Nợ hơn 100 tỷ USD, Apple có gặp “ác mộng” như cuộc khủng hoảng 16 năm trước?
Trở lại vào cuối những năm 90, thời điểm mà Apple tiến rất gần đến bờ vực phá sản, họ đã bị một khoản nợ đáng kể sau những nỗ lực để duy trì hoạt động của mình.
Đến cuối năm tài khóa 1999, Apple chỉ còn nợ 300 triệu USD – trong đó những hối phiếu không được đảm bảo do họ phát hành lần đầu tiên vào năm 1994 sẽ đáo hạn vào tháng 02/2004. Trong 5 năm tiếp theo, sự "trở lại" của Apple lại được tiếp thêm đà khi công ty này tung ra sản phẩm mang tính cách mạng của họ vào năm 2001: chiếc máy nghe nhạc iPod.
Vào thời điểm những hối phiếu trên đến hạn, Apple đã có gần 4,8 tỷ USD tiền mặt trên bảng cân đối kế toán và có thể dễ dàng trả đủ số tiền còn nợ. "Công ty hiện đang dự kiến sử dụng số dư tiền mặt hiện có của mình để giải quyết các hối phiếu này khi đến hạn", Apple viết trong báo cáo tài chính năm 2003. "Hôm nay là một ngày lịch sử của công ty chúng ta", Steve Jobs viết trong một bản thông báo nội bộ cho các nhân viên khi khoản nợ đó được thanh toán xong.
Trở lại tương lai
Thấm thoát đã 16 năm và Apple hiện mang trên mình hơn 103 tỷ USD nợ có kỳ hạn. Nếu tính cả các thương phiếu thì tổng nợ của họ lên tới 108 tỷ USD. Tất nhiên, rất nhiều thứ đã thay đổi trong những năm đó: Apple phát hành iPhone và iPad, Jobs đã qua đời vì ung thư tuyến tụy, Tim Cook thành công với vai trò CEO và công ty công nghệ có trụ sở ở Cupertino này đã trở thành công ty Mỹ đạt giá trị ngàn tỷ USD đầu tiên.
Tổng nợ của Apple (Nguồn: SEC )
Khi doanh thu tăng theo cấp số nhân và Apple bắt đầu chuyển tiền cho các công ty con ở nước ngoài như một phần trong chiến lược giảm thiểu thuế của mình, thì lượng tiền mặt tích trữ của họ cũng tăng lên. Tuy nhiên, số tiền đó đã được đầu tư một cách hiệu quả, vì các công ty chỉ có thể giữ tiền mặt bên ngoài Mỹ nếu nguồn thu nhập đó là "tái đầu tư vô thời hạn" ở nước ngoài, cho phép các tập đoàn đa quốc gia hoãn nộp thuế đối với các khoản lợi nhuận đó.
Trớ trêu thay, năm mà Apple trở thành không nợ (2004) là năm mà Quốc hội Mỹ phê chuẩn đợt ưu đãi thuế đầu tiên, cho phép các công ty mang tiền mặt về quê nhà với mức thuế giảm 5,25%. Điều đó vô tình tạo ra một tiền lệ, khuyến khích các công ty chờ đợi đợt ưu đãi thuế tiếp theo, và lượng tiền mặt tổng cộng mà họ nắm giữ tiếp tục tăng lên thêm 13 năm nữa.
Tại sao Apple bị nợ quá nhiều?
Năm 2012, Apple khởi xướng chương trình hoàn vốn hiện tại của mình, bao gồm mua lại cổ tức và mua lại cổ phần. Tính đến thời điểm đó, tổng tiền mặt của họ đã tăng lên gần 140 tỷ USD và Apple chưa biết phải làm gì, vì vậy họ muốn trả lại một phần trong số tiền đó cho các cổ đông.
Thay vì hồi hương tiền mặt với tỷ lệ 35% theo luật định khi đó để trả lại cho nhà đầu tư, Apple bắt đầu phát hành các loại trái phiếu, tín phiếu như một cách khác để củng cố vị thế tiền mặt trong nước của họ mà không cần đụng đến nguồn dự trữ quốc tế. Dòng tiền đang hoạt động của họ là dư sức để phục vụ cho khoản nợ đó, và chiến lược này đã giúp công ty giảm chi phí vốn trung bình (WACC), một phần là nhờ vào "lá chắn thuế" liên quan ấy.
Từ đầu năm 2013 đến cuối năm 2017, số nợ của Apple đã tăng dần lên 110 tỷ USD khi sử dụng chiến lược này. Mọi thứ đã thay đổi khi cải cách thuế được thông qua vào tháng 12/2017, trong đó bao gồm việc hồi hương được xem là "mở khóa hiệu quả các nguồn dự trữ tiền mặt ở nước ngoài". Kể từ đó, Apple chủ yếu để cho khoản nợ của mình đáo hạn. Tháng 9 năm ngoái, công ty này đã phát hành trái phiếu, đợt đầu tiên kể từ cuộc cải cách thuế, nhưng nhìn chung nợ tồn đọng của họ vẫn tiếp tục có xu hướng thấp hơn.
Trong suốt hai thập niên, Apple đã đi từ chỗ dựa vào nợ để sinh tồn đến tự nguyện phát hành những khoản nợ lớn chỉ vì... dư sức trả!