Nếu không biết cách phát triển 3 sức mạnh tiềm ẩn này, cả đời bạn mãi mãi xa rời hai chữ "thành công"
Khi đứng trước những thử thách hay thất bại nặng nề, chúng ta dễ cảm thấy chán nản, mất cân bằng. Càng muốn bình tĩnh càng không làm được. Đó chính là lúc cần đánh thức 3 sức mạnh tiềm tàng ẩn trong tư duy, chìa khóa quan trọng để duy trì một tâm lý ổn định trước khó khăn.
1. Ý chí tự giải quyết vấn đề
Khi đứng trước một khó khăn, phản ứng đầu tiên của bạn là gì? Hãy thử tưởng tượng tivi trong nhà bị hỏng, bạn sẽ ngay lập tức gọi điện tìm người sửa chữa, hay tự mày mò nghiên cứu vấn đề nằm ở đâu? Hoặc khi máy tính xảy ra vấn đề, bạn sẽ đưa ra hàng nhờ nhân viên sửa hay tự lên mạng Internet tìm cách khắc phục? Câu trả lời sẽ thể hiện thói quen của bạn khi đối mặt với một thử thách nào đó.
Thay vì quá phụ thuộc vào sự giúp đỡ bên ngoài, bạn hãy tập cho mình thói quen tự giải quyết vấn đề trước tiên. Sử dụng năng lực quan sát, tìm kiếm hay tra cứu các tư liệu sẵn có để xác định rắc rối nằm ở đâu, mình có đủ sức tự giải quyết hay không, nếu không thì mới tìm sự giúp đỡ từ người khác và không quên học luôn cách giải quyết của họ vì đâu phải lúc nào chúng ta cũng có thể tìm được người đồng ý giải quyết vấn đề thay mình.
Nếu bạn không tự bổ sung thêm kỹ năng mới cho bản thân, bạn sẽ luôn luôn rơi vào cảnh khó khăn, phải làm phiền những người xung quanh hết lần này đến lần khác vì vấn đề riêng. Đặt tình huống đó vào trong môi trường công việc, chắc chắn không có một cấp trên hay đồng nghiệp nào muốn làm việc lâu dài với bạn cả.
Tiểu Dương là một nhân viên kỹ thuật lâu năm, mới được chuyển sang bộ phận quản lý của công ty đang làm việc. Công việc mới liên quan đến rất nhiều chính sách và các bộ phận phòng, ban khác nhau của công ty, lại chưa có kinh nghiệm quản lý, nên Tiểu Dương thực sự bối rối trước lần chuyển chức này. Cô luôn sợ hãi mình sẽ phạm sai lầm nghiêm trọng gây tổn thất cho công ty và phải đền bù, hoặc sợ lãnh đạo, đồng nghiệp tới hỏi ý kiến về định hướng chính sách bất cứ lúc nào, trong khi mình chẳng biết gì về chúng. Cô nghĩ: "Thôi xong, chắc lần này mình bị đuổi việc tới nơi rồi."
Sau đó, Tiểu Dương không ngừng đọc thêm các tài liệu trong mỗi lúc rảnh rỗi, thậm chí còn tăng ca ở lại công ty để tìm hiểu thêm. Cuối cùng, trong nửa năm, Tiểu Dương đã có thể quen thuộc tất cả các quy trình, chính sách và quy định làm việc của công ty. Thực hành nhiều lần khiến cô nắm rõ và hiểu chúng một cách cụ thể. Cho dù lãnh đạo có hỏi ý kiến ở bất cứ điều mục nào, cô luôn đưa ra một câu trả lời thỏa đáng cho họ. Dần dần, mọi người đều công nhận năng lực của Tiểu Dương trong lĩnh vực này.
Thông qua đó, cô hiểu ra rằng mọi khó khăn hay thử thách đều có thể chuyển hóa thành sức mạnh. Một giây trước, đó còn là thất bại, nhưng chỉ một giây sau, chúng đã biến thành cơ hội vàng, quan trọng là cô có thói quen tự giải quyết vấn đề hay không.
2. Xây dựng định hướng cụ thể
Trong cuộc đời, chúng ta có thể sẽ phải đối mặt với rất nhiều thất bại như lần đầu khởi nghiệp bết bát, công ty phá sản, đầu tư thua lỗ, nợ nần chồng chất... Nếu chúng ta đánh mất phương hướng của mình tại thời điểm ấy, chắc chắn không thể nào thoát khỏi vũng lầy thất bại. Nhưng nếu coi đó như một cơ hội để mài giũa bản thân, tiếp tục tiến về con đường phía trước khi gươm đã mài sắc, khiên đã vững vàng, thì kẻ địch nào trước mắt đều có thể vượt qua. Mỗi gian khó lại buộc chúng ta phải phát triển và bản lĩnh hơn nữa.
Thành Rome không thể xây trong một ngày, nhưng người ta đặt gạch từng giờ từng phút. Chúng ta cũng không thể trở thành chuyên gia tài chính hay nhân vật đầu ngành chỉ sau 1 đêm. Phải mất nhiều thời gian, thậm chí là nhiều năm để có thể thành thạo một kỹ năng hay thói quen nào đó. Nếu thành Rome chỉ là kết quả thì những viên gạch lại là quá trình. Ai bảo quá trình không quan trọng bằng kết quả? Tập trung vào những thói quen thay vì lo lắng xem mình sẽ đạt thành quả cuối cùng là gì mới là định hướng chuẩn xác nhất trên con đường phát triển của mỗi người.
3. Tư duy phát triển
Dĩ nhiên đặt một viên gạch xây Thành Rome chỉ là một việc rất nhỏ, không ấn tượng. Và bạn sẽ chẳng được ai ngợi khen vì điều đó. Nhưng đặt một viên gạch từ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, đây chính là cách bạn xây dựng được cả đế chế. Bạn có thể bắt đầu những việc nhỏ, tập trung vào việc cải thiện 1% mỗi ngày. Bạn sẽ dễ dàng đạt được kết quả khác cho ngày hôm nay và không còn sợ hãi khi đứng trước khó khăn của ngày hôm qua. Đó chính là cách mà tư duy phát triển hàng ngày.
Mỗi ngày trôi qua, trong suốt quá trình trưởng thành và khôn lớn, chúng ta đều không ngừng phát triển. Từ học ăn, học nói, học tính toán, học văn chương, tới các kỹ năng chuyên nghiệp, các nghiệp vụ quản lý, khả năng giao tiếp hay quản lý tài chính... Để không phải đau khổ trong tương lai, chúng ta buộc phải không ngừng học tập, thay đổi cuộc sống của chính mình. Chúng ta dùng sự khôn ngoan và bản lĩnh được tích lũy mỗi ngày để lấp đầy những hố sâu cạm bẫy, bước qua thử thách, thất bại và leo tới đỉnh thành công.