Nhìn vào lịch sử, cơ hội vào Nhà Trắng của bà Clinton còn bao nhiêu?

12/11/2016 14:32 PM |

Hiến pháp Mỹ quy định các đại cử tri sẽ chọn tổng thống Mỹ và họ có thể làm ngược lại so với cam kết. Tuy nhiên, hàng trăm năm của chuẩn mực dân chủ Mỹ khiến cánh cửa vào Nhà Trắng dường như đã khép chặt trước mắt bà Clinton.

Trong cuộc bầu cử ngày 8/11, ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump đã giành hơn 270 phiếu đại cử tri để đánh bại bà Hillary Clinton và sẽ trở thành tổng thống tương lai. Tuy nhiên, ông Trump sẽ chưa thực sự trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ tới khi Đại cử tri đoàn họp vào ngày 19/12 và chọn ra người đứng đầu Nhà trắng .

Họp đại cử tri đoàn là quy định của Hiến pháp Mỹ. Tuy nhiên, trong chính trị hiện đại, việc làm này chỉ còn mang tính hình thức bởi kết quả đã được quyết định. Sở dĩ, người ta vẫn dấy lên câu hỏi về khả năng bà Clinton lật ngược thế cờ bởi những hy vọng xuất hiện trên mạng xã hội cùng bản kiến nghị có hơn 500.000 chữ ký nhằm đặt niềm tin vào những đại cử tri không trung thành.

Về lý thuyết, bà Clinton vẫn có thể trở thành tổng thống nếu có đủ số cử tri không trung thành rời bỏ ông Trump và bầu cho bà. Tuy nhiên, dựa vào cách biệt giữa ông Trump và đối thủ cũng như bản thân các đại cử tri là ai, lá phiếu của họ được tính ra sao và hàng trăm năm chuẩn mực dân chủ ở Mỹ, kỳ vọng đó là một giấc mơ hão huyền sẽ không bao giờ trở thành hiện thực.

Cử tri đoàn hoạt động ra sao?

Khi ông Trump và bà Clinton giành chiến thắng tại các bang sau cuộc bầu cử ngày 8/11, thực tế họ cũng đã giành trọn số đại cử tri của bang đó. Ví dụ, ông Trump chiến thắng ở Alaska có nghĩa là các ứng viên đại cử tri người Cộng hòa của bang như cựu thống đốc Sean Parnell, Jacqueline Tupou và Carolyn Leman sẽ chính thức trở thành 3 đại cử tri của bang. Quá trình này diễn ra tương tự ở các bang khác của Mỹ dẫn tới 538 đại cử tri.

Ngày 19/12, các đại cử tri sẽ họp và bầu ra tổng thống. Cuộc họp này chỉ là hình thức tái khẳng định kết quả bầu cử ngày 8/11. Về lý thuyết, các đại cử tri có thể thay đổi lựa chọn nhưng nó đồng nghĩa với việc phản bội lại bang, đảng và những người đã bầu chọn cho họ.

Trong khi đó, khoảng 30 trong số 50 tiểu bang của Mỹ thông qua luật ràng buộc, buộc đại cử tri phải lựa chọn tổng thống như kết quả đầu phiếu phổ thông của bang. Đối với những đại cử tri không trung thành, hình phạt phổ biến là tiền. Chưa có trường hợp bị truy tố nào được ghi nhận trong lịch sử chính trường Mỹ. Hiến pháp cho phép các đại cử tri đưa ra lựa chọn cuối cùng.

Suốt 100 năm qua, các nhà quan sát ghi nhận 9 đại cử tri không trung thành khi đưa ra lựa chọn trái ngược với mong muốn của số đông trong bang. Tuy nhiên, chưa có trường hợp nào sự thay đổi của các đại cử tri không trung thành đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống Mỹ.

Nước Mỹ bầu cử 4 năm một lần. Trong 100 năm, sẽ có khoảng 25 cuộc bầu cử được tiến hành. Với 538 đại cử tri cho mỗi lần bầu cử, khoảng 13.450 lượt đại cử tri sẽ được chọn. Con số 9 đại cử tri không trung thành chỉ chiếm 0,06% tổng số đại cử tri được bầu. Trong khi đó, dù quá trình kiểm phiếu vẫn đang diễn ra nhưng ông Trump đang dẫn trước bà Clinton khoảng 62 phiếu đại cử tri. Con số này có thể tăng lên 74 sau khi kết thúc các đợt kiểm phiếu.


Bản đồ phiếu đại cử tri, dự đoán ông Trump có thể giành thắng lợi với 306/232 phiếu đại cử tri. Ảnh: VOX

Bản đồ phiếu đại cử tri, dự đoán ông Trump có thể giành thắng lợi với 306/232 phiếu đại cử tri. Ảnh: VOX

Vì sao đại cử tri không chọn Hillary Clinton thay Donald Trump

Các đại cử tri của ông Trump là thành viên tích cực của đảng Cộng hòa. Dù vị tỷ phú New York không được lòng các vị bô lão của đảng nhưng lại nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các đảng viên, điều làm thay đổi cái nhìn của các đại cử tri.

Dù chưa có kết quả chính thức nhưng nhiều khả năng ông Trump sẽ chiến thắng bà Clinton với 306/232 phiếu đại cử tri. Khoảng cách giữa hai ứng viên là 74 phiếu. Đây là con số quá lớn và không thể thay thế trong cuộc họp của đại cử tri đoàn.

Trong khi đó, nhiều người phe Cộng hòa phản đối Donald Trump nhưng cũng chẳng ủng hộ bà Clinton. Trong trường hợp cả hai ứng viên đều không đạt đủ 270 phiếu tại cuộc họp của đại cử tri đoàn, Hạ viện Mỹ sẽ tiến hành chọn tổng thống. Ở thời điểm hiện tại, hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát và họ sẽ khó lòng chọn bà Clinton lên làm tổng thống.

Việc các đại cử tri không bầu cho Trump sẽ gặp phải sự phản đối dữ dội của những người ủng hộ tỷ phú New York ở chính bang họ sống. Thông qua tờ phiếu mâu thuẫn của người dân, Quốc hội Mỹ sẽ biểu quyết để chọn đâu là lựa chọn cuối cùng của bang. Một quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát cũng sẽ không ủng hộ bà Clinton.

Bà Clinton thừa nhận ông Trump là người chiến thắng. Không có dấu hiệu cho thấy bà Clinton sẽ tham gia vào nỗ lực lật ngược thế cờ nào.

Cuối cùng và quan trọng nhất là nước Mỹ có những chuẩn mực dân chủ. Các đại cử tri đều tin rằng việc của họ là xác nhận lại kết quả cuộc bỏ phiếu chọn tổng thống trong bang. Việc khoảng 37 đại cử tri Cộng hòa bỏ phiếu cho bà Clinton bất chấp ý nguyện của người dân và vi phạm các quy tắc dân chủ là điều không bao giờ xảy ra. Ở chiều ngược lại, nước Mỹ sẽ rơi vào thảm họa thực sự.

Dù những người cấp tiến và tự do không hài lòng với kết quả bầu cử đồng thời lo ngại về tổng thống tương lai Donald Trump nhưng mong muốn các đại cử tri không trung thành bỏ phiếu cho bà Clinton là điều nguy hiểm với nền dân chủ Mỹ. Ngoài ra, nó còn gây ra một cuộc khủng hoảng hiến pháp, khiến Quốc hội do người Cộng hòa kiểm soát sẽ làm mọi thứ để ngăn bà Clinton làm tổng thống.

Trên thực tế, rõ ràng việc kêu gọi các đại cử tri bất trung thành là ý tưởng phá hoại nền dân chủ Mỹ. Ở thời điểm hiện tại, ông Trump chưa nhậm chức cũng như chưa phạm bất cứ sai lầm nào đến mức nước Mỹ phải quay lưng với ông. Giống như bà Clinton đã phát biểu khi thừa nhận thất bại, nước Mỹ nợ ông Trump cơ hội cho ông lãnh đạo họ.

Theo Linh Anh

Cùng chuyên mục
XEM