Những sinh vật sắp tuyệt chủng trong thập niên 2020 sẽ ảnh hưởng tới chính sự sinh tồn của loài người
Khi có quá nhiều loài sinh vật biến mất, cả hệ sinh thái sẽ sụp đổ.
Ếch cây chân viền Rabbs là một sinh vật độc nhất vô nhị trên Trái Đất. Chúng chỉ sống trong những khu rừng ở Panama. Những con ếch có đôi mắt nâu đẹp hút hồn và những bàn chân quá khổ biến chúng thành một nhân vật hoạt hình hế sức đáng yêu.
Nhưng còn một điều nữa làm cho con những con ếch này trở nên thực sự đặc biệt, đó là cách chăm sóc nòng nọc của chúng.
Rabbs là loài ếch duy nhất được biết đến trên thế giới có những con nòng nọc tự ăn thịt cha mình để sống sót. Điều đó đúng theo nghĩa đen: Những con ếch Rabbs đực sẽ nuôi con bằng chính thân xác của mình.
Bạn có thể nghĩ, đó là một chiến lược thông minh sinh ra từ quá trình tiến hóa. Thiên nhiên vốn chứa đầy những mưu mô sinh tồn kỳ lạ, có thể mất hàng trăm ngàn, nếu không muốn nói là hàng triệu năm mới có thể hình thành.
Nhưng vào năm 2016, con ếch Rabbs được biết đến cuối cùng đã chết trong Sở thú Atlanta. Với cái chết của sinh vật cuối cùng đó - một con ếch đực có biệt danh là Toughie - tất cả bộ máy sinh học đi kèm với con ếch đã bị xóa sổ khỏi Trái Đất.
Ếch cây chân viền Rabbs, một sinh vật độc nhất vô nhị trên Trái Đất đã tuyệt chủng.
Sự tuyệt chủng của loài ếch cây này mới chỉ là một chương nhỏ bên trong câu chuyện môi trường, một câu chuyện thuộc hàng quan trọng bậc nhất đang diễn ra trong thập kỷ này: Sự đa dạng sinh học trên Trái Đất đang suy giảm nhanh chóng, đến mức có thể đẩy chính loài người chúng ta vào khủng hoảng tuyệt chủng.
Theo Cơ quan Toàn cầu về Tình trạng Bảo tồn loài thuộc Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), chỉ trong vòng 10 năm qua, đã có 46 loài sinh vật bị tuyệt chủng trên Trái Đất (mặc dù chúng có thể đã tuyệt chủng trong nhiều thập kỷ trước đó). Nhiều loài sinh vật khác cũng đã bị đẩy đến bờ vực, với số lượng cá thể trong loài suy giảm nghiêm trọng.
Trong khi quá trình đó đang diễn ra từng ngày từng giờ, các nhà khoa học vẫn muốn biết chúng ta đã mất đi tổng cộng bao nhiêu loài và chúng đã biến mất ở những đâu. Giáo sư Stuart Pimm, một nhà bảo tồn sinh thái đến từ Đại học Duke cho biết khoa học đang giúp chúng ta trả lời những câu hỏi đó. Và nó cũng sẽ giúp chúng ta đưa ra được những chiến lược tốt hơn, nhằm bảo vệ các loài sinh vật còn lại.
Vài năm trước, một nhóm các nhà nghiên cứu Châu Âu đã đi tìm đáp án cho một câu hỏi rất đơn giản: Mất bao lâu để tiến hóa bù đắp được sự tuyệt chủng của 300 loài động vật có vú tính từ khi con người xuất hiện trên Trái Đất? Câu trả lời của họ là 3 đến 7 triệu năm. Bằng sự sinh tồn của giống loài chúng ta, con người đã gây ra một thiệt hại kéo dài hơn cả thời gian chúng ta sống. Và đó mới chỉ tính đến động vật có vú.
Trong một cái nhìn tổng quan, Nền tảng Chính sách Khoa học Liên chính phủ của Liên Hợp Quốc về Dịch vụ Hệ sinh thái và Đa dạng sinh học (ISPPBES) ước tính: Có khoảng 1 triệu loài hiện đang có nguy cơ bị tuyệt chủng nếu chúng ta không hành động để cứu chúng. Trong đó bao gồm 40% của tất cả các loài lưỡng cư, 33% san hô và khoảng 10% côn trùng.
Tốc độ tuyệt chủng của các loài lưỡng cư, động vật có vú, chim, bò sát và cá đều gia tăng từ năm 1500 tới 2018.
Nhưng đó không hoàn toàn là một tin buồn. Chúng ta vẫn có thể hành động. Chúng ta biết nguyên nhân của cuộc khủng hoảng. Và chúng ta biết các giải pháp có thể sẽ hiệu quả: cụ thể là bảo tồn.
"Mỗi một loài sinh vật sinh ra trên hành tinh này đều có quyền sống ở đây", Joseph Mendelson, giám đốc nghiên cứu tại Vườn thú Atlanta, nơi trú ngụ của Toughie, nói sau cái chết của con ếch bằng giọng rất buồn. "Các hoạt động và sự ích kỷ của chúng ta đang đẩy chúng ra ngoài".
Trong thập kỷ này, chúng ta sẽ mất đi một số loài vật: một loài cá heo bên bờ vực, một loài gặm nhấm tuyệt chủng do biến đổi khí hậu
Khi được hỏi rằng liệu chúng ta có thể lập một danh sách tất cả các loài vật đã tuyệt chủng trong thập kỷ qua được hay không, IUCN đã trả lời việc đó rất khó. Bởi dấu mốc tuyệt chủng của một loài sinh vật bất kỳ là thứ khó xác định.
Một số loài từng biến mất vẫn được phát hiện nhiều năm sau đó. Nhiều loài được liệt kê là tuyệt chủng trong thập kỷ qua có thể đã tuyệt chủng từ những thập kỷ trước.
Công việc ghi nhận sức khỏe của các quần thể động vật hoang dã thường diễn ra chậm chạp và tẻ nhạt. Nó đòi hỏi các nhà nghiên cứu phải thực hiện các chuyến đi đến một số vùng xa xôi và hẻo lánh nhất trên Trái Đất.
IUCN liệt kê loài ếch Rabbs vào nhóm cực kỳ nguy cấp, có thể bị tuyệt chủng. Điều đó phản ánh một hy vọng nhỏ nhoi rằng, có thể có một vài con ếch Rabbs vẫn nhảy trong vùng hoang dã của Panama.
Chuột melomys Bramble Cay, một loài gặm nhấm đã tuyệt chủng.
Một loài khác trong danh sách 467 loài vật đã tuyệt chủng là chuột melomys Bramble Cay. Nó được cho là loài động vật có vú đầu tiên bị tuyệt chủng do biến đổi khí hậu. Loài gặm nhấm này sống ở một hòn đảo ngoài khơi Australia và được nhìn thấy lần cuối vào năm 2009.
Các nhà nghiên cứu tin rằng nước biển dâng đã góp phần vào sự biến mất của loài này. Bramble Cay, nơi loài vật này sinh sống chỉ cao hơn mực nước biển 9 feet (2,7m). Mực nước biển dâng khiến hòn đảo thường xuyên phải hứng chịu những trận lụt, giết chết thảm thực vật, làm mất đi các khu vực trú ẩn của chuột melomys Bramble Cay.
Và dưới đây nữa là một con ốc cây Hawaii có danh pháp khoa học là achatinella apexfulva. Cá thể ốc cây Hawaii cuối cùng này đã chết vào tháng 1 năm 2019 trong môi trường nuôi nhốt. Nó đã 14 tuổi.
"Đã từng có hàng chục loài ốc cây sinh tồn trên đảo Oahu, gần như tất cả đều có vỏ đẹp, một số còn có cấu trúc vỏ hoa văn cầu kỳ", Noah Greenwald, giám đốc quản lý các động vật có nguy cơ tại Trung tâm Đa dạng sinh học Hoa Kỳ cho biết. "Nhưng nhiều loài đã bị tuyệt chủng và gần như tất cả các loài còn lại cũng trở nên hiếm thấy vì môi trường sống của chúng đã bị hủy hoại".
"Thông thường, chúng ta sẽ mất đi những loài sinh vật nhỏ bé trước", Greenwald nói, giống như nhiều loài trai đã từng sống trên các con sông ở miền Đông Nam Hoa Kỳ. Những con trai này tiến hóa theo những con đường khác nhau, để chỉ ăn một loài cá cụ thể. Hoặc ngay như những con côn trùng bé nhỏ rừng mưa nhiệt đới Puerto Rico, chúng cũng đang gặp nguy hiểm.
Con ốc cây Hawaii cuối cùng từng sống đến năm 14 tuổi.
Nhưng có nhiều loài động vật lớn cũng đã bị đẩy đến bờ vực tuyệt chủng trong 10 năm trở lại đây. Đây là thập kỷ mà nước Mỹ đã mất đi con tuần lộc caribou cuối cùng và đàn gia súc ở Canada bị giảm dân số trên quy mô hàng triệu.
Ở Châu Phi, hiện tại chỉ có hai con tê giác trắng còn sống ở phía bắc lục địa, và chúng phải sống trong điều kiện nuôi nhốt. Cả hai đều là tê giác cái, và chúng đã quá già để sinh sản. Con tê giác trắng đực cuối cùng đã chết từ năm 2018.
Ở Vịnh California, các loài cá heo vaquita đã giảm xuống chỉ còn 12 cá thể trong 10 năm trở lại đây. Trở lại thời điểm trước đó năm 1997, chúng duy trì được một quần thể tới 600 con. Hiện các nhà nghiên cứu không chắc rằng loài cá heo vaquita còn có thể bám trụ được trong thập kỷ tới hay không.
Các loài có khả năng tuyệt chủng trước cả khi được phát hiện
Dựa trên phân tích hồ sơ hóa thạch – những viên nang của nằm sâu trong lòng đất vượt qua thời gian để kể về lịch sử sự sống trên hành tinh - trung bình, các loài vật trên Trái Đất bị tuyệt chủng với tốc độ 0.1 trên mỗi triệu loài mỗi năm. Điều đó có nghĩa là, cứ 10 triệu loài trên hành tinh của chúng ta, sẽ chỉ có 1 loài bị tuyệt chủng mỗi một năm. Nhưng đó là tốc độ trước khi con người bắt đầu làm mọi thứ rối tung lên.
Trong một bài báo năm 2014, Pimm và các đồng nghiệp đã kết luận sinh vật trên Trái Đất đang tuyệt chủng ở một tốc độ cao gấp 1.000 lần so với trước đây: Mỗi năm, có khoảng 100 trên 1 triệu loài bị biến mất.
Và một điều không kém phần bi thảm, đó là các nhà khoa học thậm chí còn chưa thống kê hết được tất cả các loài sinh vật hiện có trên Trái Đất. Ước tính, hành tinh của chúng ta là ngôi nhà chung cho khoảng 8-9 triệu loài sinh vật, nhưng hiện chúng ta mới lập danh mục được cho hơn 1 triệu loài.
Điều đó có nghĩa là nhiều loài sinh vật có khả năng bị tuyệt chủng trước cả khi con người phát hiện ra chúng. Loài ếch Rabbs đã được phát hiện vào năm 2005, chỉ 11 năm trước dấu mốc tuyệt chủng của chúng.
Từ nay trở về sau, chúng ta sẽ không bao giờ biết được bí mật của chúng, về cách mà những con ếch đực đã nuôi dưỡng đàn nòng nọc bằng chính thịt của mình.
Hai con tê giác trắng cuối cùng ở Châu Phi, cả hai đều là con cái và không còn sinh sản được.
5 nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học
Tại sao chúng ta phải đối mặt với cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học này? Vào tháng Năm năm nay, báo cáo của Liên Hợp Quốc về đa dạng sinh học đã nêu ra năm yếu tố chính. Bạn có thể thấy, trong khi khủng hoảng đa dạng sinh học có liên quan và được thúc đẩy bởi cuộc khủng hoảng khí hậu, nó vẫn có những điểm khác biệt.
1. Diện tích đất và biển bị con người khai thác, sử dụng: Những vùng đất và vùng biển nguyên sơ, không bị ảnh hưởng bởi con người đang ngày càng bị thu hẹp lại. Và khi chúng co lại, môi trường sống tự nhiên của các loài sinh vật cũng nhỏ dần.
Một phần ba diện tích đất trên thế giới hiện được con người dùng cho hoạt động nông nghiệp hoặc chăn nuôi, báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết. Khoảng 100 triệu ha (1 ha bằng 10.000 mét vuông, tương đương khoảng 2,47 mẫu) rừng nhiệt đới đã biến mất trong khoảng thời gian từ năm 1980 đến 2000.
2. Do hoạt động khai khác trực tiếp sinh vật của con người. Chúng ta đang nói về nạn săn bắn và săn trộm ở đây.
3. Do biến đổi khí hậu ngày càng thách thức sự sinh tồn của nhiều loài theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn như những con gấu Bắc Cực không còn băng để săn mồi, trước thực tế nước biển đang ngày một ấm lên, các đại dương đã không thể giữ được nhiều oxy phục vụ cho hoạt động duy trì sự sống.
4. Do Ô nhiễm. Hãy nghĩ về số lượng lớn rác thải nhựa đang bị đổ vào các đại dương mỗi năm.
5. Do loài ngoại lai xâm lấn. Trong một thế giới toàn cầu hóa, các loài từ lục địa này có thể di chuyển đến một lục địa khác, nơi chúng không bị khống chế bởi thiên địch. Do đó, chúng bắt đầu có thể thống trị môi trường sống và giết chết các loài bản địa.
Cặp cá heo vaquita được chụp lại trong cuộc khảo sát năm 2008 tại Vịnh California. Liệu chúng có thể tồn tại thêm 10 năm nữa?
Thách thức cho thập niên 2020
Đa dạng sinh học có liên quan tới biến đổi khí hậu, nhưng hậu quả của chúng rất khác nhau. Các hệ quả xuất phát từ giảm đa dạng sinh học loài được cho là lâu dài hơn. Greenwald cho biết chất lượng cuộc sống của loài người đan xen trực tiếp với đa dạng sinh học
Nhiều loại thuốc của chúng ta có nguồn gốc từ thực vật. Tất cả thực phẩm của chúng ta có nguồn gốc từ sự sống, dưới hình thức này hay hình thức khác. Hệ sinh thái cung cấp cho chúng ta không khí sạch và nước. Và khi có quá nhiều loài sinh vật biến mất, hệ sinh thái sẽ sụp đổ. Ngay lúc này, chúng ta nên báo động mọi người về tốc độ tiến đến sự tuyệt chủng.
May mắn thay, con người vẫn có thể sửa chữa những gì mình đã gây ra. Chúng ta có thể bảo tồn được hành tinh của mình nếu làm đúng cách và kịp thời. Có một câu hỏi mà Pimm đặt ra cho thập niên 2020:
Có phải chúng ta muốn nói với con cháu của mình rằng, gấu, sư tử và hổ, cũng như tất cả những sinh vật khác không còn ở với chúng ta, vì chính chúng ta đã đẩy chúng đến bờ vực tuyệt chủng?
Pimms cho biết một phần lý do tại sao các loài sinh vật ngày nay được theo dõi chặt chẽ hơn, là vì hiện đã có các ứng dụng di động như eBird và iNaturalist, trên đó, bạn có thể theo dõi và giám sát việc bảo vệ các loài động vật ở nơi bạn sống.
Một điều quan trọng nữa cần nhớ: Bảo tồn ắt sẽ dẫn tới thành công. Pimm và những đồng nghiệp của mình hiện đặt mục tiêu phải giữ được một nửa diện tích đất và biển trên Trái Đất dành cho tự nhiên.
Mục tiêu này thể hiện tham vọng cực kỳ lớn, đặc biệt với những thất bại như nạn phá rừng đang gia tăng ngay tại Amazon hiện nay. Nhưng chúng ta biết các loài sinh vật vẫn có thể được cứu, như những gì chúng ta từng làm được trước đó.
Ở Mỹ, Đạo luật về các loài có nguy cơ tuyệt chủng đã giúp cho nhiều loài sinh vật phục hồi, bao gồm đại bàng hói, gấu xám và cá voi lưng gù. Theo Cơ quan Cá và Động vật hoang dã Hoa Kỳ, đạo luật này đã ngăn chặn sự tuyệt chủng của 99% loài mà nó bảo vệ.
"Nói chung, chúng ta không bao giờ được từ bỏ hy vọng", Pimm nói. "Chúng ta cần bảo vệ nhiều môi trường sống trên Trái Đất hơn nữa, chúng ta cần xây dựng nhiều công viên quốc gia, nhiều khu vực bảo tồn".