Những bí mật tạo nên Coteccons danh tiếng và gót chân Achilles

22/11/2016 20:02 PM | Kinh doanh

Có vẻ như, mải mê với tăng trưởng và các công trình không hết việc, Coteccons quên mất những đối thủ không thiếu tiền, kinh nghiệm đang mọc lên như nấm sau mưa và Coteccons cũng quên mất việc xây dựng cho mình những mô hình quản trị tiên tiến cần cho phát triển bền vững sau này.

Bảy, tám năm trước, Coteccons chỉ là một doanh nghiệp lọt thỏm giữa muôn vàn doanh nghiệp khác. Coteccons cũng không nằm trong danh sách "watch list" của những chủ đầu tư lớn mỗi khi dự tính gọi thầu cho dự án lớn nào của họ vì vốn liếng chỉ vỏn vẹn vài chục tỷ. Chẳng có gì để nói về một Coteccons ngoài việc cứ một đồng vốn, Coteccons tạo ra 1-1,5 đồng lãi mỗi năm hồi 2006, 2007.

Hồi năm 2010, khi sắp sửa lên sàn, Coteccons vẫn lo ngại nhiều về rủi ro kinh doanh. Lo từ việc hàng loạt dự án trong nước phải dừng hoặc giãn tiến độ do thiếu vốn hoặc nhu cầu không cao, lo rằng ngồn vốn FDI sụt giảm quá sâu ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn công việc của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Coteccons cũng e ngại rằng việc mở cửa rộng hơn ra hội nhập với nền kinh tế thế giới mang đến cho Việt Nam nhiều dự án đầu tư nước ngoài nhưng cũng mang đến hàng loạt nhà thầu có tên tuổi, tiềm lực tài chính, công nghệ kỹ thuật cao trên thế giới cũng đặt chân vào thị trường Việt Nam.

Nói chung, lúc đó, Coteccons lo ngại đủ đường dù rằng vẫn được một tổ chức đánh giá bình chọn là doanh nghiệp đứng đầu khối các doanh nghiệp tư nhân ngành xây dựng. Cảm tưởng như một doanh nghiệp loay hoay mãi không tìm thấy đường bứt phá sáng giá.

Ấy thế nhưng, chỉ trong vài năm ngắn ngủi, từ một doanh nghiệp nhỏ bé không tên tuổi, Coteccons vươn mình lớn dậy và đến nay, danh xưng mọi người đặt cho Coteccons là: Ở đâu có công trình lớn, ở đó có Coteccons! Việc làm không xuể.

Những bí mật tạo nên Coteccons danh tiếng

Tạo ra Nguồn tiền khổng lồ. Nguồn tiền như mật chết ruồi vậy. Nói nôm na, sở hữu một cục tiền to khiến Coteccons trở nên hấp dẫn một cách lạ kỳ. Nỗi lo sợ lớn nhất của chủ đầu tư là năng lực của bên thi công xây dựng.

Tháng 4/2012, Coteccons phát hành thành công 10,43 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư chiến lược với mức giá phát hành là 50.000 đồng/cổ phiếu tức gấp 5 lần mệnh giá. Vốn điều lệ tăng lên và ý nghĩa hơn là công ty thu về hơn 520 tỷ đồng.

Trong khi thị trường đang tràn lan doanh nghiệp thi công xây dựng được ví như những miếng vá chằng chịt thiếu trước bù sau, thiếu sau kéo trước và miếng chăn ngắn có co có kéo mấy cũng không thể vừa thì Coteccons nhanh chóng gạt đi nỗi lo đó bằng cục tiền khổng lồ: tôi có tiền, tôi có người, tôi có dư sức đi hết quãng đường dài của một dự án mà không rủi ro gì cả.

Trong đấu thầu, ngoài kinh nghiệm thì năng lực tài chính là một mấu chốt chính. So với các doanh nghiệp lớn nước ngoài đầy kinh nghiệm thì Coteccons kiếm được những khách hàng lớn trong nước đầu tiên nhờ điểm "bù" là Tiền.

Có được khách hàng lớn đầu tiên là dấu mốc cực kỳ quan trọng. Nó như đôi cánh của con công vậy. Coteccons liên tiếp có được khách hàng lớn trong khi hàng loạt doanh nghiệp khác loay hoay cả chữ Tiền và chữ Kinh nghiệm. Sự lớn mạnh cũng từ đó mà ra.

Năm 2012 cũng là năm đánh dấu chuỗi ngày: “Ở đâu có công trình lớn, ở đó có Coteccons! Việc làm không xuể” của Coteccons. Thời của những dự án lớn, siêu lớn nổ ra đúng lúc Coteccons lấy được cho mình cả 2 chữ quan trọng nhất ngành. Dự án lớn cứ thế gọi tên Coteccons.

Doanh thu, lợi nhuận của công ty tăng bùng nổ sau đó. Dù 3 năm liền 2012, 2013, 2014 công ty không tăng thêm vốn nhưng doanh thu mỗi năm của Coteccons tăng mấy chục phần trăm một năm. Năm 2015, Coteccons cán ngưỡng doanh thu 13.670 tỷ đồng doanh thu, gấp 3 lần và lợi nhuận đạt 732 tỷ đồng, gấp 3,34 lần năm nhận được sự quan tâm góp của cổ đông chiến lược.

Sự bứt phá thần kỳ của Coteccons cũng giúp cổ phiếu CTD của công ty thăng hoa hơn bao giờ hết. CTD hiện là cổ phiếu giá cao nhất thị trường chứng khoán.

Gót chân của Achilles

Nhìn Coteccons hùng mạnh bây giờ, ít người nhận ra hay nhớ đến câu chuyện về gót chân Achilles. Cũng như con người, anh có thể nạp thật nhiều để có cơ thể lớn mạnh thật nhanh nhưng không có nghĩa là mọi bộ phận trên cơ thể anh có thể theo kịp vẻ bề ngoài hoành tráng. Coteccons cũng vậy, như một chàng trai tuổi thiếu niên cao lớn, chững chạc như người trưởng thành. Người tinh mắt sẽ đôi lúc nhận ra sự thật ẩn đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng.

Có tiền, có kinh nghiệm giúp Coteccons bùng nổ từ 2012 đến nay nhưng tiếp tới có còn lợi thế đó?

Báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2016 vừa được công ty công bố cho thấy sự tăng trưởng tích cực của Coteccons so với cùng kỳ năm trước khi doanh thu đạt 5.317 tỷ đồng – tăng 39%, lợi nhuận sau thuế đạt 366 tỷ đồng – tăng trưởng 74%.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào kết quả kinh doanh trong 2 quý gần nhất thì có thể thấy đà tăng trưởng của Coteccons đang dần chậm lại. Cụ thể, so với doanh thu 5.003 tỷ đồng đạt được trong quý 2 thì doanh thu quý 3 vừa qua chỉ tăng 6,3%. So với mức tăng trưởng quý 3 hàng năm thì đây là con số không thực sự ấn tượng bởi quý 3 và quý 4 luôn là thời kỳ cao điểm của xây dựng và kết quả kinh doanh thường bứt phá mạnh trong khoảng thời gian này.

Cụ thể, trong 2 năm gần nhất (2014 và 2015), doanh thu quý 3 của Coteccons đều tăng trưởng trên 30% so với quý 2. Ngay cả trong năm 2013, giai đoạn chưa thực sự bùng nổ thì mức tăng trưởng quý 3 so với quý 2 của Coteccons vẫn đạt 17%. Sự chững lại trong 1 quý dù chưa đủ để khẳng định đà tăng trưởng phi mã của Coteccons đã chấm dứt hay chưa nhưng sự nghi ngờ có nguyên do của nó.

Nhân tố cạnh tranh mới là một trong những điểm khiến người ta cho rằng nghi ngờ là có lý do. Những doanh nghiệp xây dựng không thiếu tiền, không thiếu kinh nghiệm lên nhanh như nấm sau mưa. Điển hình như trên sàn chứng khoán, Faros hình thành từ lòng Tập đoàn FLC và không khó hiểu khi năng lực quản trị, tài chính, kinh nghiệm được bồi đắp từ đây. Vốn của Faros gấp 10 lần Coteccons, Faros cũng có kinh nghiệm thi công từ hàng loạt công trình lớn của FLC. Faros vốn dĩ chưa có nhiều công trình lớn ngoài công ty mẹ, nhưng, nếu đem tiềm lực mà đi khoe, Faros cũng không mấy kém cỏi khi tổng giá trị xây dựng của FLC mấy năm nay đạt đến con số vài tỷ đô la và sở hữu nhiều dự án quy mô lớn.

Hòa Bình ( HBC ) là đối thủ “muôn thuở” của Coteccons cũng lớn rất nhanh. Cùng phát hành riêng lẻ, trả thưởng bằng cổ phiếu cho cổ đông, vốn điều lệ của HBC từ mức thấp như Coteccons hồi năm 2007-2008 đến nay đã đạt gấp mươi, mười lăm lần. Doanh thu cũng đã cán ngưỡng hơn 5 nghìn tỷ năm 2015 và 9 tháng đầu năm cũng tăng mạnh. Và, điều đáng nói là người ta không nhìn ra sự chững lại như Coteccons. Hòa Bình như đôi bạn cùng tiến nhiều năm nay với Coteccons nhưng giờ đang chạy với tốc độ nhanh hơn.

Thứ hai nữa là quản trị. Có vẻ như, mải mê với tăng trưởng và các công trình không hết việc, Coteccons quên mất việc xây dựng cho mình những mô hình quản trị tiên tiến. Theo sơ đồ tổ chức của CTD trong Báo cáo thường niên năm 2015, Ban Kiểm soát được hình thành và độc lập với Hội đồng Quản trị đúng với tinh thần của Luật Doanh nghiệp, thực hiện vai trò giám sát của Ban Kiểm soát với các hoạt động của Hội đồng Quản trị và Ban Tổng giám đốc. Tuy nhiên, ngoài Ban Tài chính và Phòng Tài chính kế toán ra, CTD chưa có phòng Kiểm toán nội bộ là cánh tay nối dài và hỗ trợ cho hoạt động của Ban Kiểm soát.

Thứ ba là rủi ro “độc canh” đang hiện hữu. 70% doanh thu của Coteccons trong năm 2014, 2015 đến từ ngành xây lắp các công trình dân dụng và công nghiệp. Thế độc canh này đang gặp rủi ro khi mà thị trường bất động sản và phát triển công nghiệp gặp khó khăn hoặc chịu áp lực cạnh tranh lớn từ các nhân tố mới nổi. Nhận thức được điều này, Coteccons đã đưa ra định hướng phát triển mới trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhưng, thành công trong lĩnh vực mới chưa thấy.

Hấp dẫn thì ắt sẽ có người tìm mua. Câu hỏi về sự tăng trưởng tiếp theo của Coteccons còn khiến nhà đầu tư nặng lòng hơn nữa khi mà ông vua thị giá này dù phát hành huy động vốn theo hình thức riêng lẻ mới đây với giá thấp hơn nhiều thị giá chỉ thành công được 80%.

Theo Phương Chi

Cùng chuyên mục
XEM