Nhóm "Tiểu hổ châu Á" hụt hơi: Việt Nam vẫn quật ngược gian khó, có mũi nhọn cực mạnh
Việt Nam có những lợi thế lớn so với các nước láng giềng trên con đường trở thành "Con hổ Châu Á mới".
Theo Philstar, hồi năm 2012, tác giả Ruchir Sharma đã viết cuốn sách "Những quốc gia bứt phá: Tìm kiếm những kì tích kinh tế mới". Trong sách, Sharma dự đoán rằng khi kỷ nguyên kiếm tiền và tăng trưởng dễ dàng sắp kết thúc, các nền kinh tế mới nổi lớn như Brazil, Nga và Ấn Độ sẽ "đối mặt với những thách thức khó khăn và kỳ vọng thực tế của riêng họ."
Ông cho rằng tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với ổn định chính trị và quản trị tốt.
Một góc chụp tại Sri Lanka. Ảnh minh họa
"Những câu chuyện về các quốc gia mới nổi vẫn xuất hiện trong nhiều thập kỷ qua. Các nước này đã không đạt được bất kỳ động lực nào để tăng trưởng bền vững hoặc sự tiến bộ bắt đầu bị đình trệ kể từ khi các nước trở thành các quốc gia có thu nhập trung bình.
Malaysia và Thái Lan dường như đang trên đường trở thành những quốc gia giàu có cho đến khi vấn đề chính trị gây ra cuộc khủng hoảng tài chính trong năm 1998. Sự tăng trưởng của các nước này đã suy giảm kể từ đó".
Vào những năm 1960, Philippines, Sri Lanka và Myanmar được coi là "những con hổ Châu Á" tiếp theo, nhưng cuối cùng tốc độ tăng trưởng của các nước này bị chững trước khi có thể đạt mức thu nhập trung bình khoảng 4.000 USD. Không duy trì được tăng trưởng là vấn đề chung và điều này có thể sẽ lặp lại trong thập kỷ tới".
Sự sụp đổ
Vậy điều gì đã xảy ra với các nền "kinh tế hổ" đầy tiềm năng trong những năm 1960 và cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ trong các nền kinh tế này?
Myanmar từng là quốc gia giàu có nhất ở Đông Nam Á. Sau đó, năm 1962, tướng Ne Win trở thành nhà cầm quyền quân sự cho đến năm 1988 khi ông bị buộc phải từ chức vì bạo loạn chống chính phủ.
Năm 1989, quân đội dưới quyền của tướng Saw Maung một lần nữa nắm chính quyền. Trong cuộc bầu cử năm 1990, phe đối lập đã giành được chiến thắng quyết định nhưng quân đội không từ bỏ quyền lực. Các nhà lãnh đạo đối lập, bao gồm cả bà Aung San Suu Kyi, đã bị bắt và giam giữ.
Philippines từng có thu nhập bình quân đầu người cao thứ hai ở châu Á
Sri Lanka có một nền kinh tế hưng thịnh và một hệ thống dân chủ nhưng Thủ tướng Bandaranaike đã bị ám sát vào năm 1955. Vợ ông lên thay và cuối cùng con gái của họ trở thành tổng thống. Vào những năm 1980, một cuộc chiến kéo dài 20 năm giữa đa số người Sinhalese và người Tamil đã nổ ra. Người Tamil chỉ chiếm khoảng 10% dân số, muốn có nhà nước của riêng họ. Khoảng 80.000 người, chủ yếu là người Tamil, đã bị sát hại hoặc mất tích.
Trong những năm 1960, Philippines có thu nhập bình quân đầu người cao thứ hai ở châu Á, chỉ sau Nhật Bản. Sau đó vào năm 1965, Marcos lên nắm quyền và năm 1972 tuyên bố thiết quân luật. Nền kinh tế gần như sụp đổ khi nạn tham nhũng trở nên nghiêm trọng.
Các cuộc đấu tranh vũ trang với Quân đội Nhân dân Mới và Mặt trận Giải phóng Hồi giáo ngày càng gay gắt. Năm 1986, Sức mạnh Nhân dân, lấy cảm hứng từ cuộc tử đạo của Ninoy Aquino, đã lật đổ chế độ độc tài Marcos ở Philippines.
Tương lai của Việt Nam ?
Theo trang Business Inquirer, với tình hình xuất khẩu giảm và tăng trưởng kinh tế đi xuống, "Những con hổ châu Á" từng phát triển nhanh như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và Hồng Kông (Trung Quốc) đều vấp phải chướng ngại vật.
Ngay cả các nền kinh tế "Tiểu hổ" đang phát triển nhanh chóng ở châu Á như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng toàn cầu suy yếu.
Các vấn đề phức tạp, bao gồm cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hay đại dịch Covid-19 cũng là những "quả bom" phá hoại thành quả kinh tế.
"Dù vậy, đi ngược xu hướng khu vực, Việt Nam vẫn thu được lợi nhuận lớn từ du lịch, xuất khẩu và sản lượng công nghiệp lớn," trang Business Inquirer nhận định.
Việt Nam tới nay vẫn là một cái tên sáng trong danh sách các quốc gia có tiềm năng trở thành "Con hổ Châu Á" tiếp theo - như tờ Business Times (Singapore) đã nhận định.
Với nền kinh tế có nền tảng tốt, tình hình chính trị ổn định, Việt Nam cũng thu hút những nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khổng lồ.
Do đó, có nhiều khả năng Việt Nam sẽ tránh được những rủi ro mà các nền kinh tế "suýt trở thành hổ Châu Á" đã gặp phải và Việt Nam hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu "Hổ châu Á" như chuyên gia từ Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã nhận định.
Trong những năm gần đây, tình hình chính trị tại Việt Nam được đánh giá là ổn định hơn rất nhiều so với các quốc gia "tiểu hổ" khác. Cụ thể, Philippines phải đối phó với những vụ đánh bom liều chết do vấn đề tôn giáo và sự xâm nhập của các nhóm khủng bố cực đoan như IS, Myanmar chứng kiến các cuộc biểu tình phản đối chính phủ do quân đội nắm quyền còn Sri Lanka vẫn bất ổn với hàng loạt vụ đánh bom liên hoàn khiến hàng trăm người thiệt mạng và bị thương.
Với môi trường ổn định và hòa bình, con người thân thiện, Việt Nam được nhiều nhà đầu tư lựa chọn và nhờ đó có thể cải thiện các thế mạnh của mình nhanh chóng.