Điều gì làm nên sức công phá khủng khiếp của Golden Gate - đế chế sở hữu gần 200 nhà hàng Vuvuzela, Kichi Kichi...?
Từ 8 nhà hàng lẩu nấm, Golden Gate đã phát triển nhanh chóng và nâng số cửa hàng hiện nay lên 190, phục vụ 4 triệu lượt khách vào năm 2016.
Xuất phát với thương hiệu lẩu nấm Ashima, giờ đây Golden Gate Group là chủ sở hữu của nhiều chuỗi nhà hàng nổi tiếng, trong đó có những cái tên mang tính tiên phong, đã ghi dấu sâu sắc trong tâm trí thực khác về “sự chọn lựa đầu tiên” (top of mind) ở Hà Nội như lẩu nấm Ashima, lẩu băng chuyền Kichi-Kichi hay nhà hàng bia Vuvuzela, cùng nhiều chuỗi đa dạng khác như iCook, iSushi, Cowboy Jack’s, Gogi House… Tổng số thương hiệu hiện lên tới hơn 20 và số nhà hàng là 190 trên cả nước.
Theo số liệu lần đầu tiên chính thức công bố, doanh thu của Golden Gate Group trong năm 2016 lên tới hơn 2.600 tỷ đồng, cao gấp 10 lần so với thời điểm năm 2010-2011.
Đáng chú ý, chỉ trong 3 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của Golden Gate phát triển chóng mặt. Năm 2014, doanh thu tăng trưởng tới 150% và 2 năm 2015-2016 vừa qua duy trì ở mức hơn 40%.
Golden Gate thành công nhờ đâu?
Thành công của Golden Gate ngày nay có đóng góp rất lớn của quỹ đầu tư Mekong Capital. Golden Gate ra đời từ năm 2005 và là đơn vị tiên phong áp dụng mô hình chuỗi nhà hàng ở Việt Nam. Tuy nhiên, phải đến năm 2008, khi nhận vốn góp 2,6 triệu USD từ Mekong Capital, Golden Gate mới bắt đầu lột xác ngoạn mục và trở thành chuỗi nhà hàng lớn nhất Việt Nam.
Hơn cả một khoản đầu tư, Mekong Capital đã giúp cho Golden Gate Group đi đúng hướng hơn và tăng trưởng nhanh chóng hơn. Cụ thể, Mekong Capital đã hỗ trợ mời cựu CEO chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh KFC khu vực Châu Á về làm cố vấn cho Golden Gate. Nhờ đó, công ty này đã củng cố lại chuỗi cung ứng, giúp giảm đáng kể chi phí nguyên liệu đầu vào.
Theo ông Chad Ovel, Tổng giám đốc Mekong Capital, chìa khóa giúp Golden Gate như ngày nay là Mekong Capital đã giúp Golden Gate tiếp cận với những người có kinh nghiệm trên thế giới.
Ông Chad Ovel chia sẻ: “Điều mà chúng tôi đã luôn thực hiện một cách nhất quán đó là giới thiệu Golden Gate tiếp cận những công ty đã trải qua thời kỳ tăng trưởng tương tự. Không phải là nói cho họ biết cần phải làm gì, mà kết nối họ với những chuyên gia trong ngành ở Mỹ hay bất cứ đâu. Khi chúng tôi cùng họ đi đến Hồng Kong, Tokyo, Bangkok hay Thượng Hải, họ sẽ phấn khích và có động lực hơn khi quay về để phát triển việc kinh doanh của công ty".
Thông thường, những người quản lý cấp cao của quỹ sẽ dành cả tuần và cùng ngồi với những người quản lý có liên quan trong lĩnh vực tương ứng. “Có thể là nửa ngày với giám đốc nhà bếp trung tâm, và nửa ngày với giám đốc tài chính, và họ có thể hỏi bất kỳ điều gì như làm cách nào để tạo ra hệ thống thưởng hay thương lượng với các nhà cung cấp?”
Theo ông Ovel thì những chuyến đi như vậy đã đưa lãnh đạo của Golden Gate đến với một thứ gọi là “cú hích”, điều này đã thay đổi hoàn toàn định hướng đối với việc kinh doanh của công ty.
Cùng với sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư của quỹ và mạng lưới mối quan hệ sâu rộng của họ, Mekong Capital cũng đã giới thiệu cấp quản lý của Golden Gate với những tập đoàn kinh doanh nhà hàng hàng đầu trên thế giới.
"Phần khó chính là trang bị cho Golden Gate những câu hỏi hóc búa khi gặp các chuyên gia. Đó thật sự là điển hình của việc 'thấy mới tin' ", ông Ovel cho biết thêm.
Tăng trưởng về số lượng khách hàng
Có được sự trợ giúp nhiều mặt từ Mekong Capital, hiệu quả kinh doanh của Golden Gate thể hiện rõ ngay trên các con số. Tính đến cuối năm 2016, Golden Gate đã cán mốc 4 triệu khách hàng, quy mô tài sản gần 1.200 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ chỉ 62,8 tỷ đồng.
Vuvuzela và Kichi Kichi: Những cách thành công khác nhau
Nhờ hỗ trợ từ Mekong Capital, quy trình để tạo ra một mô hình (concept) nhà hàng mới được tiến hành rất bài bản và chuyên nghiệp. Theo đó, với mỗi mô hình khác nhau, công ty này có 2 cách nghiên cứu thị trường chính thống và không chính thống.
Trước tiên là phải có quá trình nghiên cứu và ước lượng dung lượng thị trường. Sau đó là dựa trên sự quan sát và cảm nhận như: các món ăn, không gian, phục vụ… Đội R&D sẽ đảm trách việc nghiên cứu các mô hình mới, tìm kiếm các nguồn lực để triển khai. Sau đó các CEO, ban điều hành và các bộ phận trong công ty sẽ họp bàn thảo luận phương án thực hiện.
Ngoài các mô hình cũ như Sumo BBQ, Kichi Kichi, Ashima, 2 mô hình chủ đạo đem đến sự thay đổi và doanh thu nhiều nhất hiện tại là Vuvuzela và Gogi House, được ra mắt từ 4 năm trước - năm 2013. Đây là những mô hình tạo sự tăng trưởng vượt trội về doanh thu ngay cho năm 2014 sau đó (tăng tới 150%) và tiếp tục tăng trưởng tốt ở thời điểm hiện tại. Ước tính 60% doanh thu đến từ các mô hình Sumo BBQ, Kichi Kichi, Ashima, Gogi House và Vuvuzela.
Hiện Vuvuzela cũng đang là mô hình nổi bật nhất hiện nay, với 15 nhà hàng tại 6 tỉnh, thành gồm Hà Nội, TPHCM, Vinh, Đồng Nai, Vũng Tàu, Cần Thơ. Các nhà hàng Vuvuzela sở hữu vị trí bắt mắt, diện tích rộng và đội ngũ nhân viên hùng hậu.
Vuvuzela ra mắt tại Hà Nội từ năm 2011 dựa trên một mô hình của Mỹ và có sự điều chỉnh cho phù hợp với thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, khi mới ra mắt, Vuvuzela không thực sự thành công.
Đến năm 2013, mô hình này bùng nổ mạnh mẽ và không ngừng mở rộng tại Tp.Hồ Chí Minh. Kết quả là hệ thống Vuvuzela phát triển rộng khắp toàn quốc và trở thành một trong những chuỗi beer club đứng đầu thị trường. Lãnh đạo Golden Gate từng chia sẻ, sau khi Vuvuzela thành công, thị trường đã có sự cạnh tranh lớn với khoảng 43 thương hiệu beer club trên địa bàn TPHCM và tính chung thị trường miền Nam là gần 100. Điều này cho thấy thị trường hiện nay vẫn còn rất tiềm năng.
Trong một chia sẻ với chúng tôi vài năm trước, đại diện Golden Gate nhận định, thông thường các mô hình nhà hàng phát triển trong khoảng 3 năm và sẽ đi vào thoái trào. Tuy nhiên, một số mô hình đời đầu của Golden Gate, như Kichi Kichi hiện nay vẫn còn đất sống và là một trong số những chuỗi thu hút khách mới đông nhất của Golden Gate. Kichi Kichi khi mới ra đời thu hút khách hàng bằng yếu tố mới mẻ, nhưng khi khách hàng đã trải nghiệm đủ thì yếu tố để giữ chân khách hàng chính là chất lượng thức ăn, thái độ phục vụ và chiến lược marketing.
"Golden Gate theo đuổi cả hai chiến lược trong xây dựng mô hình. Đó là mục tiêu ngắn hạn: tạo là trào lưu mới và mục tiêu dài hạn: xây dựng hệ thống bền vững. Cách giữ khách của Golden Gate là làm cho khách hàng hài lòng với số tiền mình bỏ ra", vị lãnh đạo này của Golden Gate khẳng định.
Như nhiều chuỗi bán lẻ khác, việc tìm một mặt bằng tốt là một trong các tiêu chí tối quan trọng để làm nên thành công của chuỗi. Hiện tại, ngoài các cửa hàng trên đường Golden Gate đang hướng tới việc phát triển vào các trung tâm thương mại. Mục tiêu quan trọng trong tương lai của Golden Gate là đi vào các trung tâm thương mại.
Theo đánh giá của một chuyên gia F&B, việc kinh doanh nhà hàng trong các trung tâm thương mại của các đơn vị lớn và có thương hiệu uy tín sẽ vẫn luôn tốt, với mức tăng trưởng khá ổn định. Trái lại, các nhà hàng nhỏ chưa gây dựng được thương hiệu thường khó duy trì trong các trung tâm thương mại, bởi chi phí thuê cao nhưng khả năng được khách hàng nhận diện và lựa chọn lại thấp.