Những “công thần" nào giúp VN-Index có cú “quay xe” về sát mốc 950 điểm, vốn hóa tăng thêm 121.000 tỷ đồng?

16/11/2022 17:07 PM | Kinh doanh

Chỉ số chính lội ngược dòng mạnh mẽ đã “san bằng” những gì đã mất trong phiên liền trước 15/11 và tiến dần đến mốc 950 điểm.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua phiên giao dịch với cú “quay xe” khá bất ngờ. VN-Index mở cửa dưới mốc tham chiếu, có thời điểm lao dốc tới hơn 35 điểm về vùng 875 điểm. Song, tín hiệu tích cực bắt đầu xuất hiện về cuối phiên sáng với lực bứt phá chủ yếu tới từ nhóm cổ phiếu trụ. Hàng loạt mã cổ phiếu thuộc các nhóm ngành như ngân hàng, chứng khoán, thép, bất động sản,… đồng thuận tăng mạnh giúp chỉ số VN-Index giao dịch đầy hứng khởi và kết phiên tại mức điểm cao.

Như vậy, chỉ số chính của chứng khoán Việt lội ngược dòng mạnh mẽ trong phiên 16/11 đã “san bằng” những gì đã mất trong phiên liền trước 15/11 (giảm tới 30 điểm), tiến dần đến mốc 950 điểm. Đóng cửa phiên giao dịch, VN-Index tăng 30,3 điểm (+3,32%) lên 942,2 điểm; HNX-Index tăng 7,66 điểm (+4,36%) lên 183,45 điểm; UpCOM-Index tăng 2,03 điểm lên 65,32 điểm . Vốn hóa theo đó cũng tăng thêm 121.000 tỷ đồng gần 3,8 triệu tỷ đồng.

Về độ rộng, số mã tăng trên HoSE cũng lên tới 783 mã trong đó có tới 274 mã “tím lịm”, áp đảo hoàn toàn so với 201 mã giảm, tín hiệu đầy tích cực sau một phiên có tới cả trăm mã giảm sàn.

Xét mức độ đóng góp, rổ VN30 kết phiên với 26 mã đồng thuận tăng giá, trong đó có tới 9 mã tăng hết biên độ. Nhóm Vn30 có màn “quay xe” nhanh chóng khi chỉ mới phiên sáng xuất hiện vỏn vẹn 2 mã tăng điểm. Sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng trở thành đầu tàu dẫn đắt với BID, ACB, STB, MBB tím lịm cùng với GVR, SSI và HPG đồng loạt tăng kịch biên độ.

Những “công thần nào giúp VN-Index có cú “quay xe” về sát mốc 950 điểm, vốn hóa tăng thêm 121.000 tỷ đồng? - Ảnh 1.

Riêng từng cổ phiếu, VIC tiếp tục trở thành “công thần” lớn nhất của thị trường với mức đóng góp 3,2 điểm tăng cho VN-Index. Kết phiên, thị giá VIC tăng sát trần 6,14% lên mức 60.500 đồng/cổ phiếu.

Theo sau, bluechips là nhà băng BID đóng góp tới 2,9 điểm tăng cho thị trường chung. BID trong phiên thị trường giảm sâu 15/11 giảm sàn, nay đã trở thành công thần top 2 nâng đỡ chủ yếu cho VN-Index ngược dòng ngoạn mục. Bên cạnh đó, những mã ngân hàng khác như CTG đóng góp 1,7 điểm tăng, VPB đóng góp 1,4 điểm tăng, TCB, ACB và MBB đóng góp tổng cộng 3,4 điểm tăng cho chỉ số chính.

Một số ông lớn khác như GAS, VHM, HPG, MWG hay FPT cũng có phiên tăng điểm tích cực góp phần đáng kể giúp VN-Index bứt phá. Trong đó, HPG sau phiên tăng điểm hôm qua đã tiếp tục bứt phá mạnh mẽ khi “tím lịm” trong phiên hôm nay. Đồng thời thanh khoản của anh cả ngành thép cũng đứng top với giá trị giao dịch đạt gần 450 tỷ đồng. Nhờ đà tăng của HPG, nhóm cổ phiếu thép theo đó cũng ngập sắc tím, được tưới cơn mưa rào sau bao ngày nắng hạn, phải kể tới VGS, HSG, NKG, SMC, TLH,...

Thêm vào đó, Top 15 cổ phiếu góp sức kéo chỉ số thị trường bứt phá còn có VHM tăng 3,5% qua đó đóng góp 1,6 điểm tăng cho VN-Index, VRE tăng 6,21% đóng góp gần 1 điểm cho VN-Index. Hay cổ phiếu bán lẻ MWG (+6,61%), cổ phiếu công nghệ FPT (+4,7%) cũng đóng góp tổng cộng gần 2 điểm cho chỉ số chính.

Ở chiều ngược lại, những cổ phiếu phần nào kìm hãm đà tăng của VN-Index ngoại trừ VNM, có thể kể tới cổ phiếu chịu ảnh hưởng tin đồn gần đây là NVL và PDR; ngoài ra EIB thuộc nhóm ngân hàng đi ngược thị trường chung trở thành tác nhân kéo điểm thị trường xuống.

Một điểm sáng nữa trong phiên hôm nay là dòng tiền trở nên tích cực, chủ động gia nhập và bắt đáy cổ phiếu. Tổng giá trị giao dịch trên HoSE đạt hơn 14.300 tỷ đồng, trong đó giá trị khớp lệnh đạt gần 12.300 tỷ đồng tăng 30% so với phiên trước và cũng là mức cao nhất trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây

Trong báo cáo gần đây, chứng khoán ACBS đánh giá chỉ số VN-Index vẫn duy trì được sức hút lớn hơn đối với nhà đầu tư dài hạn so với các thị trường ngang hàng cùng P/E forward ở mức 9,8 lần. ROE hiện tại của VN-Index là khoảng 15,4%, trong số các thị trường có tỷ suất sinh lợi cao nhất. Mặc dù dự đoán đáy của thị trường quá khó trong thời điểm này, nhưng ACBS cho rằng mức định giá thấp so với lịch sử có thể đem lại lợi suất hấp dẫn cho nhà đầu tư dài hạn.

Đánh giá về triển vọng dài hạn, ACBS tin rằng thị trường niêm yết của Việt Nam có vị thế tốt để tiếp tục phát triển song song với nền kinh tế nói chung. Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận cao đến từ nền tảng kinh tế vĩ mô với triển vọng lạc quan trong dài hạn và sức khỏe tài chính của các công ty niêm yết. Mặt khác, làn sóng xử lý vi phạm trên thị trường dù có đem lại một số khó khăn trong ngắn hạn, song sẽ có lợi cho sự phát triển bền vững lâu dài của thị trường.

Theo Dương Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM