Những kẻ dành hết cả thanh xuân mà không tìm được việc: Hãy bỏ chút thời gian để đọc bài viết này

08/02/2018 16:15 PM | Sống

Vì hầu hết những công ty sẽ đào tạo lại dễ dàng nếu bạn chưa đủ kiến thức, nhưng rất tiếc, bạn đã rớt ngay vòng gửi CV qua email.

"Tính cách và sự phù hợp với văn hóa nơi làm việc là cái có thể thể hiện qua chỉ một cái bắt tay", Giám đốc nhân sự của một công ty đa quốc gia tiết lộ như thế qua một buổi gặp gỡ sinh viên Đại học Hoa Sen gần đây.

Cho nên đầu tiên chúng ta sẽ nói về email.

Những kẻ dành hết cả thanh xuân mà không tìm được việc: Hãy bỏ chút thời gian để đọc bài viết này - Ảnh 1.

Chúng có dạng thế này:

-Không viết tiêu đề, hoặc viết gọn lỏn: "Tuyển dụng", "Gửi công ty X", "CV", "Gửi CV", "CV tuyển dụng". Có bạn tiếc thời gian đến nỗi forward luôn cái mail gửi CV cho những công ty đã xin việc trước đó.

-Chỉ gửi CV mà không kèm một bức thư kèm.

-Nick name người gửi: Nhok Kon Xynh dep; Co nang Tho non; Trjnh Mjnh; Doi suong gio; ôi giời ơi đến cái tên e-mail còn lí lắc thế này thì các anh các chị cũng định lí lắc trong công việc luôn sao?

-Viết sai tên công ty tuyển dụng. Cái này gọi là bố của ẩu, bó tay, khỏi bàn tới.  

-Xưng em, con, cháu… trong email. Bạn đang là người đi xin việc, bạn đã trưởng thành và có thể chịu trách nhiệm cho những gì sắp tới nếu có cơ may được tuyển dụng, thế thì hãy thể hiện bằng cách dễ nhất là sử dụng danh xưng "Tôi".

Những kẻ dành hết cả thanh xuân mà không tìm được việc: Hãy bỏ chút thời gian để đọc bài viết này - Ảnh 2.

-Tiêu đề phải có, phải rõ, đủ và ngắn gọn. VD: Đơn đề nghị tuyển dụng của Nguyễn Ngọc Thạch.

-Kèm email ngắn gọn nhưng đầy đủ: Kính gửi Ban giám đốc công ty ABC, giới thiệu sơ yếu lý lịch ngắn gọn (tên, tuổi, nơi ở hiện tại), nói rõ bạn nhận được thông báo tuyển dụng từ nguồn nào, các hiểu biết của bạn về công ty đó, các phẩm chất nào khiến bạn nghĩ mình là người đáp ứng tốt nhất vị trí công ty đang tuyển dụng. Email thể hiện được cá tính phù hợp với công ty bạn đang đề nghị tuyển dụng thì càng chất.

Cá biệt, nếu bạn hết sức thích công ty đó nhưng họ chỉ thông báo tuyển dụng vị trí bạn không mong muốn, cũng đừng ngại. Cứ khoe hết các thế mạnh của bản thân, khoe hết những việc bạn có thể làm cho công ty hoặc trong lĩnh vực mà họ đang hoạt động. Không một công ty nào có đủ người giỏi cả. Và nếu người tuyển dụng cảm thấy thú vị với bạn, họ có thể giới thiệu bạn cho công ty khác của bạn bè họ, hoặc, thậm chí họ sẽ nghĩ ra công việc để có được bạn.

-Các nickname "Tho cut duoi de thuong", "Ngoi trong toa let gao thet ten em", "Ke cuop da tinh"… hãy để chúng lạc trôi cùng thời sinh viên sôi nổi. Hình ảnh người đi làm là hình ảnh đáng tin và chuyên nghiệp. Hãy dùng tên thật để lập một email cho các mối quan hệ xã hội thời trưởng thành.

Những kẻ dành hết cả thanh xuân mà không tìm được việc: Hãy bỏ chút thời gian để đọc bài viết này - Ảnh 3.

-Dĩ nhiên, viết tiếng Việt chuẩn. Đừng viết: Kjnh gửi Ban Zám đốc, sau đei em xjn tự dới thịu: em rất thik music of Sơn Tùng.

-Xưng tôi. Không ít bạn xưng "con", xưng "cháu" trong emai đề nghị tuyển dụng. Ngược lại, có bạn hồn nhiên (chưa) đáng yêu: gọi người tuyển dụng bằng "chế". Cấm hết nhé. Bạn đang chứng minh bộ máy kia cần mình như một thành viên đóng góp tốt vào sự phát triển của họ, đừng e dè, khép nép, cầu xin hay quá thân mật, suồng sã ngay từ cách xưng hô.

-Gọn lỏn, thiếu lễ độ. Ví dụ một bức thư tôi mới nhận được gần đây, nhờ giúp đỡ: "Gửi chị, nhờ chị xem giùm".

Thêm Kính gửi và cảm ơn vào nhé. Đó là những từ ngữ mặc định cho những email và công văn trao đổi công việc, giữa những người (hầu hết là) chưa quen biết. Nên tham khảo những mẫu email đủ loại (đề nghị, trao đổi, thương lượng…), chúng có trên mạng.

Những kẻ dành hết cả thanh xuân mà không tìm được việc: Hãy bỏ chút thời gian để đọc bài viết này - Ảnh 4.

Trở lại chuyện anh giám đốc nhân sự tuyển người trên kia. Anh nói sau khi quản lý trung gian lọc CV, đến bước phỏng vấn trực tiếp, anh chỉ cần một cái bắt tay, đủ biết người ấy có chính trực, phù hợp hay không.

Bạn cũng thường xuyên làm điều này với người khác, đó gọi là "cái nhìn đầu tiên". Cái nhìn đầu tiên quyết định việc có thiện cảm với nhau hay không. Có thiện cảm thường thì mọi việc sau đó dễ dàng suôn sẻ. Ác cảm thì bồ hòn cũng méo. Đó là tâm lý thông thường của con người. Những người càng giàu trải nghiệm thì cái nhìn đầu tiên càng chính xác.

Với nghề báo của chúng tôi, luôn luôn phải tiếp xúc với vô số người, cái nhìn đầu tiên càng quan trọng. Nhân vật chỉ có một khoảnh khắc đánh giá người làm báo trước khi quyết định có tin tưởng để trao cho họ câu chuyện của mình hay không, hay sẽ đá đít ra khỏi nhà. Do vậy luôn luôn chúng ta cần lễ độ và thành thật.

-Chào chị, em cần chị trao đổi thông tin về A, B, C...

Chấm hết. Gọn lỏn. Đầy ra lệnh. Không một lời tự giới thiệu.

Ơ hay, bạn cần mặc bạn, sao tôi phải quan tâm?

Những bài học giao tiếp cơ bản luôn dạy trước nhất bạn phải nói về cái người đối diện cần, rồi mới đến cái bạn cần.

Bạn nên viết: "Chào chị, em tên là Cần một bờ vai, em đang học/làm/nghiên cứu... về vấn đề này, tại Công ty/trường học/dự án. Chia sẻ, theo hướng A/B/C/D. Quan điểm của em là ABC. Em thấy chị có tư liệu/quan tâm đến việc này. Chị có thể giúp em tư liệu hoặc trao đổi để cùng làm tiếp về vấn đề này theo hướng XYZ không chị? Em mong phản hồi của chị. Em cảm ơn chị."

Quy tắc khi viết email:

- Phải có tiêu đề đàng hoàng, không tiêu đề = không cần đọc. 

- Trong email gửi CV đừng nên tiếc vài dòng gửi tới nhà tuyển dụng. 

- Hãy bỏ chút thời gian lập một cái email đủ "người lớn" để gửi đơn xin việc.

Những kẻ dành hết cả thanh xuân mà không tìm được việc: Hãy bỏ chút thời gian để đọc bài viết này - Ảnh 5.
Những kẻ dành hết cả thanh xuân mà không tìm được việc: Hãy bỏ chút thời gian để đọc bài viết này - Ảnh 6.

Thường bạn sẽ có thời kỳ cửa sổ, gọi là thời gian thử việc, một đến ba tháng. Trong thời gian đó, hai bên sẽ thăm dò nhau để xem nên dừng hay nên tiến.

Tôi từng có một ứng viên chuyên môn loại khá. Bạn này làm việc khá tốt, với đồng nghiệp tỏ ra rất nhũn nhặn. Nhưng bác bảo vệ kiêm giữ xe của Văn phòng đại diện tôi làm việc lúc đó không giấu được ác cảm với bạn này.

Bạn ấy vào nơi làm việc không bao giờ biết chào hỏi bác bảo vệ một câu, xe thì dựng rất ngang ngược mặc kệ bác loay hoay dắt vào chỗ, ra về thì sai bác dắt xe cho mình cũng không một câu cảm ơn.

Trong thời gian thử việc, bạn ấy mắc một cái lỗi chết người: dối trá, đồng thời làm việc cho cả hai cơ quan cạnh tranh, "bán" tin bên nọ cho bên kia. Dĩ nhiên, bạn ấy ra đi gấp.

Đừng bao giờ sống hai mặt, đừng cố gắng làm màu trước những người bạn nghĩ là quan trọng và xách mé khinh khi những người bạn nghĩ là thua kém bạn, như các anh chị bảo vệ, giữ xe, lao công. Sự hai mặt của bạn chẳng trước thì sau sẽ bị bóc mẽ; những công ty có văn hóa bền vững sẽ xem bạn là người lạ.

Những kẻ dành hết cả thanh xuân mà không tìm được việc: Hãy bỏ chút thời gian để đọc bài viết này - Ảnh 7.

-Ăn mặc, đầu tóc, giày dép, túi xách: sạch sẽ, giản dị, đúng chỗ.

Cũng nên trau dồi kiến thức thời trang vì tôi từng gặp vài bạn gái nhầm lẫn mặc áo ngủ lên cơ quan làm việc rồi cãi là "đây là váy, mặc cho nó mát".

Có những bạn phóng viên thường xuyên "lê la" đường phố để làm các clip thời sự. Do yêu cầu cần hòa mình với nhân vật đường phố, bạn thường xuyên ăn mặc hơi lôi thôi và mang dép xỏ ngón. Riết rồi thành thói quen. Có lần phải tác nghiệp trong một hội thảo lớn, tại khách sạn lớn, ngay sát giờ bạn phải chạy hộc tốc về nhà thay giày vì quên, lỡ mang dép vào hội thảo.

Có bạn chiều tối lên cơ quan làm việc, mặc cái áo thun cháo lòng nhàu nhĩ hết nấc, nom như mới bị mẹ đuổi.

Có bạn đeo đủ thứ gấu bông to sau ba lô khi được cử đi làm việc với khách hàng. Trời ơi bạn qua thời mẫu giáo rồi. Hãy tinh tế, chọn những trang sức và phụ kiện trang nhã. Muốn quẩy thì lên bar, ra biển.

-Bảo quản thiết bị làm việc và có ý thức giữ gìn, tiết kiệm của công.

Cũng ông bảo vệ già đã mách tôi việc vài nhân viên đi làm về sau cùng nhưng mở toang cửa phòng, không tắt đèn và cứ để máy lạnh chạy ro ro. Chủ nhật lại tranh thủ đưa bạn trai bạn gái vào công ty khi không có lãnh đạo, mỗi đứa một cái lap ngồi xem phim cho mát.

Những kẻ dành hết cả thanh xuân mà không tìm được việc: Hãy bỏ chút thời gian để đọc bài viết này - Ảnh 8.

Bạn là đại diện của nơi bạn làm việc. Đừng bao biện nói rằng trang cá nhân của tôi là nhà tôi, tôi muốn làm gì (văng tục, chứng minh não phẳng, kỳ thị và công kích… ) mặc tôi. OK nếu bạn chỉ post các stt cho chế độ Only me nhé, còn nếu đã có Friends là người chưa từng gặp ngoài đời, hoặc để chế độ Public thì mọi điều bạn viết, bình luận, chia sẻ… đều là những cái kính lúp để người khác soi và nhận xét (không sai lắm) về bạn. Trang mạng xã hội chính là lý lịch điện tử của bạn.

Đã có quá nhiều ví dụ về những phát ngôn từ sơ suất đến thể hiện "lỗi hệ điều hành" trên trang cá nhân, gây những hậu quả lớn cho chủ nó. Các bài học này đều rất dễ học, cho nên đừng lặp lại sai lầm.

Những kẻ dành hết cả thanh xuân mà không tìm được việc: Hãy bỏ chút thời gian để đọc bài viết này - Ảnh 9.

Bạn có thể làm hai trang cá nhân, một trang chỉ dành cho gia đình và bạn bè thân thiết, trang kia dành cho các quan hệ và mối quan tâm xã hội. Hãy thành thật, đừng cố sống ảo vì sẽ bị bóc mẽ nhanh lắm. Chúng tôi đã từ chối một ứng viên sau ba tháng thử việc dù CV anh này cực tốt, thể hiện rất nhiều khả năng từ chuyên môn, đến võ-vẽ-đàn-hát, công minh, chính trực đủ cả. 

Trên facebook, đều đặn mỗi giờ một, anh viết 1 status lên tiếng về mọi vấn đề đang nóng nhất của xã hội, tỏ ra rất sâu sắc và am hiểu. "Tỏ-ra" nhé!

Nhưng các sản phẩm của anh lại mờ nhạt, thiếu kiến thức và lười biếng. Đành để anh ra đi cho trọn niềm facebook, nơi lấy hết chất xám, cảm xúc và thời giờ của anh vậy.

Những cái lỗi trên rất dễ sửa. Nhưng khi chưa sửa, chúng là những viên đá trong giày của bạn. Bạn sẽ không thể đi được xa.

Theo Hoàng Xuân

Cùng chuyên mục
XEM