Nhiều người thành công thức dậy lúc 6 giờ nhưng vì sao thói quen buổi sáng không phải là điều bắt buộc để thành công?
Chìa khóa thành công quan trọng không phải là thức dậy sớm mà nằm ở việc bạn luôn giữ tâm trí cởi mở về những hoạt động có thể thực hiện khi mới thức dậy.
Chúng ta ngưỡng mộ những người thành đạt và thích lắng nghe mọi thứ từ họ, điều đó tốt thôi. Nhưng điều đó không phải là bạn nghe và cố làm theo một thói quen, một lịch trình không phù hợp với bản thân, điển hình như những thói quen buổi sáng trước khi đi làm.
Đối với nhiều người, họ có thể đạt được năng lượng tích cực, thân hình thon thả hay bộ óc sáng tạo nhờ việc dậy sớm, tập thể dục, viết nhật ký, ngồi thiền… Nhưng đối với phần lớn chúng ta, những điều đó đôi khi khiến bạn kiệt sức.
Tất nhiên, chúng ta vẫn phải có một lịch trình cơ bản cho buổi sáng là thức dậy, tắm gội, đánh răng rửa mặt rồi mặc quần áo và ra ngoài đi làm. Đó là một lịch trình điển hình, và nó hoàn toàn là những hoạt động hữu ích. Cố gắng gò ép mình vào một lịch trình buổi sáng bận rộn không những là bạn không tôn trọng chính bản thân mà còn là con đường nhanh nhất để dẫn đến cảm giác tội lỗi và thất bại.
Thực ra, không có gì thần thánh ở những thói quen buổi sáng của những người thành công cả, họ chỉ làm những việc phù hợp với xu hướng cuộc sống cá nhân của họ thôi. Ví dụ, họ hoàn toàn có thể đi tập thể dục sau giờ làm nhưng hầu như luôn có những tình huống phát sinh không thể đoán trước khiến họ phải hủy lịch tập đó. Trong khi đó, vào lúc 5:30 sáng thì chẳng có gì làm gián đoạn được họ cả.
Vì vậy, nếu bạn có thể dành buổi sáng để thực hiện những việc làm đó thì quá tốt. Nhưng nếu không thì cũng đừng coi mình là một trường hợp thất bại vì những thói quen buổi sáng hoàn toàn không phải là điều duy nhất quyết định bạn có thành công hay không. Điều quan trọng là tìm ra điều gì có thể đem lại sau những hoạt động đó?
Một số người dễ dàng làm quen với các bước cố định nhưng nhiều người phải mất thời gian để xây dựng một thói quen linh hoạt miễn sao đạt được mục đích cuối cùng.
Để tìm ra mình thuộc nhóm người nào, bạn có thể trả lời một vài câu hỏi:
Thứ nhất: Điều bạn thực sự mong muốn ở một lịch trình buổi sáng là gì? Là để tập thể dục nhiều hơn? Tập trung tâm trí hơn hay để làm thêm một dự án công việc khác?
Thứ hai: Bạn từng thành công thay đổi một thói quen nào trong quá khứ chưa? Đã từng bỏ thuốc lá? Thay đổi chế độ dinh dưỡng để bảo vệ sức khỏe? Hình thành được một thói quen mới nào chưa? Dù đó là gì, hãy nghĩ về cách bạn đã thực hiện được nó.
Thứ 3: Bạn đã lên kế hoạch tỉ mỉ từng bước hay chỉ đơn giản là có một động lực mạnh mẽ thúc đẩy trong khoảnh khắc?
Hãy tập trung tất cả câu trả lời lại và áp dụng chiến lược tương tự cho mục tiêu buổi sáng mà bạn đã xác định.
Đối với những người không quen gò mình vào một thói quen cố định, bạn nên đưa ra 4 – 5 tùy chọn có tính chất tương tự để thay đổi linh hoạt. Ví dụ, bạn có thể tập thể dục vào 6h sáng mỗi ngày nhưng không nhất thiết phải đến phòng tập mà có thể thực hiện ở nhà hay công viên chung.
Đặc biệt, đối với những người nào có con nhỏ thì thói quen này thực sự rất khó để kiểm soát. Bởi họ bị phụ thuộc vào tình trạng của những đứa trẻ: ngủ ngon không, có khỏe không, đã làm đủ bài tập chưa…
Vì vậy, thay vì cố gắng kiểm soát mỗi buổi sáng theo cách bạn thích, hãy thử lật lại cuộc sống thực tế của bạn và tự đặt ra những hoạt động phù hợp với cá nhân. Công việc luôn bận rộn nhất khi bạn vừa thức dậy? Vậy thì có thể bỏ đi bộ mà mở email, bình tĩnh trả lời. Hay nếu đêm qua con bạn quấy khóc? Ngủ thêm một chút không sao đâu.
Chìa khóa quan trọng là luôn giữ tâm trí cởi mở về những hoạt động có thể thực hiện vào buổi sáng. Chúng ta không phải robot, cũng không phải bản sao nên tốt nhất là một tâm trí linh hoạt. Bạn hoàn toàn có thể chủ động thay đổi những hoạt động buổi sáng theo tình trạng sức khỏe, nhu cầu hay thậm chí theo thời tiết…
Hoặc đôi khi, điều quan trọng nhất chỉ là bỏ mặc những khuôn phép, cởi bỏ rào cản để bản thân được tận hưởng cuộc sống. Dành thời gian cho những việc có ý nghĩa hay cho những người bạn yêu thương hơn là gồng mình lên làm những việc khiến bạn thấy mệt mỏi.