"Mượn sức" người Nhật, Coteccons chiến thắng 2 ông lớn Hàn Quốc
Bằng việc bắt tay với Obayashi của Nhật, Coteccons đã vượt qua hai đối thủ lớn trong ngành xây dựng đến từ Hàn Quốc là Lotte và Ssangyong để trúng thầu dự án Landmark 81 tầng của chủ đầu tư Vingroup, với tổng giá trị gói thầu có thể lên đến 6.000 tỷ đồng.
Chiến lược đứng trên vai người khổng lồ
“LM81 sẽ là một cột mốc mới đánh dấu một bước phát triển mới nữa của CotecCons khi đây là lần đầu tiên xây dựng tòa nhà cao 81 tầng, anh em trong công ty cũng rất tự hào”, ông Nguyễn Bá Dương mở đầu câu chuyện khi được người viết hỏi về thông tin trúng thầu dự án Lanmark 81 tầng.
Ông Dương kể lại, CotecCons được mời tham gia cùng những nhà thầu quốc tế, lúc đó CTD đặt vấn đề là nếu CTD làm nhà thầu chính, các nhà thầu quốc tế hỗ trợ thì Chủ đầu tư cũng đã đồng ý. Tuy vậy, sau khi nộp hồ sơ, phỏng vấn, thuyết trình xong thì hai bên cũng có sự trao đổi qua lại nhưng cũng lâu lắm CTD không nhận được phản hồi.
“Bẵng đi một thời gian như vậy khiến tôi nghĩ rằng chắc họ cần hình ảnh quốc tế chứ không phải mình. Do vậy, khi anh Vượng (Ông Phạm Nhật Vượng, chủ tịch tập đoàn Vingroup) gọi tôi và đồng ý giao cho chúng tôi làm tổng thầu thì tôi cũng hơi bất ngờ” – Ông Dương cho biết thêm.
The Landmark81 là dự án cao nhất mà Coteccons thi công xây dựng. LM81 có độ cao dự kiến hơn 461m, gồm 81 tầng được xây dựng tại vị trí trung tâm của khu đô thị Vinhomes Central Park, ngay bên bờ sông Sài Gòn. Dự án được thực hiện bởi những tên tuổi lớn rất uy tín. Phần thiết kế do tập đoàn Atkins, phần kết cấu tòa nhà là Arup, phần điện nước là Aurecon.
Đây là công trình phức hợp có tổng diện tích sàn xây dựng 203,829m2, bao gồm các không gian chức năng như khách sạn, căn hộ dịch vụ, căn hộ thương mại Oficetel, trung tâm mua sắm và các nhà hàng, bar, tầng quan sát...Một khi tòa nhà này đi vào hoạt động thì Landmark81 sẽ là 1 trong 10 tòa nhà cao nhất trên thế giới.
Ảnh mô hình tòa tháp Lanmark 81
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án này được mở thầu quốc tế với hàng chục hồ sơ dự thầu nhưng vào vòng chung kết chỉ có Coteccons, Lotte và SsangYong.
Công ty Ssangyong Engineering & Construction, một công ty xây dựng Hàn Quốc được thành lập từ năm 1977 với nhiều công trình khắp Châu Á như: Marina Bay Sand Hotel, W Hotel, Singapore National Indoor Stadium…Trong khi xây dựng Lotte là một nhánh của tập đoàn Cheabol nổi tiếng Hàn Quốc với doanh số gần 10 tỷ USD/năm.
Trong khi đó với Coteccons, mặc dù là nhà thầu nội điạ uy tín nhưng từ trước đến nay họ chỉ thi công từ 60 tầng trở xuống. Vậy vì đâu Coteccons lại vượt qua được 2 đối thủ sừng sỏ trong lĩnh vực xây dựng của thế giới là Lotte và SsangYong?
Theo ông Dương trong đấu thầu quốc tế có nhiều yếu tố quyết định đến việc thắng thầu, nhưng quan trọng nhất là hồ sơ đấu thầu, giá bỏ thầu, tên tuổi nhà thầu và quan hệ của nhà thầu với chủ đầu tư.
“Giá bỏ thầu thì Coteccons thậm chí còn cao hơn đối thủ, nên có lẽ sự chân thành của Coteccons trong suốt quá trình cùng hợp tác ở nhiều dự án của Vingroup đã góp phần không nhỏ trong việc chinh phục được hoàn toàn niềm tin của chủ đầu tư trong dự án quan trọng này”, ông Dương nhận định.
Ông chia sẻ thêm, về kỹ thuật, dù chưa từng thi công dự án nào trên 60 tầng, nhưng với dự án này Coteccons hoàn toàn tự tin, vì phía sau có sự hỗ trợ của Tập đoàn Obayashi đến từ Nhật Bản. Một yếu tố nữa chính là sự chuẩn bị, nhiều nhà đầu tư nước ngoài họ nhìn vào hồ sơ đấu thầu của CotecCons họ cũng phải nể vì chúng tôi chuẩn bị rất kỹ hồ sơ từ cách làm, cách thi công, triển khai, thiết bị rất đầy đủ, chiếu cả phim cho chủ đầu tư xem.
Theo chủ tịch Coteccons, đối với dự án cao hơn 51 tầng thì đòi hỏi trình độ thi công, quản lý cũng cao hơn và liên quan rất nhiều đến gió, địa chấn, thêm nữa là yếu tố lún theo thời gian do bê tông tự co lại. Ngoài ra, việc xây dựng cũng cần những yếu tố về bí quyết và sự kết hợp giữa các bộ phận, thiết bị vật tư và kiểm soát các mẻ bê tông đúng yêu cầu. Hay nói đúng hơn là kinh nghiệm. Tuy nhiên, những lo ngại của ông đã được bảo đảm bởi lời hứa từ lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn Obayashi.
Quả thật, nếu nhìn vào tên tuổi và hồ sơ của tập đoàn này dễ hiểu vì sao ông Dương tự tin đến vậy. Obayashi, một trong những tập đoàn xây dựng lớn nhất tại Nhật Bản, bao gồm 86 công ty con và 26 công ty liên doanh, với hơn 13.000 nhân viên và tổng doanh thu ròng hàng năm lên đến 1.400 tỉ Yên.
Công ty Obayashi được biết đến là nhà thầu xây dựng hàng loạt công trình biểu tượng của Nhật như nhà ga trung tâm Tokyo, là biểu tượng cho sự phát triển công nghệ kĩ thuật của công ty vươn lên tầm quốc gia. Khi cơn động đất Kanto tàn phá Tokyo vào năm 1923, nhà ga Tokyo vẫn còn nguyên vẹn; xây dựng sân bay quốc tế Kansai, đường cao tốc xuyên vịnh Tokyo, cũng như xây dựng công trình tầm cỡ khác như trung tâm triển lãm - hội nghị Tokyo, tòa nhà trung tâm Shinagawa, cao ốc Marunouchi, tháp Roppongi Hills Mori, và tháp phát thanh truyền hình Tokyo Skytree – tòa tháp cao nhất thế giới hiện nay.
Cột mốc mới của Coteccons
Với dự án LM81 vừa mới trúng thầu, ông Dương bày tỏ, nếu xét mặt tài chính, lợi nhuận từ dự án này cũng như những dự án xây dựng khác, thậm chí là khó hơn. Nhưng điều quan trọng nhất là CotecCons muốn đó là phải vươn lên tầm cao mới.
Thực tế cho thấy, hiện tại ở Việt Nam chỉ có 3 tòa nhà trên 60 tầng đều do các nhà thầu quốc tế thực hiện. Vì vậy, việc Coteccons lần đầu tiên thắng được các nhà thầu quốc tế tại công trình 81 tầng, cao trên 460 m, cho thấy bản thân công ty nói riêng và ngành xây dựng Việt Nam nói chung đã có những bước tiến quan trọng.
Riêng với Coteccons, sau cái mốc đáng nhớ đầu tiên là tòa nhà 33 tầng The Manor trên đường Nguyễn Hữu Cảnh do Bitexco làm chủ đầu tư đánh dấu lần đầu tiên CotecCons xây dựng nhà cao tầng khi trước đó chưa từng làm dự án nào lớn. Cái mốc thứ hai là dự án Hồ Tràm Strip, nơi CTD, một đơn vị Việt Nam lần đầu đánh bại các công ty nước ngoài trở thành tổng thầu cho dự án lớn hoàn toàn xa lạ mà vẫn làm được rất tốt thì Thì LM81 sẽ là một cột mốc mới nữa của CTD trong hành trình phát triển của doanh nghiệp này.
Ông Dương tự hào rằng “nếu mọi người nhìn kỹ sẽ thấy CotecCons đang có những sự đóng góp lớn cho sự phát triển của ngành xây dựng, như D&B hiện nay của CotecCons đang làm rất tốt. Đỉnh cao của xây dựng trên thế giới là D&B, nhưng cái đỉnh cao đó của toàn thế giới nếu so với CotecCons cũng không có sự khác biệt nhiều. CotecCons mang lại giá trị cho chủ đầu tư, chúng tôi tư vấn cho chủ đầu tư kể cả cách làm, cách kinh doanh mang lại hiệu quả nhất.”
“Có 3 mô hình mà CotecCons muốn làm, một là chuyên nghiệp như các nhà thầu của Mỹ, chân thành và tỷ mỹ từng chi tiết như như nhà thầu Nhật, và thứ 3 là lòng tin theo kiểu kinh doanh của người Hoa”, Ông Dương chia sẽ thêm về định hướng phát triển của CotecCons
Ông Dương lý giải rằng “trong nghề xây dựng, chỉ cần một sự chênh lệch nhỏ trong giá cả thì con số lời lỗ rất lớn, nhưng CotecCons chỉ luôn lấy đúng phần của mình để làm sao chủ đầu tư họ kinh doanh có lời được nhiều. Đó là mục tiêu CotecCons hướng đến”
Quay lại câu chuyện kinh doanh của Coteccons. Chỉ với dự án LM81, gói thầu thi công phần thân tòa tháp này là khoảng 2.000 tỷ, nếu hoàn thiện hết tòa nhà thì vào khoảng 6.000 tỷ đồng.
Trước đó, công ty này cũng vừa ký hợp đồng 75 triệu USD với Công ty Hồ Tràm để thi công giai đoạn 2 của dự án Hồ Tràm trong chuyến công du của tổng thống Mỹ Obama. Theo thống kê, giá trị các hợp đồng thi công xây dựng đã ký kết chuyển qua các năm tiếp theo khoảng 15.100 tỷ đồng.
Căn cứ theo tiến độ của các hợp đồng, dự kiến khoảng 11.000 tỷ đồng sẽ được thực hiện và ghi nhận trong năm 2016; 4.100 tỷ còn lại sẽ được thực hiện và ghi nhận trong năm 2017. Hiện các khách hàng của Coteccons bao gồm Tập đoàn T&T, Tập Đoàn Vingroup, TNR Holding, Đại Quang Minh, Khang Điền…
Rõ ràng, nguồn công việc quá lớn. Do đó, vấn đề đặt ra là nguồn lực đâu để Coteccons có thể thi công hàng loạt dự án như vậy?
“Chúng tôi đã lên mọi kịch bản cho các con số tăng trưởng và điều này CTD đã chuẩn bị lâu rồi, kịch bản về nhân công thì không quan trọng, mà quan trọng nhất là đội ngũ quản lý. Tính từ đầu năm, CTD đã tuyển chọn được 150 kỹ sư. Kế hoạch năm nay phải hơn 300 người”, ông Dương nói.