"Những bữa ăn trưa tại văn phòng" đang giết chết ngành kinh doanh nhà hàng Mỹ như thế nào?

31/05/2017 16:00 PM | Kinh tế vĩ mô

Ngày nay, các nhà hàng tại Mỹ đang lâm vào thế khó khi ngày càng nhiều nhân viên không muốn tốn thời gian dùng bữa trưa ở ngoài. Thay vào đó, họ chuộng gọi đồ ăn nhanh hoặc sử dụng những startup giao thực phẩm hơn.

Số liệu của hãng nghiên cứu NPD Group cho thấy trong năm 2016, người Mỹ đi ăn trưa ở nhà hàng ít hơn 433 triệu bữa so với năm trước đó, khiến ngành dịch vụ này thiệt hại khoảng 3,2 tỷ USD. Đây là mức đi ăn trưa tại nhà hàng thấp nhất trong hơn 40 năm qua tại Mỹ.

Số lần đi ăn trưa của năm 2016 thấp hơn 2% so với năm 2015 và đánh dấu một năm tệ hại của ngành dịch vụ nhà hàng phụ thuộc chủ yếu vào bữa trưa. Trong suốt 10 năm qua, ngành kinh doanh nhà hàng tại Mỹ tăng trưởng rất ít, nếu không muốn nói là đi ngang.

Rất nhiều nhân viên Mỹ ngày nay có rất ít thời gian để thưởng thức bữa trưa tại các nhà hàng, thậm chí những bữa trưa mang tính chất xã giao, quan hệ cũng ít được sử dụng hơn. Thay vào đó, các nhân viên gọi món và thậm chí tổ chức buổi gặp mặt khách hàng, quan hệ xã giao ngay tại văn phòng.

Anh Jim Park, một nhân viên văn phòng 35 tuổi làm việc tại Ohio-Mỹ cho biết mình không còn thói quen ra ngoài ăn như trước, thay vào đó là những món ăn chuyển phát nhanh đặt cạnh máy fax và điện thoại bàn.

Thậm chí những vị lãnh đạo ngày nay tại Mỹ cũng thích ăn trưa ở văn phòng hơn là tốn thời gian ra ngoài. Chủ tịch Scott Colosi của Texas Roadhouse cho biết việc chuyển phát đồ ăn trưa tại công ty ông đã trở thành chuyện quá thường xuyên đến mức họ còn biết cả tên người vận chuyển.


Tăng trưởng giá mua thực phẩm về nhà và chi phí thực phẩm ăn ở ngoài tại Mỹ kể từ năm 2008 (%)

Tăng trưởng giá mua thực phẩm về nhà và chi phí thực phẩm ăn ở ngoài tại Mỹ kể từ năm 2008 (%)

Kinh doanh nhà hàng: Chậm là chết

Thông thường, việc kinh doanh ăn uống nhà hàng đem lại khá nhiều lợi nhuận cho các ông chủ khi nhu cầu ăn uống của con người là không thể thiếu. Dẫu vậy, tình hình hiện nay đã khác khi chi phí nhân công tăng khiến các nhà hàng phải tăng giá nhằm đảm bảo lợi nhuận. Trong khi đó, giá thực phẩm giảm khiến việc đặt hàng thức ăn nhanh hoặc tự mua về rẻ hơn rất nhiều so với đi ăn ngoài.

Trước tình hình này, các nhà hàng tại Mỹ đã cung cấp những dịch vụ chuyển phát đồ ăn, phục vụ các thực đơn nhỏ hơn để giảm giá… Dẫu vậy, sự dịch chuyển này đang khiến nhà hàng lỗ nặng bởi doanh thu từ phục vụ đồ uống trong nhà hàng, những món khai vị, tráng miệng… cũng đóng góp một phần lớn cho lợi nhuận và chúng thường bị bỏ qua khi chuyển phát. Hơn nữa, việc duy trì một nhà hàng hàng vắng khách với tiền điện nước, nhân công cũng khá tốn kém.

Số liệu của NPD cho thấy những chuỗi nhà hàng đơn thuần như Dine Equity hay Ruby Tuesday tại Mỹ đang bị ảnh hưởng nặng do tốn quá nhiều thời gian từ lúc gọi món cho đến thanh toán tiền. Trong năm 2016, số lượt khách hàng đến những nhà hàng này giảm mạnh chưa từng thấy.

Thậm chí kể cả những cửa hàng ăn nhanh cũng chứng kiến sự tăng trưởng vô cùng chậm. Số lượt khách hàng đến những cửa hàng này đã giảm 2% trong năm 2016 sau khi đã tăng trưởng ít nhất 5% trong 4 năm trước đó.


Tự mua đồ về làm chỉ có giá 3,82 USD, trong khi mua đồ ăn nhanh cùng với 1 món lại đắt tới 6,7 USD mà trông kém hấp dẫn hơn.

Tự mua đồ về làm chỉ có giá 3,82 USD, trong khi mua đồ ăn nhanh cùng với 1 món lại đắt tới 6,7 USD mà trông kém hấp dẫn hơn.

Không chỉ ngành kinh doanh nhà hàng, việc ít đi ăn trưa còn ảnh hưởng đến hàng loạt những ngành kinh doanh khác, ví dụ như những công ty cung cấp nguyên liệu cho các nhà hàng này.

Hãng cung cấp thịt nổi tiếng tại Mỹ Tyson Foods vừa cho biết doanh thu theo quý của họ đã giảm 29% do nhu cầu suy giảm từ các nhà hàng.

“Khách hàng ngày nay ưa thích mua những thực phẩm tươi sống, có lợi cho sức khỏe từ các siêu thị và thưởng thức chúng tại văn phòng hơn là đến các nhà hàng ăn trưa”, CEO Tom Hayes của Tyson cho biết.

Số liệu của Cục nghiên cứu lao động Mỹ (BLS) cho thấy mức giá bình quân ăn trưa tại nhà hàng Mỹ đã tăng 19,5% lên 7,59 USD kể từ sau cuộc khủng hoảng 2008 do giá nhân công tăng bất chấp việc nguyên liệu thực phẩm giảm giá. Năm 2016, giá thực phẩm tại Mỹ đã giảm lâu nhất trong hơn 50 năm qua.

Bên cạnh đó, thói quen ăn uống của người tiêu dùng ngày nay cũng đang dần thay đổi. Số liệu của BLS cho thấy những người làm bán thời gian tại nhà hoặc ít khi ra ngoài ăn ở Mỹ đã tăng mạnh từ 19% năm 2003 lên 24% năm 2015. Hơn nữa, thương mại điện tử phát triển khiến ngày càng nhiều người muốn gọi món hơn là mất thời gian đi nhà hàng.

Cuộc đại cách mạng trong ngành kinh doanh nhà hàng

Dẫu vậy, một điều thú vị là doanh thu của các nhà hàng cho bữa trưa lại đi ngang. Nguyên nhân chủ yếu là dù số khách giảm nhưng giá món ăn lại tăng khiến nhà hàng vẫn giữ được lợi nhuận. Dẫu vậy, chiến lược của các cửa hàng ngày nay khác khác nhau với mục tiêu đưa thực khách quay trở lại.

Một số chuỗi nhà hàng như Brinker International hay Darden Restaurants giảm giá thực đơn xuống thấp hơn cả các chuỗi đồ ăn nhanh nhằm hút khách trở lại. Trong khi đó, chuỗi nhà hàng thịt bò Fogo de Chao, nơi có giá bình quân 34 USD/bữa trưa và tốn khoảng 2 tiếng chờ, mới đưa ra gói 15 USD/bữa trưa với 1 giờ nấu nước kèm thêm nhiều salad, súp…

Trong khi đó, nhiều chuỗi nhà hàng nổi tiếng tại Mỹ đang phải tái cơ cấu, hoặc thậm chí nộp đơn phá sản như Cosi, Garden Fresh… Một số nhà hàng khác như Ruby Tuesday hay Famous Dave’s of America thậm chí đã phải đóng cửa.

Giám đốc Josh Benn của tập đoàn tư vấn tài chính Duf& Phelp Corp nhận định xu hướng đồ ăn nhanh, có lợi cho sức khỏe đang là xu thế mới trong ngành thực phẩm.

“Tôi cho rằng đang có sự thoái trào của kiểu nhà hàng truyền thống và một xu thế tái cấu trúc mới đang diễn ra trong toàn ngành ẩm thực”, ông Benn nói.

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM