầu tư DA thuộc sở hữu của cổ đông.

- Dư nợ 124 tỷ đồng trong tổng hạn mức 2.850 tỷ đồng, hợp đồng thời hạn 42 tháng, khoản vay được bảo đảm bằng quyền phát triển một dự án tại quận 1, TP Hồ Chí Minh và cổ phần công ty chủ đầu tư DA thuộc sở hữu của cổ đông.

Tại thời điểm đầu năm 2023, dư nợ của 2 khoản vay này đều là 0 đồng.

Ngược lại với việc mở rộng hầu bao với HAG và NVL, một khách hàng lớn khác của TPBank là BCG lại đang có dư nợ giảm ròng. Theo BCTC của BCG, đến cuối quý III/2023, doanh nghiệp này dư nợ tổng cộng 632 tỷ đồng tại TPBank, trong đó chủ yếu là khoản vay trung dài hạn dư nợ 563 tỷ đồng, còn lại là dư nợ hạn mức tín dụng 69 tỷ đồng. Trong kỳ, BCG đã giảm 534,3 tỷ đồng dư nợ trung dài hạn với TPBank.

Trọng Nghĩa

Từ khóa:  TPBank , nợ xấu
Cùng chuyên mục
XEM