Nhật Bản quyết tâm xoay chuyển vận mệnh với chip: Không để quá khứ 20 năm trước lặp lại, chi kỷ lục 13 tỷ USD cho ngành, thành công mỹ mãn vì được hợp tác với TSMC

07/06/2024 15:31 PM | Kinh tế vĩ mô

Nhật Bản tìm lại ánh hào quang nhờ chip nhớ.

Toppan, công ty Nhật Bản 124 năm tuổi nổi tiếng với công nghệ in ấn hoạt động đa lĩnh vực bao gồm công nghệ thông tin; điện tử; công nghiệp.., đã chứng kiến giá cổ phiếu tăng gấp đôi kể từ đầu năm ngoái. Động lực phần lớn đến từ việc Toppan đang dẫn đầu thị trường trong phân khúc bảng đóng gói chất bán dẫn - mặt hàng vốn bùng nổ nhu cầu nhờ làn sóng trí tuệ nhân tạo.

Theo Omdia, một nhà nghiên cứu thị trường, các công ty Nhật Bản chiếm gần 50% thị phần 6 loại vật liệu bán dẫn quan trọng của thế giới. Akihiko Furuya, người đứng đầu bộ phận kinh doanh bán dẫn của Toppan, cho biết: “Nếu bạn không có những thứ này, ngành công nghiệp quốc phòng sẽ không thể hoạt động”.

Khi các quốc gia trên thế giới chạy đua sản xuất chip, Nhật Bản hiện cảm nhận rõ vị trí dẫn đầu của mình đang bị đe dọa. Các công ty như Toppan vì thế đóng vai trò trung tâm giúp nước này duy trì vị thế dẫn đầu. Được biết, Tokyo đang bơm hàng tỷ USD vào các nhà cung cấp vô danh để hiện thực hóa mong muốn.

Trong tháng này, một quỹ được nhà nước Nhật Bản hậu thuẫn sẽ hoàn tất việc mua lại JSR với giá 6 tỷ USD. Công ty này ban đầu chỉ sản xuất cao su, hiện đang được chuyển đổi sang sản xuất một loại nhựa có tên chất quang dẫn dùng để đưa mô hình mạch lên chip.

Khoản hỗ trợ nhỏ hơn sẽ chảy vào Toppan và các công ty liên quan đến chip theo dạng trợ cấp chính phủ. Quan chức cho biết họ không muốn chứng kiến sự lặp lại của những năm 1990 - thời điểm Nhật Bản đánh mất vị trí dẫn đầu ngành bán dẫn vào tay Mỹ, Đài Loan và Hàn Quốc.

“Từ ‘chất bán dẫn’ có liên quan đến ‘thất bại’ trong mắt các chính trị gia. Năm 1989, Nhật Bản là 6 trong số 10 nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới. Tính đến năm 2023, nước này rơi khỏi danh sách 10 nhà sản xuất chip có doanh thu cao nhất”, Jim Hamajima, chủ tịch tập đoàn công nghiệp SEMI Nhật Bản kiêm cựu giám đốc điều hành nhà sản xuất chip Tokyo Electron, cho biết.

Nhật Bản vốn là quê hương của nhiều loại vật liệu chuyên dụng dùng trong chế tạo chip. Nhà sản xuất thường là những công ty xuất thân từ các lĩnh vực kinh doanh như phân bón, bột ngọt, phim in và ảnh.

Toppan và một công ty khác của Nhật Bản, Dai Nippon Printing, nắm giữ phần lớn thị phần thế giới về loại vật liệu dùng để in bảng mạch. Hầu hết chất quang dẫn để sản xuất chip thì đến từ JSR, Fujifilm và các đối thủ trong nước.

Tetsuya Iwasaki, tổng giám đốc bộ phận vật liệu điện tử của Fujifilm, cho biết nguyên tắc của chất quang dẫn—cho vật liệu cảm quang tiếp xúc với một mẫu ánh sáng để tạo ra hình ảnh—là như nhau cho dù sản phẩm cuối cùng là gì.

“Theo nghĩa đó, đây là lĩnh vực mà công ty chúng tôi thực sự giỏi”, ông nói.

Iwasaki cho biết Fujifilm bước vào lĩnh vực kinh doanh máy quang học từ những năm 1980. Rất lâu sau khi Kodak, đối thủ của Fujifilm nộp đơn xin bảo hộ phá sản, giá cổ phiếu Fujifilm đã đóng cửa ở mức cao kỷ lục. Động lực một phần đến từ kế hoạch tăng gấp đôi doanh thu vật liệu bán dẫn của công ty Nhật Bản lên hơn 3 tỷ USD vào khoảng năm 2030.

Mỹ dự kiến sẽ hợp tác với những công ty như vậy thông qua hàng chục tỷ USD trợ cấp cho các nhà máy sản xuất chip mới, bao gồm cả những nhà máy do Intel, Samsung Electronics và TSMC xây dựng ở Ohio, Texas, Arizon.

Một đại diện của Bộ Thương mại Mỹ cho biết: “Chuỗi cung ứng chất bán dẫn sẽ vẫn mang tính toàn cầu, vì vậy sự hợp tác quốc tế rất quan trọng đối với thành công chung của chúng tôi”.

Nhật Bản quyết tâm xoay chuyển vận mệnh với chip: Không để quá khứ 20 năm trước lặp lại, chi kỷ lục 13 tỷ USD cho ngành, thành công mỹ mãn vì được hợp tác với TSMC- Ảnh 1.

Vào tháng 3, Toppan cho biết sẽ bổ sung thêm một nhà máy ở Singapore để sản xuất loại bo mạch đóng gói chip chuyên dụng. Furuya, người đứng đầu bộ phận bán dẫn Toppan cho biết: “Thành thật mà nói, đó là những gì khách hàng yêu cầu. Broadcom của Mỹ nằm trong số đó. Sẽ là một mớ hỗn độn lớn nếu bạn phải ngừng sản xuất vì động đất hoặc thiên tai”.

Nhật Bản hiện đang quyết tâm xoay chuyển câu chuyện bằng cách thu hút nhiều công ty nước ngoài. Dòng vốn trợ cấp hào phóng của chính phủ đã thu hút kha khá ‘anh tài’ trong ngành như TSMC, Micron và Samsung đầu tư vào Nhật Bản. Đối với một số dự án, chẳng hạn như của Samsung, hỗ trợ chính phủ lên tới khoảng 50% tổng vốn đầu tư.

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị gián đoạn do Covid-19 song song với cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung, Tokyo ôm nỗi lo về việc đảm bảo cung ứng chất bán dẫn tiên tiến cần thiết cho các nền kinh tế hiện đại. Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Fumio Kishida, chính phủ đã chi gần 2 nghìn tỷ yên (13 tỷ USD) ngân sách bổ sung cho ngành công nghiệp chip trong năm tài khóa - số tiền lớn nhất từng được đầu tư cho chất bán dẫn.

“Ngành công nghiệp bán dẫn của Nhật Bản đang trải qua bước ngoặt lớn. Thêm vào sự tăng trưởng của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu trong thập kỷ qua, Nhật Bản đang trở thành quốc gia tiếp theo”, Charles Shi, nhà phân tích chip của ngân hàng đầu tư Needham & Co có trụ sở tại Mỹ, cho biết.

Cam kết mới của Tokyo trong việc hỗ trợ các công ty trong và ngoài nước cho thấy quyết tâm giành lại vị thế dẫn đầu trước đây. Jun Okamoto, đối tác tại công ty tư vấn quản lý KPMG Nhật Bản, cho biết: “Một công ty như TSMC có thể sản xuất những thứ mà các công ty Nhật Bản không thể, chẳng hạn như chip tiên tiến dùng cho trí tuệ nhân tạo và công nghệ lái xe tự động. Việc thu hút được TSMC đến Nhật Bản theo đó sẽ mang lại nhiều lợi ích cho an ninh kinh tế”.

Các nhà đầu tư nước ngoài mới, bao gồm Micron của Mỹ và Samsung của Hàn Quốc, đều cam kết đầu tư vào Nhật Bản. Micron công bố vào năm 2023 đầu tư tới 3,7 tỷ USD vào nhà máy sản xuất chip nhớ bộ nhớ (DRAM) ở Hiroshima trong vài năm tới; trong khi Samsung dự tính thành lập cơ sở nghiên cứu và phát triển ở Yokohama - một thành phố ven biển gần Tokyo. Ước tính 350 tỷ won (280 triệu USD) sẽ được đầu tư tại đây trong 5 năm tới.

Tuy nhiên, phần thưởng thực sự dành cho Nhật Bản là khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD theo kế hoạch của TSMC, nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới của Đài Loan. Tập đoàn này đã mở nhà máy tại Kumamoto, phía nam đảo Kyushu, vào ngày 24 tháng 2, với số vốn tiêu tốn ban đầu rơi vào khoảng 8,6 tỷ USD. TSMC mới đây cũng vừa công bố kế hoạch xây dựng nhà máy thứ hai, từ đó nâng tổng vốn đầu tư vào Kumamoto lên hơn 20 tỷ USD cho đến năm 2027.

Theo Okamoto của KPMG, khoản đầu tư chính là kỷ nguyên mới cho ngành bán dẫn Nhật Bản. Ông nói với Nikkei Asia: “Cho đến gần đây, việc các công ty bán dẫn nước ngoài đầu tư vào Nhật Bản và xây dựng nhà máy là điều chưa từng thấy”.

Theo: WSJ

Vũ Anh

Cùng chuyên mục
XEM