Những chiêu trò bán hàng của cò môi giới bất động sản cao cấp ở Mỹ
Hết thời cung không đủ cầu, giới siêu giàu thì thắt chặt hầu bao, 'cò' môi giới bất động sản tại Mỹ đang dùng những cách thức tiêu cực nhất để bán được nhà.
Cơn sốt chung cư cao cấp bắt đầu từ những năm 2000. Từ đó thị trường này phát triển không ngừng, nhất là ở những thành phố lớn.
Nhưng một khảo sát gần đây ở Sunny Isles, Miami cho thấy, nhiều căn hộ trị giá từ 5 triệu USD đã tồn kho đến 17 năm. Trong khi đó, 50 ngôi nhà cực kì cao cấp có giá từ 35,5 triệu USD đến 500 triệu USD, đang được rao bán nhưng không nhiều nhu cầu mua được xác định.
Tại New York cũng không ngoại lệ. Nhiều căn hộ ở thành phố này đã được rao bán nhiều tháng, thậm chí nhiều năm và cuối cùng một số đã phải giảm giá mạnh hoặc chia thành những căn hộ nhỏ hơn để bán.
Căn hộ penthouse sang trọng tại 432 Park Avenue - tòa nhà dân cư cao nhất New York được niêm yết với giá 82 triệu USD hai năm trước nay phải phân đôi để bán.
Sự chững lại này của thị trường khiến những người môi giới bất động sản không thể "ngồi yên". Hàng loạt những biện pháp kích cầu đầy sáng tạo và cũng rất "đốt tiền" được áp dụng.
Đầu tiên là giảm giá lớn. Đơn cử như biệt thự với tên gọi "Tỷ phú" ở Bel-Air, có mặt trên thị trường hai năm trước với giá 245 triệu USD - một trong những căn hộ đắt nhất ở Mỹ thời điểm đó. Nhưng đến hai tuần trước, căn biệt thự này giảm giá chỉ còn 195 triệu USD với hy vọng "có chủ".
Biệt thự siêu cao cấp "Tỷ phú" nhưng nay giảm đến gần một nửa giá trị
Một cách làm khác là quay những đoạn phim quảng cáo công phu, kịch tính kích thích người mua biệt thự. Theo Alexander Ali, người sáng lập và giám đốc điều hành công ty quan hệ công chúng thuộc Tập đoàn Social, khẳng định: "Chúng tôi đã sản xuất được những video được hơn 3 triệu lượt xem trên toàn thế giới, gây ra chấn động lớn trên thị trường."
Ngoài ra, Ali còn giúp những đại lý bất động sản hạng sang tổ chức những bữa tiệc độc quyền để thu hút những khách hàng tiềm năng. Khoảng 500 khách đã được mời đến xem buổi diễn trong căn biệt thự trị giá 55 triệu USD để chiêm ngưỡng những màn trình diễn thực tế ảo quy mô tại đây.
Nhiều biện pháp tu sửa khác cũng được áp dụng. Meridith Baer, người đã trang hoàng cho khoảng 150 căn nhà xa xỉ mỗi tháng trên khắp nước Mỹ, nói rằng giới siêu giàu đang ít quan tâm đến tầm nhìn hoàn hảo của ngôi nhà mà chú trọng đến độ tinh tế và sự bền bỉ bên trong. Họ muốn mua căn nhà như mua một bộ sưu tập nghệ thuật.
Biện pháp cuối cùng là cho thuê. Một ngôi nhà cũng ở Bel-Air rộng 34.000 mét vuông, được xây dựng vào năm 2018 bởi bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ có trụ sở tại Los Angeles Raj Kanodia, trước đây được rao bán với giá 180 triệu đô la. Nhưng sau khi vật lộn để tìm người mua, Kanodia đã phải cho thuê nó với giá 1,5 triệu đô la mỗi tháng - một trong những hợp đồng cho thuê đắt nhất ở Mỹ, theo Compass.