Nợ công chạm mức 61,8% GDP, Quốc hội đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý chặt chẽ để bảo đảm an toàn tài chính

19/05/2017 16:38 PM | Kinh tế vĩ mô

Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan rút kinh nghiệm, tăng cường quản lý chặt chẽ nợ công, ứng trước dự toán và tồn ngân kho bạc bảo đảm minh bạch, hiệu quả, an toàn tài chính quốc gia.

Ngày 22/5 tới đây, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV sẽ được khai mạc tại Nhà Quốc hội. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật, 05 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 05 dự án luật khác. Một trong 13 dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua lần này là Luật quản lý nợ công.

Trong phiên họp chiều ngày 17/5 mới đây của Ủy ban thường vụ quốc hội về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015 nêu rõ nợ công, các chỉ số dư nợ công, dư nợ nước ngoài của quốc gia vẫn trong giới hạn cho phép nhưng dư nợ Chính phủ đã chạm trần là 50% GDP, nợ công là 61,8% GDP.

Công tác quản lý nợ công còn những hạn chế như: không lập báo cáo giám sát nợ và bản tin nợ công năm 2015; theo dõi, thống kê, tổng hợp số liệu nợ công chưa kịp thời, đầy đủ, chính xác. Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan rút kinh nghiệm, tăng cường quản lý chặt chẽ nợ công, ứng trước dự toán và tồn ngân kho bạc bảo đảm minh bạch, hiệu quả, an toàn tài chính quốc gia.

Luật quản lý nợ công được thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XII, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2010. Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện, Luật Quản lý nợ công đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong huy động, quản lý, sử dụng nợ công.

Tuy nhiên, cùng với những đổi mới trong Hiến pháp năm 2013, thay đổi trong hệ thống pháp luật và quá trình vận hành, phát triển của nền kinh tế, hội nhập quốc tế, nhiều quy định của Luật đã không còn phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật hiện hành đòi hỏi cần phải sửa đổi.

Dự thảo Luật gồm 10 chương, 67 điều. Ngoài việc bổ sung 3 chương mới gồm: Quy định về chỉ tiêu an toàn, chiến lược, chương trình, kế hoạch vay trả nợ; Quy định về quản lý cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và Quy định cụ thể hơn về đảm bảo khả năng trả nợ, các điều trong dự thảo Luật được thiết kế theo nguyên tắc rà soát để loại bỏ các quy định không còn phù hợp hoặc đã được quy định tại các luật khác; sửa đổi 44/49 điều của Luật hiện hành, bổ sung 18 điều vào 3 chương mới.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn, Luật quản lý nợ công hiện tại quy định Luật Quản lý nợ công hiện nay quy định nợ công gồm nợ chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương. Tuy nhiên cách tính nợ công loại trừ nợ của doanh nghiệp nhà nước từng gây nhiều tranh cãi. Trong dự thảo Luật mới, Bộ Tài chính giữ nguyên quan điểm này, nhưng làm rõ thêm hai ý liên quan đến DNNN: Nợ công không bao gồm nợ tự vay tự trả của DNNN; và các khoản nợ vay lại, nợ được Chính phủ bảo lãnh cho DNNN được tính vào nợ công.

Bộ Trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng từng khẳng định phạm vi nợ công theo định nghĩa mới tiếp cận với "thông lệ quốc tế" như IMF. Tổ chức này nhấn mạnh khuyến cáo không tính tất cả khoản nợ của các DNNN vào nợ công vì đây không phải là các khoản bảo lãnh vô điều kiện của Chính phủ.

Tuy nhiên trên thực tế xảy ra tình trạng, trách nhiệm trả nợ thuộc về các tổng công ty, tập đoàn kinh tế, tuy nhiên, nhiều dự án không hiệu quả hoặc do quản lý, điều hành yếu kém, dẫn tới không có khả năng trả được các khoản nợ đến hạn, buộc Nhà nước phải chi trả nợ thay từ Quỹ Tích lũy trả nợ.

Mới đây, Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị định 52/2017/NĐ-CP về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ (ODA) đối với Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Theo đó từ 15-6-2017, các địa phương muốn vay lại vốn ODA để thực hiện dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội phải đáp ứng một số điều kiện khắt khe hơn của Chính phủ. Nghị định này cũng sẽ siết chặt hơn với các trường hợp vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ, góp phần quản lý nợ công.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM