Những "nhóm đại gia" BĐS đang khuấy đảo thị trường địa ốc Sài Gòn
Bên cạnh nhiều "ông lớn" bất động sản đang phát triển mạnh mẽ các dự án của mình, thị trường địa ốc Sài Gòn đang hình thành các nhóm nhà đầu tư liên kết với nhau.
Thời gian qua, thị trường bất động sản TP. HCM đã chứng kiến những cuộc “thay tên, đổi chủ” khá mạnh mẽ. Thậm chí, đã có những lo ngại về việc các thương vụ “thâu tóm” dự án sẽ làm méo mó thị trường bất động sản.
Song theo phân tích của giới chuyên môn, đây là những cuộc chuyển giao cần thiết và mang tính tất yếu, giúp thị trường bất động sản phát triển tốt hơn và đặc biệt là giải quyết được lượng hàng tồn kho còn khá lớn.
Về phía các doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh, hoạt động M&A diễn ra càng mạnh mẽ sẽ càng góp phần tạo sự phát triển ổn định cho thị trường bất động sản và kinh tế vĩ mô. Bởi lẽ, hoạt động M&A có thể được hiểu là sự điều chuyển các dự án từ những doanh nghiệp không có nhu cầu hoặc thiếu tính chuyên nghiệp sang các doanh nghiệp chuyên nghiệp, mạnh về tài chính để triển khai, tránh tình trạng dự án bị đắp chiếu, hàng tồn kho gia tăng.
Trong bài viết này chúng tôi điểm lại những cái bắt tay đình đám đang "đốt nóng" thị trường địa ốc trong nước. Đặc biệt, trước và sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã làm "lộ" nhiều nhóm nhà đầu tư đến từ quốc gia này đang có chiến lược đầu tư "siêu" dự án tại Tp.HCM.
IPP - Cantor Fitzgerald - Weider Resorts - Steelman Partners
Sau khi biết tin tổng thống Obama tới làm việc tại TP HCM, ông Howard Lutnick – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn tài chính Cantor Fitzgerald đã bay sang Việt Nam để khẳng định thiện chí muốn đầu tư vào TP HCM. Trước đó, với tư cách là đại diện nhóm nhà đầu tư Hoa Kỳ, ông đã đề xuất xây dựng khu phức hợp, trung tâm tài chính tại Khu đô thị Thủ Thiêm trị giá 4,3 tỷ USD hồi đầu tháng này.
Dự kiến, Dự án Khu phức hợp nằm trong Khu chức năng số 1 của Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quy mô khoảng 11 ha. Trong đó, tòa tháp văn phòng kỳ vọng sẽ là trung tâm tài chính – chứng khoán, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến làm việc. Dự kiến xây dựng trong thời gian 3 năm 2 tháng.
Nhóm các nhà đầu tư đề xuất dự án này có 3 doanh nghiệp Hoa Kỳ, gồm: Steelman Partners, Cantor Fitzgerald (tổ chức tài chính, đầu tư, cung cấp các dịch vụ tài chính, hiện diện tại hơn 30 thị trường lớn trên thế giới) và Weidner Resorts (thuộc Weidner Holdings, phát triển và quản lý nhiều khách sạn, khu phức hợp nghỉ dưỡng 5 sao ở Hoa Kỳ, châu Á…).
Riêng Steelman Partners đã có nhiều năm kinh nghiệm ở thị trường Việt Nam khi tham gia thiết kế Dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng The Grand Hồ Tràm (Bà Rịa – Vũng Tàu) và Happyland (Long An)…
Doanh nghiệp Việt Nam tham gia dự án này là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng tiết lộ một chi tiết thú vị khi ý định ban đầu bốn tập đoàn chỉ tính đầu tư ở TP.HCM một dự án nho nhỏ, có quy mô vốn khoảng 200-300 triệu USD. Tuy nhiên khi TP.HCM có lãnh đạo mới được giới doanh nghiệp đánh giá là đổi mới thì các tập đoàn có kế hoạch đầu tư lớn hơn.
Lotte Group - Mitsubishi Group - Toshiba Group
Lotte cùng với 3 nhà đầu tư khác của Nhật Bản là Mitsubishi Corporation; Mitsubishi Estate Co., Ltd. và Toshiba Corporation từ lâu đã trình kế hoạch đầu tư Dự án Eco Smart City, vốn đầu tư dự kiến khoảng 2,2 tỷ USD lên các cơ quan chức năng Việt Nam.
Theo kế hoạch, liên doanh các nhà đầu tư sẽ triển khai dự án ở phân khu 2a trong Khu đô thị Thủ Thiêm, với diện tích 16,71 ha, nhằm biến khu đất này thành một tổ hợp các trung tâm thương mại, khách sạn, khu căn hộ dịch vụ, văn phòng, chung cư… và tòa cao ốc 50 tầng. Liên doanh nhà đầu tư này thậm chí chấp nhận ký quỹ và đóng gần 2.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất để được giao trước 6 lô đất tại Thủ Thiêm và sớm triển khai Dự án.
"Với sự chấp thuận của Chính phủ Việt Nam, chúng tôi chuẩn bị đầu tư dự án 2,2 tỷ USD tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, sẽ giúp nâng tổng nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam lên 4 tỷ USD. Trong cuộc gặp với Bí thư Đinh La Thăng mới đây, thành phố đã có cam kết sẽ sớm bàn giao mặt bằng sạch để nhà đầu tư có thể triển khai dự án trong năm nay, chậm nhất là vào đầu năm 2017", đại diện Lotte cho biết thêm.
Keppel Land - Gaw Capital Partners
Nếu các nhà đầu tư quốc tế săn lùng đất Thủ Thiêm của một số đối tác trong nước đến nay vẫn chưa chính thức lộ diện thì những đại gia bất động sản khác trong khu vực đã nhập cuộc mạnh mẽ để tìm cơ hội tại khu đô thị mới này.
Còn nhớ vào đầu tháng 3/2016, Công ty TNHH Keppel Land (Singapore) đã ký kết thỏa thuận đầu tư có điều kiện để nắm giữ 40% cổ phần tại Công ty TNHH Empire City (chủ đầu tư một dự án cao tầng tại Thủ Thiêm). Giá trị giao dịch được Keppel tiết lộ là 93,9 triệu USD.
Trong liên doanh này còn có Gaw Capital Partners - một quỹ đầu tư tư nhân rất lớn đến từ Hong Kong và 2 đối tác Việt Nam là Tiến Phước và Trần Thái. Gaw Capital Partners là công ty quản lý quỹ đầu tư bất động sản tư nhân quốc tế, hiện đang quản lý khối tài sản hơn 10 tỉ đô la Mỹ, đầu tư vào một danh mục tài sản đa dạng khắp châu Á, châu Âu, và thị trường Mỹ.
Tại TP.HCM, Keppel Land cũng đang triển khai dự án Saigon Centre giai đoạn II. Khi hoàn tất, dự án sẽ cung cấp cho thị trường 40.000 mét vuông sàn văn phòng hạng A, 50.000 mét vuông sàn bán lẻ và khoảng 200 căn hộ dịch vụ cao cấp.
Một thương vụ hợp tác khá thú vị diễn ra giữa thời gian gần đây là Keppel Land, một nhà đầu tư bất động sản thương mại và nhà ở phân khúc cao cấp tiến hành đầu tư vào Nam Long Group, một doanh nghiệp có thế mạnh phát triển phân khúc bình dân và trung cấp.
Phát Đạt - Thảo Điền Investment
Mới đây, khi thông tin Phát Đạt chính thức nhận chuyển nhượng khu đất 132 Bến Vân Đồn, Quận 4 với giá chuyển nhượng khoảng 900 tỷ đồng đã lập tức gây "sốt" cho thị trường. Ngay sau đó, công ty đã ký kết tổng thầu thiết kế và thi công cho dự án này với nhà thầu CotecCons với giá trị hợp đồng 1.126 tỷ đồng. Chỉ riêng tiền mua đất và hợp đồng với nhà thầu đã hơn 2.000 tỷ đầu tư.
Đáng chú ý, trong lễ động thổ dự án mới đây, cái tên Công ty Cổ phần Đầu tư Thảo Điền cùng nằm trong phần chủ đầu tư của dự án. Điều này được ngầm hiểu rằng Phát Đạt và Thảo Điền Investment đã chính thức bắt tay nhau.
Dự án 132 Bến Vân Đồn được lấy tên là Ceasar Plaza được xây dựng trên khu đất rộng 7.302,6m2 với quy mô gồm 3 tầng hầm, 6 tầng thương mại và 25 tầng cao có tổng diện tích sàn 113.557m2. Dự án này sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 05/2018.
Trao đổi với chúng tôi về cái bắt tay nay, ông Nguyễn Văn Đạt, CEO công ty địa ốc Phát Đạt, cho rằng đây là một dự án phức hợp cao cấp sẽ tạo điểm nhấn cho thị trường địa ôc khu vực quận 4, đặc biệt dọc tuyến Bến Vân Đồn. Phát Đạt vẫn là chủ đầu tư dự án này và Thảo Điền Investment sẽ tham gia với tư cách là nhà phân phối độc quyền sản phẩm nhà ở ra thị trường.
Nhóm các nhà đầu tư Nhật Bản
Mới đây nhất, tập đoàn Sanyo Home (Nhật Bản) đã chính thức đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam bằng việc hợp tác với Công ty Tiến Phát (thuộc Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình - HBC) để đầu tư Dự án Ascent Lakeside tại quận 7 (TP.HCM).
Trong khi Sanyo Home chuẩn bị đặt bước chân đầu tiên vào thị trường bất động sản Việt Nam, thì những nhà đầu tư đi trước đã tăng tốc khá nhanh. Quỹ đầu tư Creed cùng với An Gia và Phát Đạt đã đầu tư Dự án River City, với tổng vốn đầu tư tới 500 triệu USD, trong đó, Phát Đạt góp 50% vốn, An Gia và Creed mỗi bên góp 25% vốn đầu tư. River City quy mô khoảng 8.000 căn hộ, với giá bán từ 1,3 tỷ đồng/căn, trong đó số căn hộ từ 54 đến 68 m2 chiếm đa số.
Cũng giống như Creed, hai công ty Nhật Bản là đối tác của Nam Long gồm Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad đã rót thêm vài trăm tỷ đồng mua 50% vốn của Dự án Fuji Residence tại quận 9 (TP.HCM) của Nam Long để cùng phát triển. Fuji là dự án thứ 2, có quy mô lớn hơn, sản phẩm đa dạng hơn dự án thứ nhất là Flora Anh Đào mà hai bên đã hợp tác đầu tư thành công với 85% căn hộ đã chào bán thành công.