Những người có sự nghiệp ngày một phát đạt đều có chung một điểm

17/08/2020 08:15 AM | Sống

Ý thức nguy cơ khiến cô có yêu cầu cao hơn với bản thân, khiến cô không hài lòng với hiện tại, không dương dương tự đắc, khiến cô không ngừng nỗ lực để hoàn thiện bản thân, ngày một trở nên mạnh mẽ hơn.

01

Ni Ping, MC nổi tiếng quen mặt với khán giả đất nước tỷ dân qua chương trình Xuân Vãn của CCTV, đài truyền hình Trung Ương Trung Quốc (chương trình đón giao thừa của Trung Quốc), trong một chương trình truyền hình thực tế đã có những chia sẻ về kinh nghiệm việc làm của mình khi còn trẻ, đồng thời chia sẻ câu nói có ảnh hưởng rất lớn tới cuộc đời mình rằng:

"Các bạn tuyệt đối đừng cảm thấy mình rất ra gì, rất này và nọ, người tài giỏi hơn các bạn ở ngoài kia còn nhiều không kể xiết. Các bạn chẳng qua là có cơ hội, và cũng rất may mắn khi được đứng trên sân khấu này, nhưng các bạn cũng có thể bị thay thế bất cứ lúc nào. Hiện giờ ở cánh cổng ngoài kia còn có 16 Bai Yansong, 16 Shui Junyi đang chờ để thay thế bạn đó."

(Bai Yansong, Shui Junyi đều là những phóng viên, nhà báo, MC nổi tiếng tài năng của Trung Quốc.)

Cũng chính vì câu nói này mà Ni Ping luôn mang trong mình "ý thức nguy cơ", cô luôn cảm thấy mình có thể bị thay thế bất cứ lúc nào bởi những người ưu tú hơn, vì vậy, cô luôn không ngừng nỗ lực, cố gắng để nâng cao bản thân, giành lấy cho mình một vị trí trên sân khấu mà nhiều người ao ước, làm MC của liên tiếp 13 chương trình Xuân Vãn, và trở thành một trong những người dẫn chương trình có nhiều buổi phát sóng trực tiếp nhất cho các buổi tối liên hoan văn hóa quy mô lớn do CCTV tổ chức.

Nỗ lực phấn đấu để bước lên đỉnh cao của nghề người dẫn chương trình, nhưng sau đó vì chăm sóc con trai bị bệnh mà cô đã rút khỏi sân khấu. Nhưng khi cô một lần nữa quay trở lại dưới ánh đèn sân khấu, cô vẫn nhận được sự yêu mến và hoan nghênh nồng nhiệt như ngày xưa, bởi lẽ hàng trăm triệu người dân Trung Quốc vẫn luôn luôn nhớ tới người dẫn chương trình đã đồng hành cùng họ suốt mười mấy đêm giao thừa.

Làm sao cô có thể tạo ra được thành tích như vậy, trở thành người dẫn chương trình được yêu mến và nhớ đến nhất trong vô số các MC truyền hình? Thực ra nguyên nhân rất đơn giản, đó là bởi ngay từ khi còn trẻ, cô đã hình thành cho mình cái gọi là "ý thức nguy cơ".

Ý thức nguy cơ khiến cô có yêu cầu cao hơn với bản thân, khiến cô không hài lòng với hiện tại, không dương dương tự đắc, khiến cô không ngừng nỗ lực để hoàn thiện bản thân, ngày một trở nên mạnh mẽ hơn. Là ý thức nguy cơ thúc cô không ngừng tiến về phía trước.

Những người có sự nghiệp ngày một phát đạt đều có chung một điểm - Ảnh 1.

02

Nói về "ý thức nguy cơ", tôi luôn quan niệm rằng, con người chúng ta phải luôn duy trì cho mình một "ý thức nguy cơ nhất định".

Tôi biết là chúng ta ai cũng thích sự ổn định, thích một công việc ổn định, một cuộc sống ổn định, không muốn xảy ra biến động gì quá lớn. Tôi của ngày xưa cũng đã từng nghĩ như vậy, cũng rất hi vọng mình có thể có một sự nghiệp ổn định, thu nhập ổn định, ít nhất là mong cuộc sống không phải gặp quá nhiều sóng gió.

Nhưng cùng với sự trưởng thành và những trải nghiệm khi "vào đời", tôi phát hiện ra, theo đuổi sự ổn định mới chính là không ổn định nhất.

Vài năm gần đây, chúng ta đã phải nghe không ít những tin tức về giảm tải nhân viên, công ty nhỏ có, tập đoàn lớn cũng có, đặc biệt là trong tình hình khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh hoành hành như hiện nay. Không thiếu gì trường hợp 36, 40 bị cho nghỉ việc rồi khóc lóc nói "tôi không biết làm gì ngoài công việc này, nghỉ việc rồi thì phải làm sao?" hay những nhân viên rồi quản lý, gắn bó với một doanh nghiệp hơn chục năm trời rồi nhưng cuối cùng vì công ty làm ăn không khởi sắc nên bị cho nghỉ việc.

Họ vốn dĩ cho rằng mình có thể cả đời ổn định như vậy, có thể ôm "bát cơm sắt" này tới tận khi nghỉ hưu, ai ngờ đùng một cái, vào một ngày đẹp trời, họ bị cho nghỉ việc. Sau khi mất việc, vì tuổi tác, vì kinh nghiệm công việc… họ chật vật tìm kiếm một công việc mới. Mỗi ngày đều buồn bực vì mưu sinh, vì tiền bạc, vì cuộc sống…

Đây chính là kết quả của việc theo đuổi sự ổn định, chúng ta chẳng ai biết khi nào mình sẽ bị mất việc cả, dù bạn cho rằng công việc này nó có ổn định tới đâu đi chăng nữa. Phần lớn những người cho rằng mình đang nắm trong tay "bát cơm sắt" đều giống như con ếch trong nồi nước ấm vậy, lâu dần vì sống trong vùng an toàn, vùng thoải mái quá lâu mà mất đi ý thức về nguy cơ, không muốn nâng cao, cải thiện bản thân, để rồi tới khi sóng gió ập đến, lại không kịp trở tay, thậm chí bó tay chịu trói.

Vì vậy, theo đuổi sự ổn định, vừa hay có thể khiến một người trở nên không ổn định, còn nếu bạn luôn có một ý thức về nguy cơ nhất định nào đó bên trong mình, bạn sẽ chú tâm nhiều hơn tới việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực, vừa duy trì vừa học hỏi thêm trong công việc, dù thị trường việc làm có lay động, khó đoán tới đâu, ít nhất, bạn cũng sẽ chẳng tự đẩy mình vào hoàn cảnh khó khăn.

Những người có sự nghiệp ngày một phát đạt đều có chung một điểm - Ảnh 2.

03

Chúng ta cần phải biết rằng, thế giới mà chúng ta đang sống, không thể luôn duy trì được trạng thái ổn định, không thể nào chắc chắn rằng cả đời mình sẽ không mất việc, bởi lẽ, không ổn định, đây mới chính là thường thái.

Chúng ta có thể mất việc bất cứ lúc nào, chúng ta có thể bị chủ nhà đuổi đi bất cứ lúc nào, chúng ta có thể không trụ lại được ở thành phố vào một ngày nào đó, chúng ta sẽ có thể phải rời xa lĩnh vực mà mình phấn đấu trong suốt nhiều năm để rồi bắt đầu lại từ đầu.

Chúng ta luôn phải duy trì cho mình một ý thức về nguy cơ, bởi lẽ nguy cơ sẽ giúp chúng ta không tùy tiện buông thả bản thân, khiến chúng ta không dễ dàng hài lòng với thực trạng "tàm tạm" của mình.

Rất nhiều người, sở dĩ ngày càng trở nên yếu kém hơn, đó là bởi vì họ thiếu đi ý thức về nguy cơ, cho rằng mình cả đời này thế là ổn định rồi, không cần nỗ lực thêm nữa.

Kiểu suy nghĩ này vô cùng nguy hiểm, bởi lẽ khi nguy cơ xảy đến, nếu bạn không đủ năng lực để ứng phó, bạn sẽ là người bị quật ngã, bị đào thải đầu tiên.

Ngược lại, những người ngày một trở nên ưu tú, phần lớn bọn họ đều có chung một đặc điểm đó là "ý thức về nguy cơ".

Hãy là một người có ý thức về nguy cơ, đồng thời yêu cầu mình ở 3 phương diện sau:

Thứ nhất, không ngừng nâng cao năng lực làm việc

Người có ý thức về nguy cơ, bởi lẽ ý thức được sự không ổn định trong sự nghiệp, ý thức được rằng mình lúc nào cũng có thể bị người khác thay thế, vì vậy, họ không ngừng yêu cầu mình không được buông thả, thỏa mãn với hiện tại.

Họ sẽ nỗ lực làm việc hơn, không ngừng nâng cao năng lực làm việc, họ biết rằng, không có cái gọi là công việc ổn định, chỉ có cái gọi là "năng lực ổn định", và nó mới là thứ đáng tin cậy và không bao giờ phản bội bản thân.

Khi năng lực của bạn đủ mạnh, khi bạn trở thành người mà công ty không thể thiếu, khi doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ cắt giảm nhân viên để duy trì, bạn sẽ là người mà họ giữ lại. Trường hợp xấu nhất là công ty không thể tiếp tục hoạt động được nữa thì giang hồ cũng sẽ vẫn rộng tay chào đón bạn, còn bạn cũng sẽ tự tin mà phiêu bạt, mà lựa chọn, chứ không phải bất lực rửa tay gác kiếm.

Nhớ lấy, bắt cơm sắt ngon nhất, không phải là có cơm ăn ở một nơi, mà là bất kể đi đâu, bạn cũng có cơm để ăn. Và cái miếng ăn này chính là do năng lực của bạn đem lại cho.

Những người có sự nghiệp ngày một phát đạt đều có chung một điểm - Ảnh 3.

Thứ hai, đừng vì chút thành tích mà quá kiêu ngạo

Có một vài người, rất dễ dàng kiêu ngạo, làm ra được chút thành tựu liền cảm thấy mình giỏi giang hơn người.

Thực ra nhiều khi, sự giỏi giang của bạn không phải là do bạn, mà là bởi sân khấu mà bạn đang được đứng ở trên, một khi xuống sân khấu rồi, chỉ sợ bạn sẽ chẳng là ai nữa.

Bất kể có tạo ra được thành tích lớn tới đâu, cũng đừng quá kiêu ngạo, con người ta, rất dễ bị hủy hoại bởi chữ "ngạo".

Thay vào đó, hãy làm một người khiêm tốn, đạt được thành tích cũng hãy tiếp tục nỗ lực, biến mình trở nên mạnh mẽ hơn.

Thứ ba, yêu cầu với bản thân cao hơn một chút

Chúng ta sẽ trở thành một người ra sao, sự nghiệp của chúng ta sẽ bước lên tới độ cao nào, chủ yếu được quyết định bởi chính chúng ta, bởi chính những yêu cầu mà chúng ta đặt ra cho bản thân mình.

Có những người yêu cầu quá thấp, vì vậy rất khó đạt được thành tựu lớn, còn những người có yêu cầu cao lại có thể bay cao đi xa hơn.

Yêu cầu đối với bản thân là chỉ số định hướng, nó sẽ hướng dẫn chúng ta hướng tới mục tiêu của mình và giúp chúng ta đi đúng đường.

Nếu muốn đạt được thành tựu cao hơn, vậy thì đừng yêu cầu quá thấp với mình, yêu cầu thấp sẽ không thể cho ra thành tựu cao, chỉ những yêu cầu cao mới tạo ra những thành tựu cao hơn.

Đừng sợ ý thức về nguy cơ, dù nó khiến bạn cảm thấy áp lực. Đặt ra một mình một ý thức về nguy cơ ở mức nhất định, phù hợp với hoàn cảnh của bản thân, vậy là được. Ít nhất, nó cũng tốt hơn khi bạn không có chút ý thức gì, sống kiểu "cảm tính", "đến đâu thì đến".

Chỉ bằng cách duy trì ý thức nguy cơ trong lòng, bạn mới luôn yêu cầu bản thân phải ngày càng tốt hơn, và cuộc sống cũng sẽ theo đó ngày càng tốt hơn.

Tống Vân

Cùng chuyên mục
XEM