Những bài học về đầu tư, tiết kiệm mà ai cũng cảm thấy tiếc khi được biết quá muộn trong đời

09/07/2020 19:00 PM | Xã hội

Dù cho mục tiêu về tiền bạc của bạn là gì, đạt được nó cũng đòi hỏi bạn phải có một số kiến thức cơ bản về tài chính.

Một số người muốn trở thành đại gia. Trong khi đó đa phần chỉ muốn được dư dả về tiền bạc, và đỡ phải đau đầu lo nghĩ vì có quá nhiều tiền.

Dù cho mục tiêu về tiền bạc của bạn là gì, đạt được nó cũng đòi hỏi bạn phải có một số kiến thức cơ bản về tài chính.

Tuy nhiên điều này không phải dễ với phần đông người thường. Hầu hết chúng ta đều không được dạy về cách quản lý tiền bạc khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Chúng ta cũng không học về đầu tư ở đó. Bên cạnh đó, vô vàn những lời khuyên về tài chính trên mạng khiến ta không biết bắt đầu từ đâu.

Vì thế nếu muốn được tự do (ở mức độ nào đó) về tài chính, và thậm chí trở nên giàu có… thì dưới đây là những sự thật về tiền bạc và đầu tư có thể áp dụng được với gần như tất cả mọi người.

Tất nhiên là cả bạn nữa.

1. Nếu mục tiêu của bạn là trở nên giàu có, hãy làm việc cho chính mình

Hãy nhìn vào bất kỳ danh sách những người giàu nhất nào bạn tìm được. Bạn thấy điều gì? Ngoài một số người trúng số hoặc thừa kế tài sản, phần còn lại chủ yếu đều là doanh nhân.

Đó là bởi khi bạn làm việc cho ai đó, bạn sẽ không bao giờ được trả công nhiều hơn người đó (hoặc công ty đó). Và thu nhập của bạn luôn có một mức giới hạn nào đó.

Hãy mở một công ty, và giới hạn duy nhất đối với thu nhập của bạn là chính bạn.

Bạn không cần phải bỏ việc để khởi động việc làm ăn của mình. Ngoài ra bạn sẽ giảm thiểu được rủi ro cho đến khi bạn tạo được nền móng vững chắc cho thành công của mình, khi đó bạn có thể bỏ công việc làm công ăn lương.

2. Dành thời gian tập trung vào khoản tiền bạn tiết kiệm được

Hầu hết chúng ta khó có thể kiểm soát được mức lợi nhuận thu được từ các khoản đầu tư của mình. Kể cả khi bạn dành hết tâm trí và thời gian hàng ngày để xem xét các dữ liệu tài chính, sự chênh lệch mà bạn tạo ra đối với lợi tức đầu tư cũng hết sức nhỏ bé.

Nhưng cái mà bạn có thể kiểm soát được chính là số tiền mà bạn tiết kiệm.

Bạn càng tăng nhanh số tiền mình tiết kiệm được, thì càng nhanh có số tài sản lớn, và càng thu được lợi nhuận biên về lợi tức đầu tư cao hơn.

Giả sử thế này: Khi bạn có 20 triệu đồng, mức lợi tức 10% thay vì 5% (tức tăng được thêm 5% nữa) sẽ chỉ làm tăng số tiền tiết kiệm của bạn thêm 500.000 đồng. Nhưng khi bạn có 500 triệu đồng, mức chênh lệch đã là 25 triệu đồng.

Tiết kiệm nhiều hơn nghĩa là bạn phải tìm cách tiêu tiền ít đi. Hoặc điều đó đồng nghĩa với việc bạn phải tìm cách để kiếm được nhiều tiền hơn.

Những bài học về đầu tư, tiết kiệm mà ai cũng cảm thấy tiếc khi được biết quá muộn trong đời - Ảnh 1.

3. Chỉ vay tiền khi buộc phải vay

Điểm mấu chốt, cũng như với hầu hết các quyết định về tài chính, là phân biệt rõ những gì bạn "muốn" và những gì bạn "cần".

Bạn buộc phải có nơi ăn chốn ở, vì thế vay tiền mua nhà có vẻ hợp lý (miễn là mua đúng ngôi nhà mình cần và không mượn nhiều tiền hơn so với mức mình có thể trả).

Nhưng nếu bạn muốn một chiếc thuyền… và bạn vay tiền để mua chiếc thuyền đó… thì việc thỏa mãn nhu cầu của bản thân này có thể khiến bạn phải trả giá đắt. Thay vì vay tiền để mua thuyền, hãy tiết kiệm để sau này bạn có thể mua cho mình riêng một chiếc thuyền.

4. Khoản đầu tư sáng suốt nhất là đầu tư vào chính mình

Bạn muốn có lợi tức đảm bảo? Hãy đầu tư vào chính mình. Cải thiện các kỹ năng. Củng cố các mối quan hệ. Tăng cường khả năng chuyên môn, năng lực và kinh nghiệm của mình.

Đầu tư để trở thành một phiên bản nâng cấp của chính mình. Về lâu về dài, điều đó sẽ tạo ra kết quả tốt hơn so với bất kỳ khoản đầu tư nào của bạn. Hơn nữa đó lại chính là khoản đầu tư mà gần như bạn có thể kiểm soát được kết quả.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM